Ngày 17/1, sàn cho vay tiền ảo nổi tiếng thế giới Bitconnect tuyên bố dừng cho vay và đóng sàn giao dịch nội bộ, giá bitconnect đã lao dốc từ 400USD xuống còn vài chục USD. Cùng tình cảnh với Bitconnect, hàng loạt dự án ICO đa cấp trong nước đang trong thế “vỡ trận” vì nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo.
Tay ôm vô lăng, mắt nhìn bản đồ, Phan Khải, một tài xế taxi tại TP.HCM không ngừng kể về dự án đầu tư của gia đình vào sàn tiền ảo (tiền mã hóa) với lời hứa hẹn “nhân 10 vốn” đầu tư. Anh hy vọng số tiền kiếm được sẽ giúp lên đời chiếc SUV mới, thay cho mẫu Kia Morning đang chạy.
Nhưng thực tế, những sàn đầu tư này chỉ là cái bẫy đánh vào lòng tham. “Chạy xe bao nhiêu tiền đều đưa cho vợ hết. Nghe vợ bảo có đầu tư hai gói Bitcoin gì đó. Đến lúc vỡ lẽ ra thì không thể rút kịp nữa. Bán hết số đó giá rẻ cũng không thu lại được 1/10 vốn, mà cũng chẳng ai muốn mua”, anh Phan Khải, tài xế taxi tại TP.HCM kết thúc chuyến xe, chạy vội về nhà khi nghe tin có thêm một dự án mà anh đầu tư ngừng trả lãi.
Bỏ ra 100 triệu, chỉ còn 2 triệu ‘trên màn hình’
Tiền số đa cấp hoạt động dựa trên hình thức lending (cho vay), lấy tiền người sau để trả cho người trước. Vì theo mô hình Ponzi, tiền số đa cấp thường lừa đảo, hứa hẹn trả lãi cao trong thời gian ngắn. Ngoài việc “lấy người sau nuôi người trước”, một số hệ thống sau khi nhận tiền vốn của người đầu tư, đã mang đi đầu tư vào Bitcoin, Ethereum và nhiều loại tiền mã hóa khác để trả lãi.
Vì có cách hoạt động như vậy, những dự án này thường có kế hoạch sử dụng vốn kinh doanh mập mờ, nhưng qua mặt được những nhà đầu tư non tay, thiếu hiểu biết và không chịu tìm hiểu kỹ về dự án. Đa số không quan tâm đến chiến lược phát triển dài hạn mà chỉ nhìn vào số lãi kỳ vọng và “xuống tiền”.
“Thay vì quan tâm đến việc dự án mình đầu tư có kế hoạch phát triển như thế nào thì hầu hết người chơi ở Việt Nam chỉ biết đổ tiền và hy vọng nó sẽ nhân gấp nhiều lần tài sản. Lợi dụng tâm lý này nhiều tổ chức lập ICO kêu gọi vốn để lừa người đầu tư”, Minh Thảo, CEO Umbala, chia sẻ.
Dù được “tiền hô hậu ủng” bằng dàn xe sang, diễn giả hào nhoáng, nhưng những dự án ICO đa cấp biến tướng sẽ “vỡ trận” khi không chiêu dụ được thành viên mới, hoặc đơn giản là khi bong bóng bitcoin tan vỡ trước nhiều thông tin bất lợi.
Lúc này dự án sẽ chính thức dừng mảng vay trả lãi, người đầu tư bán tháo số coin khiến giá giảm chóng mặt. Giá trị token iFan giảm từ khoảng 5 USD xuống còn 0,2 USD.
“Tôi bỏ vào đầu tư 100 triệu và giờ thu về là một đống coin rác hiển thị trên màn hình với giá chưa đến 2 triệu. Mở dự án kinh doanh không làm được thì trả tiền cho nhà đầu tư chứ trả coin làm gì”, Hoàng Nguyễn, một người đầu tư vào iFan ở TP.HCM bức xúc.
Sau Bitconnect, các dự án đình đám còn lại ở Việt Nam như Western, Uncoincash, Regalcoin, Oac, Hextracoin, Falcon, Davorcoin… đều đang trong tình trạng “lao đao” khi không còn đủ tiền trả lãi. Nhà đầu tư thường xuyên nhận được các lý do cho việc chậm trả lãi như hệ thống bị hack, quá tải và các vấn đề pháp luật địa phương.
Tràn về nông thôn, lợi dụng người nổi tiếng
Nếu gọi tên một dự án làm “điên đảo” ở các miền quê Việt Nam, iFan sẽ được nhiều người nhắc đến. Theo thống kê từ SimilarWeb, hơn 90% lượng truy cập vào hệ thống này đến từ Việt Nam.
Dự án này huy động vốn bằng cách phát hành mã token, hứa hẹn ra đời để xây dựng nền tảng quản lý thu nhập, tạo thu nhập thụ động cho nghệ sĩ tại Việt Nam.
Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu thành lập, iFan đã tìm cách lợi dụng tên tuổi và hình ảnh nghệ sỹ để quảng bá cho hệ thống. Bằng cách mời MC, ca sỹ về dẫn chương trình và biểu diễn, iFan dùng những hình ảnh này để quảng bá rằng các nghệ sỹ lớn của Việt Nam “đang hợp tác cùng iFan”.
