Tinh Hoa

Saudi Arabia tuyển gấp đao phủ chuyên chặt đầu người

Saudi Arabia đang thiếu đao phủ trầm trọng khi số lượng tử tù bị kết án tử hình tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Ngày 18.5, trước tình hình số lượng tử tù tăng cao, Bộ Nội vụ Saudi Arabia đã phải đăng quảng cáo tuyển thêm 8 đao phủ chuyên nghiệp thực hiện các vụ tử hình bằng hình thức chặt đầu của nước này.

Trong phần quảng cáo đăng trên website của mình, Bộ Nội vụ Saudi Arabia mô tả công việc chính của các đao phủ là “thi hành án tử hình”, tuy nhiên không đưa ra bất cứ yêu cầu cụ thể nào cho các ứng cử viên.

Một đao phủ chuyên nghiệp ở Saudi Arabia

Ngoài việc thực hiện các vụ xử tử bằng cách chặt đầu, các đao phủ của Saudi Arabia còn phải tiến hành các biện pháp trừng phạt chặt tay đối với các tội danh ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như trộm cắp.

Saudi Arabia là một trong 5 nước có số người bị tử hình nhiều nhất thế giới, và con số này tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây. Trong năm 2014, số liệu của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy số vụ tử hình ở Saudi Arabia đứng thứ 3 thế giới.

Hôm Chủ nhật vừa rồi, Saudi Arabia đã chặt đầu tử tù thứ 85 chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, so với tổng số 88 người bị xử tử trong cả năm 2014. Phần lớn những người bị chặt đầu này là tội phạm giết người, nhưng vẫn có 38 tử tù bị hành quyết vị phạm tội buôn bán ma túy.

Một vụ xử tử bằng hình thức chặt đầu ở Saudi Arabia

Nhà chức trách Saudi Arabia không giải thích vì sao số lượng người bị xử tử lại tăng nhanh như vậy trong năm nay, tuy nhiên một số nhà ngoại giao cho rằng đây là hệ quả của chính sách bổ nhiệm thêm nhiều thẩm phán giúp đẩy nhanh tiến độ các phiên tòa xét xử.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia phân tích chính trị thì cho rằng đây là biện pháp đáp trả cứng rắn của hệ thống tư pháp Saudi Arabia đối với những đe dọa đến từ tình hình hỗn loạn tại khu vực Trung Đông.

Theo bản mô tả công việc được đăng trên website của Bộ Nội vụ Saudi Arabia, nghề đao phủ được xếp vào diện “viên chức tôn giáo”, với hệ số lương ở mức thấp nhất trong bảng lương viên chức, mặc dù công việc của họ được miêu tả là “vô cùng khủng khiếp”.

Theo Dân Việt