Theo một nghiên cứu gần đây của NASA, khoảng 7% DNA của phi hành gia Scott Kelly đã biến đổi ở tính trạng biểu hiện sau một năm sống trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Điều này đã được phát hiện từ nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trên cặp anh em sinh đôi Scott Kelly và Mark Kelly. Nghiên cứu được tiến hành như sau: Scott Kelly sống ở Trạm Không gian quốc tế (ISS) trong gần 1 năm (342 ngày). Còn người anh em sinh đôi của Scott là Mark là một phi hành gia nghỉ hưu thì ở lại Trái Đất.
Nghiên cứu cho thấy, sau một năm sống trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), một số biểu hiện gen của Scott đã thay đổi khi so sánh với người anh em song sinh Mark Kelly ở Trái Đất.
Theo đó, khoảng 7% DNA của phi hành gia Scott đã biến đổi tính trạng biểu hiện sau 1 năm ở trên quỹ đạo. NASA cho rằng điều kiện sống trên quỹ đạo có thể đã kích hoạt những thứ gọi là “gen vũ trụ” của Scott. Kết quả là hệ thống miễn dịch, thị lực và một số yếu tố khác đã thay đổi.
Ở đây phải nhấn mạnh rằng gen (DNA) không hề thay đổi mà chỉ là tính trạng mà chúng biểu hiện ra đã thay đổi. Nói một cách chi tiết hơn, gen nằm trong nhân tế bào, nó đóng vai trò như một cuốn sách chỉ dẫn. Một bộ gen hoàn chỉnh sẽ quy định hình thức và chức năng của mọi khía cạnh của cơ thể bạn, mỗi gen liên hệ với một tính trạng cụ thể. Sau đó các enzyme sẽ sao chép lại và được một bản sao của chuỗi DNA đó, hay còn gọi là RNA. RNA sẽ được dịch ra thành protein – những phân tử trực tiếp tham gia vào các hoạt động sống của cơ thể.
Khi Scott lên quỹ đạo, DNA của ông giữ nguyên không đổi, nhưng quá trình chúng được sao chép và dịch thành protein thì thay đổi, đó chính là phản ứng của cơ thể đối với môi trường không gian: trọng lực thấp, ít oxy, chế độ ăn khác biệt…
Những thay đổi này có thể có những ảnh hưởng lâu dài lên hệ miễn dịch, quá trình sửa chữa DNA, các mạng lưới hình thành xương, giảm oxy huyết (thiếu oxy trong mô), thừa CO2 trong máu. 7% có thể là không đáng kể, nhưng trên thực tế là nó chứa tới vài trăm gen.
Ngoài ra, có sự biến đổi xảy ra trên chuỗi nhiễm sắc thể có tên là telomere. Khi con người càng già đi, chuỗi này càng ngắn lại. Nhưng chuỗi telomere của Scott lại dài ra sau 1 năm ở ngoài vũ trụ.
Các nhà nghiên cứu NASA cho biết: “Mặc dù phát hiện này đã được đưa ra trình bày từ năm 2017, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra sự thay đổi bất ngờ này bằng các xét nghiệm đa hình và gen. Thêm vào đó, một phát hiện mới cho thấy phần lớn những telomere được rút ngắn trong vòng hai ngày sau khi Scott trở lại Trái đất”.
Cuộc nghiên cứu phi hành gia song sinh này nằm trong kế hoạch lâu dài của NASA hướng đến sao Hỏa. Kế hoạch này dự kiến kéo dài tới 3 năm ngoài không gian và câu hỏi đặt ra là liệu cơ thể con người có chịu đựng được thời gian lâu như vậy ngoài vũ trụ hay không?
Hồng Liên (t/h)