Dự án iFan yêu cầu chủ đầu tư phải mua lượng token tối thiểu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất “khủng” lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian sống cho dự án. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi mọi người vào để hưởng hoa hồng theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả cho những người trước.
Số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) có lúc tăng đến 0,8 BTC (gần 200 triệu đồng). “Họ nâng giới hạn để không cho người đầu tư rút. Những nhà đầu tư bây giờ cũng chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình chứ cũng không mong thu hồi nữa rồi”, Trọng Nguyễn, sinh viên tại TP.HCM dành hết số tiền có được đầu tư vào iFan cho biết.
Không chỉ có sinh viên và giới văn phòng, những người dân ở các vùng quê cũng được mạng lưới “coin đa cấp” hướng dẫn tận tình cách thức tham gia. Với những gói đầu tư sinh lợi hấp dẫn, nhiều người đã dành hết cơ nghiệp của mình cho các dự án trá hình này.
Ngoài những khó khăn trong quy định rút tiền lãi, những dự án đa cấp này cũng không đáp ứng được nền tảng công nghệ để đảm bảo quá trình hoạt động. Tình trạng quá tải khi nhà đầu tư rút hay mua ồ ạt thường xuyên xảy ra khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Trên một nhóm liên lạc Telegram, các nhà đầu tư liên tục đặt những câu hỏi như “tại sao tôi không rút được?”, “tại sao hệ thống lại quá tải?”.
Để kết thúc quá trình vay trả lãi, chủ dự án lấy lý do chuyển hướng hoạt động do vấn đề luật pháp, tương tự như cách làm của Bitconnect. Chủ dự án cho rằng đây là chuyện “không ai mong muốn”, nhiều nhà đầu tư đã mất trắng số tiền của mình.
Phản ứng lúc này của người đứng đầu là trấn an, kêu gọi người đầu tư bình tĩnh chờ diễn biến với lời hứa “giá sẽ lên lại” mặc dù dự án kinh doanh của họ không có thêm bước tiến triển nào. Trong khi đó người chơi đều tự an ủi mình “đầu tư nhất định phải có rủi ro” và “có chơi có chịu”. Một số người chơi khác lựa chọn cách đặt giá bán cao hơn với hy vọng giúp đồng tiền này tăng giá.
Sau Bitconnect và iFan, nhiều dự án khác sắp tan vỡ
“Sau Bitconnect, iFan thì các dự án phát triển tương tự như Davorcoin, Pincoin, Ucoin đang dùng những chiêu dụ dỗ tương tự để huy động vốn. Nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng về hoạt động kinh doanh trước khi tất tay vào những dự án này. Không nên để lợi nhuận làm mờ mắt”, anh Thế Vinh, một nhà đầu tư ICO tại TP.HCM cho biết.
Trong nhóm trao đổi thông tin được lập bởi nhóm người đứng đầu, những ý kiến trái chiều hay nói ra nghi ngờ về dự án đều sẽ bị xóa và những thành viên đăng tải thông tin này bị chặn khỏi nhóm. Một số người quá bất bình trước việc nhà đầu tư bị “dắt mũi” đã thành lập những nhóm để đòi quyền lợi.
Việc những dự án “ma” lợi dụng hình thức ICO để gọi vốn và lừa đảo, bòn rút nhà đầu tư vô tình gây ảnh hưởng đến những dự án ICO nghiêm túc ở Việt Nam. Dù công khai rõ lộ trình, xây dựng nền tảng kỹ thuật và có mạng lưới đối tác lớn, một ICO “chân chính” ở Việt Nam cũng không dễ sống sót khi bị dính định kiến từ những hệ thống lừa đảo.
“Việc biến tướng hình thức kêu gọi vốn này ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm thực sự như chúng tôi. Chúng tôi phát triển kinh doanh thật, không cam kết lợi nhuận khủng, không kêu gọi đa cấp nhưng dễ bị hiểu lầm là ICO đa cấp khi loại hình biến tướng này quá nở rộ”, Nguyễn Anh Hoa, CEO dự án EZ Solution chia sẻ.
Tuy nhiên, trong cơn thoái trào của các đồng tiền kỹ thuật số, hình thức gọi vốn thông qua ICO dù là “chính” hay “tà”, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người đầu tư ở Việt Nam có thể đối mặt với cảnh mất trắng hoặc chôn vốn bất cứ lúc nào.
Ngày 22/1, CNBC dẫn lời Peter Boockvar, Giám đốc Đầu tư của Bleakley Advisory Group, một chuyên gia tài chính ở phố Wall, dự đoán Bitcoin sẽ rớt 90% giá trị, quanh quẩn ở mức 1.000 USD. Điều này cũng khiến các đồng tiền kỹ thuật số khác như Ethereum, Ripple, Bitcoin Cash, LiteCoin… trở về đúng giá trị của mình.
Đó cũng sẽ là ngày mà những dự án ICO sống nhờ vào tiền kỹ thuật số, hoạt động theo mô hình đa cấp ở Việt Nam, vụn vỡ và rơi vào cảnh hỗn loạn vì nhà đầu tư bán tháo.
Theo Zing