Satan có rất nhiều tên gọi và hình tượng khác nhau trong các nền văn hóa, không chỉ ở phương Tây mà còn ở cả phương Đông. Tuy nhiên dù là trong hình tượng nào thì ba nét đặc trưng của Satan vẫn có thể thấy rõ nhất, chính là: sự hung bạo tà ác, sự dối trá xảo quyệt, và sự kích động tranh đấu hoặc tạo phản, biểu hiện ra là thù hận Thần và muốn lôi kéo con người vào tội lỗi không lối thoát. Có thể khái quát Satan bằng ba chữ “giả – ác – đấu”.
I/ Thiên Thần sa ngã Lucifer
Khởi đầu, Satan chính là Lucifer, một Thiên Thần trên Thiên Đường.
Lucifer vốn là Thiên Thần hoàn mỹ nhất mà Thượng Đế đã tạo ra, là tổng lãnh của các Thiên Thần, tuy nhiên vì điều ấy mà y trở nên quá kiêu ngạo, và rồi sinh ra đố kỵ.
Trong Do Thái giáo có kể rằng, Lucifer vì đố kỵ với một người thường tên là Job (vì ông được Thượng Đế khen ngợi), nên đã không ngần ngại dùng lời lẽ gian trá thuyết phục Thượng Đế cho phép y “thử thách” Job, bằng cách hành hạ thể xác và cướp đi tất cả người thân cùng gia sản của ông. Thực chất là Lucifer không hề muốn thử thách Job, y thật sự muốn khiến ông vì đau khổ quằn quại mà oán hận Thượng Đế, song Thượng Đế đã lợi dụng những việc Lucifer làm để kiểm tra mức độ tín Thần của Job. Cuối cùng Job không bị những khảo nghiệm tà ác của Lucifer lay chuyển, y đã thất bại. Thượng Đế xuất hiện trước Job và ban phúc cho ông.
Qua câu chuyện trên có thể thấy được sự kiêu ngạo và tâm đố kỵ không muốn bất kỳ ai vượt lên trên mình của Lucifer.
Sau này, Thượng Đế nói với các Thiên Thần rằng vào giai đoạn tối hậu của thế giới, Đấng Cứu Thế Messiah sẽ đến cứu vớt nhân loại, Ngài yêu cầu Lucifer tới thời điểm đó phải phục tùng Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên bởi tâm đố kỵ quá to lớn của mình, Lucifer cảm thấy đây là một sỉ nhục, vì thế y đã cầm đầu cuộc tạo phản chống lại Thượng Đế, gây nên một trận chiến khủng khiếp trên Thiên Đường.
Bằng sự xảo quyệt của mình, Lucifer mê hoặc được 1/3 các Thiên Thần, khiến họ hoàn toàn đi theo y và phản bội lại Thượng Đế.
Kết quả của cuộc Thiện ác đáo đầu này, đương nhiên, nhóm tạo phản do Lucifer chỉ huy đã thất bại. Tổng lãnh Thiên Thần lúc bấy giờ là Michael đã được Thượng Đế ban cho quyền phép, cùng với các Thiên Thần chân chính khác, đánh bại hoàn toàn đội quân của Lucifer. Y và đồng đảng bị đuổi khỏi Thiên Đường, đày vào Địa Ngục, trở thành Chúa tể (ma vương) trong Địa Ngục, và cũng từ đây y mang cái tên Satan.
Đó là câu chuyện về Thiên Thần sa ngã Lucifer mà văn hóa phương Tây và Cơ Đốc giáo đã lưu truyền lại cho chúng ta.
Ở đây nếu nghĩ kĩ, sẽ có một nghi vấn: cả văn hóa phương Đông lẫn phương Tây đều quan niệm rằng Địa Ngục là nơi mà linh hồn tội lỗi phải chịu rất nhiều cực hình khốc liệt để hoàn trả những tội ác mà mình đã gây ra, nhưng dường như Satan lại có vẻ không phải như vậy. Mặc dù y không còn được hưởng phúc vĩnh hằng nơi Thiên Đường nữa, nhưng y đến Địa Ngục vẫn có thể được làm “chúa tể” chứ không phải là đến để chịu sự trừng phạt. Tại sao lại như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết có lẽ chúng ta nên tìm đến khái niệm luân hồi của người phương Đông, nhất là thuyết lục đạo luân hồi của Phật giáo. Theo đó thì con người ta sau khi chết sẽ căn cứ theo nhân quả đã tạo trong một đời ấy mà chuyển sinh, hoặc tiếp tục làm người, hoặc làm Tu La, ngạ quỷ, nếu có tội thì làm động vật để hoàn trả nợ nghiệp, nặng hơn nữa thì phải vào Địa Ngục, cũng có người nhiều công đức thì được làm Người Trời ở những tầng cao hơn nhân loại.
Người phương Đông cho rằng có khá nhiều tầng trời. Đạo gia giảng có chín tầng, Phật gia giảng có ba mươi ba tầng, cũng có thuyết nói là ba mươi sáu hoặc hai mươi tám tầng,… dù không có một sự thống nhất thật sự về số lượng, nhưng chúng ta có thể kết luận rằng số tầng trời là khá nhiều, không phải chỉ có một tầng. Người có công đức hoặc có tu hành, tùy theo công đức lớn nhỏ hay tu hành nông sâu mà có thể đến các tầng Trời khác nhau làm chúng sinh nơi đó và hưởng phúc báo, họ được gọi là Người Trời, so với người thế gian thì xinh đẹp hơn và có nhiều quyền năng hơn, thọ mệnh cũng cao hơn. Tầng trời càng cao thì thọ mệnh của Người Trời càng lâu dài và phúc phận của họ cũng càng lớn. Tuy nhiên, kể cả ở tầng Trời cao nhất thì cũng vẫn chưa thật sự thoát khỏi luân hồi, chẳng qua thời gian hưởng phúc của họ rất lâu dài mà thôi, chưa vượt ra khỏi “Tam giới”. Chỉ một khi vượt ra khỏi “Tam giới” mới thật sự không còn bị luân hồi, mới thật sự tính là đã “lên Thiên Đường”. Đây là điều mà Phật giáo giảng, cũng là quan niệm của người phương Đông.
