Sau làn sóng biểu tình của người dân địa phương do lo ngại về các nguy cơ sức khỏe và an toàn, thành phố Liên Vân Cảnh, Trung Quốc đã ngừng công việc sơ bộ đối với dự án nhà máy hạt nhân trị giá 15 tỷ USD.
Các nguồn tin trước đó cho biết, thành phố Liên Vân Cảnh ở tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Trung Quốc, cách Thượng Hải khoảng 500 km về phía Bắc, dự kiến được chọn làm nơi đặt một dự án nhà máy tái chế rác thải hạt nhân. Thông tin này đã làm bùng phát các cuộc biểu tình, bắt đầu từ cuối tuần qua.
Dự án do công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) vận hành hợp tác cùng tập đoàn Areva của Pháp, dự kiến được khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2030. Nhưng đến sáng 10/8, chính quyền thành phố Liên Vân Cảnh đã thông báo ngừng dự án trong một tuyên bố chỉ đúng 1 dòng.
“Chính quyền thành phố đã quyết định dừng việc lựa chọn địa điểm và công việc sơ bộ đối với dự án tái chế hạt nhân”, thông báo cho hay, nhưng không cho biết các thông tin chi tiết.
Thông báo trên được đưa ra sau khi hàng nghìn người biểu tình xuống đường phản đối dự án kể từ ngày 6/8 do những lo ngại tiềm tàng về nguy cơ phóng xạ và sự thiếu minh bạch trong quá trình đưa ra quyết định đối với dự án.
Người dân đã dùng mạng xã hội để nêu ra các câu hỏi về tiến trình quyết định, nhưng các bình luận đã nhanh chóng bị các nhà kiểm duyệt xóa đi. “Sẽ ra sao nếu xảy ra rò rỉ phóng xạ? Tại sao chính phủ muốn một mình đưa ra quyết định về một vấn đề lớn như vậy, một quyết định sẽ ảnh hưởng tới tất cả các thế hệ tương lai?”.
Liên Vân Cảnh là nơi đặt dự án điện hạt nhân Tianwan, hiện bao gồm 2 lò phản ứng do Nga thiết kế. Hai lò phản ứng khác hiện đang được xây dựng và cũng có các kế hoạch nhằm mở rộng nhà máy.
Trung Quốc có tham vọng trở thành nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực điện hạt nhân. Trung Quốc hiện có 35 nhà máy hạt nhân đang hoạt động và 20 nhà máy đang được xây dựng, theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải gồng mình giải quyết những hạn chế trong ngành công nghiệp hạt nhân, trong đó có việc sản xuất nhiên liệu, tái chế rác thải, tiếp cận lưới điện và thiếu đội ngũ nhân sự giỏi.
Vào năm 2013, người dân tại thành phố Heshan ở tỉnh Quảng Đông cũng xuống đường biểu tình để phản đối một nhà máy sản xuất uranium dự kiến được xây dựng tại thành phố. Dự án cuối cùng đã bị hủy bỏ.
Theo Dân trí