Siêu dự án Yamal của Nga thách thức cấm vận từ Mỹ và EU
Hàn Mai
Hàng chục doanh nghiệp năng lượng của Nga đang bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt từ Phương Tây nhắm vào các lĩnh vực về công nghệ và tín dụng, trên hết cả là một đại dự án mà điện Kremlin quyết cứu bằng được.
Dự án Yamal trị giá khoảng 27 tỉ đô la nhằm khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào phía tây bắc Siberia, nhằm mục đích tăng gấp đôi thị trường khí đốt thiên nhiên hóa lỏng có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Nếu vẫn đi đúng hướng, Nga sẽ chứng minh cho phương Tây thấy rằng, ngành công nghiệp năng lượng lớn nhất thế giới này sẽ không bị lệnh trừng phạt của Phương Tây đè bẹp.
Để đảm bảo dự án Yamal được tiếp tục xây dựng, Nga cam kết sẽ huy động các nguồn lực cần thiết. Dù vậy, điều này vẫn cần phải được kiểm chứng. Bởi vì, khu vực Yamal ở Cực Bắc có khoảng cách quá xa nên cần những công nghệ đặc biệt – thường được cung cấp bởi các đối tác phương Tây. Nhiều đối tác đã không thể hợp tác cùng Nga do cấm vận.
Trong khi các cổ đông Yamal đã đầu tư 6 tỷ USD, thì Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại chặn đứng nguồn vốn dự án này có thể huy động được từ phương Tây. Tuy nhiên, sau chuyến thị sát Yamal gần đây, các chuyên gia phân tích cùng giám đốc ngân hàng cho biết, họ rất ấn tượng với triển vọng của dự án. Một số thấy khó tin khi cổ đông lớn trong dự án Yamal là công ty khí đốt Novatek và tỷ phú đồng sở hữu dự án là Gennady Timchenko lại nằm trong danh sách cấm vận từ Mỹ và phương Tây, dù lệnh cấm chủ yếu nhắm vào Tổng thống Putin do Moscow thôn tính bán đảo Crimea cũng như hỗ trợ các thành phần ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
“Tôi đã ngạc nhiên bởi tốc độ cũng như khối lượng công việc được thực hiện”, ông Maxim Moshkov, nhà phân tích về dầu mỏ của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Thụy Sỹ (UBS) cho biết. Có khoảng 6.000 nhân viên hiện đang làm việc ở dự án và con số này sẽ tăng lên 15.000 người vào năm tới. “Họ làm việc thâu đêm suốt sáng… khi tới đó, tôi nhận ra dự án sẽ sớm trở thành hiện thực”, ông Moshkov cho biết. Ông Andrey Polishchuk từ ngân hàng Raiffeisen nhận định: “Họ đang xây một sân bay mới, các bể chứa dầu. Những con tàu đang nối tiếp nhau vận chuyển hàng hóa đến cảng gần đó”.
CÁC ĐỐI TÁC HÙNG MẠNH
Yamal có đối tác hùng mạnh như Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Total của Pháp và Công ty Cổ phần trách nhiệm hữu hạn Dầu khí (CNPC) của Trung Quốc. Tập đoàn Total cho biết, mặc dù các biện pháp trừng phạt đã được ban hành nhưng dự án Yamal sẽ không dừng. Bên cạnh đó, một phần ba lượng khí đốt của Châu Âu phụ thuộc vào Nga nên chậm tiến độ sẽ dẫn đến rủi ro.
Doanh nhân Gennady Timchenko tham dự một phiên họp Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở St. Petersburg năm 2014 (SPIEF 2014), vào ngày 24/5/2014. (Ảnh: REUTERS/Sergei Karpukhin)
Yamal sẽ bắt đầu xuất khẩu vào năm 2018 và hầu hết sản lượng của nó đã được bán cho thương gia tại thị trường Châu Âu và Châu Á. Dự tính, tổng sản lượng khí thiên nhiên hóa lỏng xuất khẩu khoảng 16,5 triệu tấn/năm – tương đương với lượng tiêu thụ khí trong nửa năm của cả nước Pháp. Cho đến nay, mặc dù các tập đoàn khí đốt độc quyền Gazprom và Novatek thoát được lệnh trừng phạt từ Châu Âu, nhưng trên thực tế vẫn nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ. Do vậy, các tập đoàn này gần như không thể tiếp tục gây quỹ cho dự án Yamal.
Tỷ phú Timchenk – đồng sở hữu của Novatek và là nhân vật hưởng nhiều lợi ích từ Tổng thống Nga Vladimir Putin nhờ mối quan hệ mật thiết, cũng nằm trong danh sách bị cấm vận.
Vào tháng Ba năm 2014, Mỹ đã bất ngờ liệt ông Timchenko vào danh sách trừng phạt ngay đầu tiên, với lời giải thích: “Các hoạt động của Timchenko trong lĩnh vực năng lượng có liên quan trực tiếp đến ông Putin”. Sau đó, ông Putin đã chỉ định Timchenko là doanh nghiệp được tham gia vào các quan hệ kinh tế tầm cỡ, trong đó có việc phát triển các dự án trọng điểm về khí đốt với Trung Quốc.
Thông qua tập đoàn CNPC, Trung Quốc – một trong những cổ đông góp 20% vốn ở dự án Yamal – đã đồng ý cho vay 20 tỷ đô la từ giờ tới cuối năm nay, ông Timchenko cho biết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để có được khoản vay đó.
HỖ TRỢ TỪ CHỦ NHÀ
Nếu Trung Quốc không thể trợ giúp thì ông Putin sẽ hành động.
“Chính phủ Nga khẳng định sẽ không để dự án thất bại”, một giám đốc tại công ty dầu mỏ ở phương Tây có liên quan tới dự án cho biết. Là một đất nước có dự trữ ngoại hối đứng thứ ba trên thế giới với 460 tỷ đô la, chính phủ Nga cam kết sẽ đầu tư vào các dự án sinh lời, miễn có triển vọng mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho ngân sách quốc gia trong tương lai. Các quan chức khác cũng cam kết sẽ hỗ trợ cho tập đoàn Gazprom, bao gồm tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft cùng các công ty độc quyền về đường ống và đường sắt là Transneft và RZhD. Ngoài ra, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói với giám đốc và đồng sở hữu Novatek là Leonid Mikhelson rằng, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ cho các công ty khác, không tính tới cơ cấu sở hữu của họ.