Trong khi đó, chúng ta biết rằng đa số người phương Tây và Cơ Đốc giáo ngày nay không thừa nhận “luân hồi”, họ cho rằng chỉ có Thiên Đường và Địa Ngục, người kia sau khi chết rồi nếu không phải là vĩnh viễn hưởng phúc nơi Thiên Đường thì ắt mãi mãi chịu tội hình trong Địa Ngục, chỉ có hai khả năng như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế các quan niệm tín ngưỡng cổ xưa của phương Tây, nhất là trong văn hóa Hy Lạp cổ, cũng có giảng về luân hồi.
Nhà toán học Pythagoras và các môn đồ của ông là những người rất có niềm tin vào luân hồi, cho rằng linh hồn của con người là bất tử, sau khi xác thịt chết thì linh hồn sẽ không chết theo mà lại đi đầu thai dưới một hình dạng mới. Có lẽ vì nguyên nhân này mà trường phái Pythagoras chủ trương trường chay, họ không ăn động vật mà chỉ ăn thực vật và hoa quả, bởi vì cho rằng động vật cũng từng là người.
Có một truyền thuyết kể rằng Pythagoras sở dĩ có niềm tin vào luân hồi như vậy là vì ông thật sự nhớ các tiền kiếp của mình. Trong một kiếp sống xa xưa, Pythagoras là con trai của Thần Hermes (sứ giả của các vị Thần trong Thần thoại Hy Lạp) tên là Aethalides. Thần Hermes đã ban cho Aethalides một điều ước, ông có thể ước bất kể thứ gì ngoại trừ sự bất tử. Aethalides xin được giữ lại ký ức của mình sau khi chết, và Thần Hermes đã chấp nhận.
Một triết gia Hy Lạp rất nổi tiếng khác là Plato, cũng cho rằng số lượng linh hồn là hữu hạn, việc “chào đời” không phải là sáng tạo ra linh hồn mà chỉ là sự dịch chuyển linh hồn từ thân thể này sang thân thể khác.
Plato nói: “Khi linh hồn quay lại thế gian, thân thể họ lần này sẽ như thân thể lần trước, thiên bẩm và tập tính cũng giống nhau.”
Như vậy có vẻ như người phương Tây cổ đại cũng có niềm tin và hiểu biết nhất định về luân hồi, nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà sau này họ dần lãng quên đi.
Vì sao người viết lại đề cập đến vấn đề này? Cá nhân người viết cho rằng việc thừa nhận luân hồi và sự tồn tại của các tầng Trời khác nhau trong Tam giới là một cách để lý giải cho trường hợp của Satan. Người viết xin đưa ra nhận định của mình:
Thiên Đường, nơi mà Lucifer từng là tổng lãnh Thiên Thần, là một thế giới nằm bên ngoài Tam giới, có lẽ là rất cao so với Tam giới. Sau khi Lucifer phạm tội và trở thành Satan, cách nói “đánh Satan vào Địa Ngục” thật ra chính là đánh Satan vào Tam giới! Đối với một vị Thần bên ngoài Tam giới như Lucifer thì việc bị đánh vào Tam giới, mất đi hạnh phúc vĩnh hằng, từ nay phải chịu cái khổ luân hồi, cũng cùng một cảm giác đau khổ giống như người bình thường chúng ta bị rơi vào Địa Ngục vậy!
Khi rơi vào Tam giới, do Tam giới có lý tương sinh tương khắc, có Thiện thì có ác, có Thần thì có ma, Satan bằng một cách nào đó đã chiếm hữu lấy phần ác và trở thành ma vương trong Tam giới, hay ít nhất là ma vương tại tầng trời đầu tiên mà y đã rơi xuống, đối nghịch với chư Thiên và chư Thần chân chính tại tầng trời đó. Từ đây Satan nắm giữ và thao túng cái ác, trở thành Chúa tể của cái ác, làm nhân loại sa đọa và bại hoại.
Satan cũng liên tục chuyển sinh giữa các thế giới trong các tầng trời, hoặc là lại bị đánh hạ xuống những tầng trời thấp hơn, trong quá trình ấy y cũng vẫn duy hộ cho cái ác tại các tầng khác nhau, và đã trở thành ma vương hoặc ác thần được nhắc đến trong Thần thoại của các nền văn hóa. Cũng tức là rất có khả năng, nhiều ác thần, tà thần hoặc ma vương được các truyện Thần thoại đề cập đến, chính là chuyển sinh hoặc phân thân của Satan tại các thế giới thuộc các tầng trời khác nhau!
Theo quan điểm của người viết thì, chẳng hạn như Cronus – Saturn (Thần thoại Hy Lạp – La Mã), Iblis (Thần thoại Ả Rập), Loki và ba đứa con (Thần thoại Bắc Âu), Apep (Thần thoại Ai Cập), Cộng Công (Thần thoại Trung Quốc),… đều là các “vai” mà Satan đã “diễn”.
Ngoài ra Satan không phải chỉ xuất hiện trong một hình tượng nhất định, mỗi nền văn hóa khác nhau Satan lại có một hình tượng khác nhau, một số rất xấu xí ghê tởm, hoặc mang hình dáng động vật như là rắn, bò, dê…
(còn tiếp)
Thế Di