Hiện tượng siêu trăng lớn nhất năm 2017 sẽ xuất hiện vào tối Chủ nhật ngày 3/12 tới, trong đó Mặt Trăng sẽ tiến sát Trái Đất thêm 26.500 km.
Mặt Trăng lớn nhất và sáng nhất trong năm nay sẽ thắp sáng bầu trời vào tối 3/12 khi nó ở điểm gần nhất trong quỹ đạo quanh Trái Đất.
Theo Mirror, thực ra đã có 3 siêu trăng trong năm nay nhưng tất cả đều trùng hợp với giai đoạn “trăng non” nên đây sẽ là siêu trăng đầu tiên có thể quan sát được.
Lúc này khi quan sát từ Trái Đất, Mặt Trăng trông sẽ lớn hơn và sáng hơn so với thông thường. Người xem có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường.
Thuật ngữ “Siêu trăng” (Supermoon) được nhà chiêm tinh Richard Nolle đặt ra vào năm 1979. Theo NASA, ngày nay thuật ngữ này được sử dụng phổ biến trên các phương tiện truyền thông dùng để mô tả hiện tượng trăng tròn (fullmoon), xảy ra vào thời điểm Mặt Trăng có quỹ đạo gần với Trái Đất nhất.
NASA cho biết siêu trăng có thể xuất hiện lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với lúc Mặt Trăng tròn bình thường.
Thuật ngữ thiên văn dùng để mô tả hiện tượng siêu trăng là “Perigee Syzygy.” (Syzygy là hiện tượng khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng). Lúc đó, hầu hết các vùng ở Bắc Mỹ sẽ không nhìn thấy được Mặt Trăng. Tuy nhiên, Mặt Trăng vẫn sẽ xuất hiện rất rõ ràng vào buổi tối Chủ nhật.
Thời điểm tốt nhất để quan sát siêu trăng là ngay sau khi trăng lên và trước khi Mặt Trời mọc, lúc Mặt Trăng ở ngay trên đường chân trời. Mặt Trăng xuất hiện lớn nhất và sáng nhất khi so sánh với các vật thể khác như tòa nhà hoặc tán lá.
Theo dự báo thời tiết quốc gia Hoa Kỳ, ngoại trừ New England và quanh vùng Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) thì ở phía đông Hoa Kỳ được dự báo có bầu trời trong lành về đêm, điều này sẽ rất thuận tiện cho việc quan sát siêu trăng.
Ở Việt Nam, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của gió Đông Bắc nên miền Bắc đêm nhiều mây, trời rét, miền Trung và Nam về đêm có mưa rải rác vài nơi do đó việc quan sát siêu trăng sẽ khó khăn hơn.
Mặt trăng sẽ đạt cận điểm – điểm gần nhất của Mặt Trăng đến Trái Đất trong tháng này – là 222.135m tính từ Trái Đất, trong khi đó, khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng là 238.000 m.
Tuy nhiên, nếu bạn bỏ lỡ cơ hội này, vẫn còn hai cơ hội để quan sát siêu trăng đầu tiên của năm 2018 vào ngày 2/1 và 31/1.
Cách đây hơn một năm, chúng ta cũng đã được chiêm ngưỡng một siêu trăng cực lớn vào ngày 14/11/2016 và cũng là ngày gần nhất kể từ khi siêu trăng cực lớn xuất hiện vào hôm 26/1/1948.
Và cũng phải mất 17 năm nữa chúng ta mới có thể quan sát siêu trăng này vào ngày 25/11/2034.
Hồng Liên t/h