Vụ nổ bom tại Brussels lần này đã lấy đi tính mạng của ít nhất 30 người và khiến hàng trăm người bị thương. Sân bay và phần lớn thành phố phải đóng cửa. Cảnh sát triển khai phong tỏa khu vực, và người ta bắt đầu đau đớn đặt câu hỏi, tại sao và làm thế nào mà Nhà nước Hồi giáo triển khai được cuộc tấn công? Phải chăng là một màn trả đũa?
Thời gian sẽ trả lời, nhưng rồi cuối cùng tất cả đều sẽ xoay quanh sự thật rằng: Brussels, châu Âu và thế giới phải gồng mình trước một cuộc chiến trường kì chống khủng bố.
Như vậy có nghĩa là nỗ lực chống khủng bố cần được tăng cường, và sự hợp tác giữa các quốc gia bị đe dọa càng phải được thắt chặt hơn nữa. Điều này cũng có nghĩa người ta cần can đảm và kiên định để đối mặt với mối nguy vốn không thể ngày một ngày hai là có thể dứt điểm được. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng đó không phải là gieo rắc nỗi hoang mang theo kiểu phát ngôn của các chính trị gia như Donald Trump.
Cấp thiết nhất hiện giờ, hoạt động an ninh tại Bỉ cần phải được nâng tầm. Brussels được biết đến là thủ phủ của châu Âu, nhưng cũng mau chóng biến thành kinh đô của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực. So với các nước khác thuộc châu lục này, Bỉ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho chiến binh tại Syria, vài trong số những tay khủng bố vụ Paris hồi tháng 11 đến từ vùng phụ cận của Brussels là Molenbeek. Đó cũng là nơi mà mới đây cảnh sát đã bắt giữ Salah Abdeslam, công dân Pháp gốc Ma-rốc, sinh ra tại Bỉ, người được cho là thủ phạm sống sót duy nhất trong các vụ khủng bố này.
Tuy nhiên, Bỉ cũng lại có tiếng trong việc sở hữu hệ thống chống khủng bố yếu kém. Đồng thời, mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc giữa nhóm người nói tiếng Pháp và cộng đồng người Flemish (nói tiếng Hà Lan) đã làm suy yếu các hệ thống liên bang như cảnh sát, tòa án và tình báo.
Chính quyền mau chóng phong tỏa sân bay và phần lớn thành phố sau vụ tấn công, nhưng đất nước này phải nghiêm túc xem xét việc củng cố hoạt động an ninh với sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia châu Âu.
Là quốc gia giáp ranh nhiều nước khác tại châu Âu, hệ thống an ninh của Bỉ không thể đặt trong tình trạng yếu kém và phối hợp lỏng lẽo như hiện nay. Ngay cả công tác tuần tra cũng không tài nào tránh được những tay đánh bom liều chết.
Mặt khác, điều bị thúc ép sau các cuộc tấn công đẫm máu lại chính là quyền tự do công dân. Tại Mỹ, đạo luật Patriot được ban hành vội vã sau vụ tấn công 11/9 đã tạo điều kiện cho việc lạm dụng quyền giám sát công dân được chính phủ hậu thuẫn.
Chính phủ Pháp gây tranh cãi khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vài giờ sau vụ tấn công Paris tháng 11, rồi kéo dài đến tháng 5.
Theo sau vụ tấn công Brussels, ngài Trump đã nhanh chóng tái thiết lời kêu gọi ngăn chặn dòng nhập cư Hồi giáo và khôi phục các hình thức tra tấn. Trong khi đó, thượng nghị sĩ Ted Cruz mong muốn triển khai cảnh sát tuần tra tại các khu vực Hồi giáo ở Mỹ.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp không thể khác hơn, vốn đang làm suy yếu xã hội phương Tây bởi sự hoang mang và sợ hãi được lan truyền, nó khiến các công dân nghi ngờ lẫn nhau, kích hoạt thái độ bài ngoại và kì thị mang tính cực đoan đối với các thanh niên Hồi giáo.
Những thay đổi trong phương pháp điều tra, giám sát, đảm bảo an ninh là cần thiết, nhưng phải được triển khai một cách thận trọng, và cần phải được thảo luận chặt chẽ cũng như dành sự quan tâm thích đáng đối với luật pháp và quyền dân sự.
Người Bỉ và láng giềng châu Âu cần hợp sức để có được những đáp trả kịp thời trước các hành động sát nhân, bảo trì nỗi bi thương cùng quyết tâm. Chính quyền phải nỗ lực hết sức mình để truy bắt tội phạm, chống lại các hành vi tương tự. Đồng thời, việc đáp trả khủng bố vẫn phải dựa trên nền tảng tái khẳng định các giá trị dân chủ, bác bỏ những luận điệu mị dân và bài ngoại từ những người chuyên gieo rắc nỗi hoang mang và tranh thủ những giọt nước mắt của công chúng.
Theo New York Times