Cuộc bầu cử ngày 4/3 tại Italy chứng kiến sự thất bại nặng nề của đảng cầm quyền cùng sự lên ngôi của các đảng dân túy và cực hữu, song không đảng nào đủ điều kiện để một mình lãnh đạo đất nước, khiến quốc gia châu Âu này đối mặt với tình thế “nghị viện treo”.
Kết quả cuộc bầu cử vừa qua ở Italy với gần 100% số phiếu được kiểm cho thấy, liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã dẫn đầu và giành được 37% số phiếu tại Hạ viện (đối với số ghế được bầu theo cơ chế đại diện tỷ lệ) cùng với 103 ghế hạ nghị sỹ (được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử).
Còn tại Thượng viện, liên minh này giành được tỷ lệ tương ứng là 37,49% cùng với 54 ghế thượng nghị sỹ.
Trong khi đó, đảng dân túy Five Star Movement (Năm Sao hay M5S) giành được 32,67% số phiếu tại Hạ viện cùng với 85 ghế hạ nghị sỹ; 32,22% số phiếu tại Thượng viện và 41 ghế thượng nghị sỹ. M5S mặc dù xếp ở vị trí thứ hai nhưng lại là đảng đơn lẻ giành được nhiều phiếu bầu nhất.
Còn liên minh cánh tả, trong đó có đảng Dân chủ (PD) cầm quyền của Thủ tướng Paolo Gentiloni, xếp ở vị trí thứ ba và chỉ giành được 22,85% tại Hạ viện và 22,99% tại Thượng viện cùng với 22 ghế hạ nghị sĩ và 12 ghế thượng nghị sỹ. Lãnh đạo đảng PD đồng thời là cựu thủ tướng Matteo Renzi đã quyết định từ chức hôm 5/3, hãng tin Ansa của Italy cho biết.
Điểm đáng chú ý trong kỳ bầu cử này, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với các đảng dân túy và kháng chính thống tăng mạnh, dẫn chứng là đảng dân túy M5S và đảng cực hữu Liên đoàn (tên cũ là Liên đoàn phương Bắc) giành được khá nhiều phiếu bầu so với kỳ bầu cử trước.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với các chính đảng truyền thống như đảng PD và đảng Tiến lên Italy (FI) lại sụt giảm mạnh. Sự thắng thế của các đảng dân túy và cực hữu ở Italy được cho là một đòn mạnh giáng vào Liên minh châu Âu và khiến giới đầu tư quan ngại.
Tuy nhiên, kết quả nói trên có nghĩa không có phe nào trong số 3 lực lượng chính trị chủ chốt ở Italy giành đủ đa số quá bán để tự đứng ra thành lập chính phủ và một quốc hội treo là kết quả của cuộc bầu cử lần này.
Với kết quả bầu cử như vậy, tương lai chính trị của Italy vẫn chưa hề chắc chắn. Theo luật bầu cử mới, nếu không có đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành được đa số, Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ quyết định chọn đảng hoặc liên minh chính đảng phù hợp nhất đứng ra đàm phán với các đảng khác để thành lập chính phủ.
Tiến trình đàm phán thành lập chính phủ dự kiến sẽ kéo dài và có thể gây nên những tác động tiêu cực đến Khu vực đồng euro. Nếu tiến trình này bị thất bại, Italy có thể phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.
Quốc hội Italy dự kiến sẽ có phiên họp đầu tiên vào ngày 23/3 để bầu chủ tịch của hai viện, nhưng Tổng thống Mattarella có lẽ sẽ chưa khởi động các cuộc đàm phán chính thức giữa các chính đảng để thành lập chính phủ cho đến đầu tháng 4. Trong cuộc bầu cử năm 2013, các chính đảng phải mất tới hơn 2 tháng mới có thể thành lập được một chính phủ.
Các nước Liên minh Châu Âu (EU) sẽ theo dõi sát sao quá trình đàm phán thành lập liên minh điều hành chính phủ tại Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giữa lúc xu hướng chống đồng tiền chung đang trỗi dậy. League và M5S đều có quan điểm chống nhập cư và hoài nghi châu Âu.
Italy hiện là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 19 nước thuộc khối Eurozone và được dự báo tiếp tục suy giảm trong năm tới. Kết quả bầu cử cho thấy cử tri đang “trừng phạt” các đảng truyền thống vì sự sa sút của nền kinh tế, thuế tăng cũng như làn sóng nhập cư trong những năm qua.
Tú Văn (t/h)