Ngày 21/5, siêu bão Amphan mang theo mưa lớn và lốc xoáy đã càn quét các vùng duyên hải Ấn Độ và nước láng giềng Bangladesh, khiến nhiều vùng rộng lớn bị ngập, hàng triệu người bị mất điện và hơn 80 người thiệt mạng, theo The Epoch Times.
Siêu bão Amphan đổ bộ vào bang Tây Bengal, Ấn Độ hôm 20/5 mang theo những cơn mưa lớn, lốc xoáy với sức gió lên tới 170km/h và gió giật lên đến 190km/h. Cơn bão đã tàn phá các ngôi làng ven biển, đánh sập những ngôi nhà bằng đất và làm gãy đổ nhiều cây cối, cột điện.
“Tôi chưa bao giờ từng thấy thảm họa như vậy trước đây”, Thủ hiến bang Tây Bengal Mamata Banerjee nói, đồng thời cho biết chính phủ sẽ trợ cấp số tiền tương đương 3.310 USD cho các gia đình mất người thân trong cơn bão.
Ít nhất 74 người ở Ấn Độ đã thiệt mạng, hầu hết sống ở bang Tây Bengal. Theo các đài truyền hình ở Bangladesh, 13 người ở nước này cũng đã thiệt mạng.
Nhiều khu vực đô thị thuộc thành phố Kolkata, bang Tây Bengal nơi sinh sống của hơn 14 triệu người, vẫn đang chìm trong biển nước. Sân bay của thành phố cũng bị đóng cửa một thời gian ngắn do lũ lụt. Đường dây điện và đường thông tin liên lạc bị phá hủy, các tòa nhà tuổi đời hàng thế kỷ cũng bị hư hại. Hàng trăm ngàn người đã được sơ tán trước cơn bão do đại dịch Vũ Hán.
Các quan chức cả hai nước cho biết chưa thể tính toán toàn bộ thiệt hại do lốc xoáy gây ra vì đường dây liên lạc đến nhiều nơi đã bị cắt.
Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, các nhà chức trách đang nỗ lực để hỗ trợ tất cả những gì có thể cho các nạn nhân trong cơn bão.
Tại Bangladesh, Chủ tịch Ủy ban Điện khí hóa Nông thôn Moin Uddin cho biết khoảng 10 triệu người nước này vẫn chưa có điện. Hàng trăm ngôi làng vẫn đang trong tình trạng ngập lụt, những khu vực sơ tán không thể hoạt động hết công suất vì sợ lây nhiễm virus corona. Một số người thậm chí rất lo sợ nguy cơ lây nhiễm khi đến đó.
Đại dịch Vũ Hán cũng ảnh hưởng đến nỗ lực cứu trợ và khôi phục những khu vực bị phá hủy. Ngoài ra, thiệt hại từ cơn bão có thể sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho người nghèo, những người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của virus Vũ Hán.
Trong một đánh giá ban đầu ở Bangladesh, ông Enamur Rahman, bộ trưởng quản lý thảm họa của nước này cho biết cơn bão đã gây thiệt hại khoảng 130 triệu đô la liên quan đến các cơ sở hạ tầng, nhà ở, thủy sản, chăn nuôi, tài nguyên nước và nông nghiệp.
Ngoài ra, tổng cộng khoảng 1.100 km đường giao thông, 150 con đê, và gần 200.000 trang trại nuôi tôm tại 26 trong 64 huyện đã bị hư hỏng, các loại cây trồng trên 200.000ha cũng đã bị hư hại, ông Rahman cho biết trong một cuộc họp báo.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)