Người dân ở nhiều nước trên thế giới vừa có dịp quan sát Siêu Mặt Trăng chiếu sáng bầu trời vào tối Chủ Nhật (16/10), những ai đã bỏ lỡ hiện tượng tuyệt đẹp này đừng lo vì nó sẽ tiếp tục xuất hiện vào tháng 11 và 12.
Những ai quan sát bầu trời đêm 16/10 sẽ thấy Mặt Trăng khổng lồ chiếu sáng cả bầu trời trong hiện tượng Siêu trăng mở đầu 3 tháng Siêu trăng liên tiếp.
Thuật ngữ “Siêu trăng” chỉ khi Mặt Trăng gần Trái Đất hơn so với bình thường, nhưng có một sự phân biệt giữa Mặt Trăng lớn và Siêu trăng.
Quỹ đạo của Mặt Trăng có hình elip và một mặt ở gần Trái Đất hơn 48.300 km so với mặt còn lại. Mặt gần hơn được gọi là “cận điểm” trong khi mặt xa hơn có tên “viễn điểm”.
Hiện tượng Trái Đất, Mặt Trời, Mặt Trăng thẳng hàng được gọi là syzygy. Vì vậy khi ở cận điểm, syzygy xảy ra, có nghĩa là Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất – một Siêu trăng xuất hiện.
Lần Siêu trăng tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 14/11 và ngày 14/12. Tuy nhiên, Siêu trăng tháng 11 đặc biệt hơn vì nó sẽ xảy ra trong vòng 2 giờ ở cận điểm, tức là nó sáng hơn, lớn hơn và là trăng tròn gần nhất của thế kỷ 21. Phải đến năm 2034 thì Mặt trăng mới trở lại gần Trái đất như vậy một lần nữa.
Trong khi Siêu trăng tháng 12 sẽ “ăn” mưa sao băng Geminid vì nó che khuất ánh sáng của trận mưa này, theo NASA.
Các Siêu trăng sẽ lớn hơn 16% so với bình thường và lớn hơn gần 30% so với mặt trăng nhỏ nhất trong năm.
Khi xem Mặt Trăng ở trên cao mà không có vật gì tham chiếu thì trông nó sẽ không khác nào những lúc bình thường. Nhưng nếu xem Mặt Trăng theo hướng thấp xuống với cây cối và các tòa nhà… thì kích thước thực sự của nó mới lộ ra.
Iris, theo Daily Mail