Chưa đổ bộ Ireland và Anh, nhưng những cơn gió Tây mạnh mẽ từ siêu bão mạnh nhất 50 năm – Ophelia – đã thổi hàng nghìn sinh vật giống loài sứa nguy hiểm chết người Portuguese man o’ wars đến các bãi biển của 2 quốc gia này trong vài tuần qua, khiến nhiều người kinh ngạc.
Bão Ophelia hình thành ở phía Tây Nam Đại Tây Dương đã mạnh lên cấp 3 theo thang đo 5 cấp khi vượt qua quần đảo Azores của Bồ Đào Nha.
Bão đã suy yếu trên đường đến Ireland, hạ xuống cấp 2 vào ngày 15/10 với sức gió mạnh nhất lên đến 169km/h. Cơ quan Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, tốc độ gió hiện duy trì ở mức tối đa là 145km/h.
Cơ quan Khí tượng Ireland cảnh báo, gió mạnh bắt đầu nổi lên từ sáng sớm 16/10 và gió bão sẽ thổi khắp nước này vài giờ sau đó. Cơn bão có thể gây ra thiệt hại nặng nề tại Ireland, tương tự siêu bão Debbie vào năm 1961, đồng thời cũng là mối lo ngại với Anh.
Trong khi người dân dọc bờ biển Ireland được cảnh báo về một cơn bão lớn, có thể gây ra lũ lụt và sóng cao tàn phá khu vực, thì những người trong đất liền phải đối mặt với một mối đe dọa khác. Tốc độ gió trên đỉnh và tại mặt đón gió của các ngọn đồi và núi mạnh hơn 30% so với những cơn gió gần mặt đất, và ở một số vị trí cao có thể còn mạnh hơn, Cơ quan Khí tượng Ireland cảnh báo.
Người dân ở 5 hạt phía tây Ireland đã được khuyên “có các hành động để bảo vệ tính mạng và tài sản”.
Cơ quan Khí tượng Ireland đã ban hành cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất, trước khi bão Ophelia dự kiến tấn công bờ biển phía Tây nước này vào ngày 16/10. Dự đoán lượng mưa do bão Ophelia gây ra ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của phía Tây Ireland vào khoảng 5 – 7cm, trong khi ở phía Đông nước này chỉ khoảng hơn 2,5cm.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua, Ireland và Anh đã bắt đầu chịu ảnh hưởng từ bão Ophelia với hàng nghìn con sứa Portuguese man o’war, một sinh vật bất thường thực tế là một quần thể gồm nhiều cá thể nhỏ sống cộng sinh với nhau. Hiện tượng này đã khiến nhiều người kinh ngạc.
Những con sứa Portuguese man o’war hay còn gọi là Physalia physalis bắt đầu bị cuốn trôi vào các bãi biển Anh từ giữa tháng 9. Loài vật này sở hữu bề ngoài đẹp mắt nhưng lại là một trong những loài sứa gây chết người nguy hiểm nhất trên thế giới với những xúc tu có nọc độc. Vết chích của chúng như một vết đánh bằng roi da khiến người ta đau đớn trong vài ngày liền. Nọc độc của chúng có thể gây sốt và choáng, sau đó khiến tim hoặc phổi ngừng hoạt động và dẫn đến tử vong.
Matt Slater, một chuyên gia về sinh vật biển thuộc Tổ chức bảo tổn động vật hoang dã (Cornwall Wildlife Trust), nói với tờ Mirror tiếng Ireland vào giữa tháng 9 rằng, ông chưa từng thấy sự xuất hiện của các sinh vật biển này với số lượng lên đến hàng nghìn như vậy.
“Đây là một sự kiện chưa từng có và chúng tôi kêu gọi công chúng phải thận trọng và để ý đến những loài khác thường bị mắc kẹt“, ông nói.
Khi bão Ophelia ngày càng tiến gần, nhiều con sứa cực độc nữa có thể bị cuốn trôi vào bờ. Người dân địa phương đang cảnh báo mọi người cẩn thận khi đưa vật nuôi tới bãi biển.
Mùa bão Đại Tây Dương đến nay đã xuất hiện 15 cơn bão, nhiều nhất kể từ cuối thế kỷ 19, theo Independent.
Theo Epoch Times