Mỗi năm trôi qua lại cảm giác thời gian như nhanh hơn, tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cách để tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc của cuộc sống.
Chúng ta dễ có cảm giác như thể cuộc sống vô tình trôi qua, bỏ mình lại phía sau. Khi chúng ta còn thơ dại, thời gian bước từng bước thong thả với những kỳ nghỉ hè dường như kéo dài vô tận, những học kỳ vất vả mà chúng ta chỉ mong sớm kết thúc…
Thế rồi khi trưởng thành, thời gian ngày càng rảo bước nhanh hơn, có khi lao mình với tốc độ đáng sợ. Vừa mới tổ chức sinh nhật cho mình, rồi nháy mắt một cái là đến Giáng sinh, rồi Tết Nguyên Đán, mỗi năm lại qua nhanh hơn.
Nhưng suy cho cùng đâu có ai bắt chúng ta phải cảm nhận cuộc sống theo cách quá vội vàng tất bật như thế! Chúng ta có nhiều cách để nếm trải thời gian, giống như trong điện ảnh vậy, lướt nhanh một số cảnh, nhưng cũng có thể cho chậm lại một chút ở những cảnh khác. Và bạn có để ý rằng dưới ảnh hưởng của các thuốc gây ảo giác, khi chúng ta bị chấn thương, hay quá phấn khích, thì dường như thời gian trôi chậm đến phi thường.
Vì vậy, hiểu được các quá trình tâm lý khi trải nghiệm thời gian, chúng ta có thể làm cuộc sống chậm lại một chút.
Giảng viên tâm lý học người Anh Steve Taylor đã tổng kết trong cuốn sách Making Time (tạm dịch: Tạo ra thời gian), rằng hầu như ai ai cũng tuân theo một số “quy luật” về thời gian tâm lý. Thời gian dường như nhanh hơn khi chúng ta có tuổi. Còn khi chúng ta tiếp xúc với môi trường hoặc trải nghiệm mới lại thấy thời gian chậm hơn.
Vậy có thể nhận ra rằng việc chúng ta cảm nhận về thời gian như thế nào có liên quan đến lượng thông tin mà não bộ xử lý (nhận thức, cảm giác và suy nghĩ…). Não bộ tiếp nhận càng nhiều thông tin thì chúng ta càng có cảm giác thời gian trôi qua chậm chạp.
Đối với trẻ em, thế giới là một nơi hấp dẫn, đầy những trải nghiệm và cảm giác mới mẻ, thế nên tuổi thơ dường như kéo dài vô tận. Còn khi già đi, chúng ta ít trải nghiệm điều mới mẻ và đã quen thuộc với thế giới xung quanh, vì thế mà thấy thời gian qua nhanh.
Khi chúng ta cho phép bản thân ít mẫn cảm với những trải nghiệm, thì có ít thông tin để xử lý hơn, tạo điều kiện cho thời gian tăng tốc.
Chúng ta cảm thấy thời gian trôi lâu hơn ở nơi xa lạ bởi vì lúc đó não bộ xử lý nhiều thông tin hơn bình thường. Khi ra nước ngoài, đột nhiên chúng ta nhạy cảm với môi trường xung quanh hơn nhiều. Người và vật, kể cả không khí đều lạ lẫm, mới mẻ, buộc chúng ta chú ý và học hỏi thêm.
Điều tương tự cũng diễn ra khi chúng ta tham gia một khóa đào tạo, học những kỹ năng mới, tiếp xúc với những người xa lạ… Chúng ta sẽ có cảm giác như mình có nhiều thời gian hơn so lúc làm các việc theo thói quen.
Đúc kết từ các quy luật này, Steve Taylor gửi đến độc giả 2 lời khuyên để giữ chân thời gian:
Đầu tiên, trải nghiệm những điều mới mẻ: du lịch đến những vùng đất lạ, thử thách bản thân với các nhiệm vụ mới, tiếp xúc với người lạ, thu nhận những thông tin mới, hình thành các sở thích và kỹ năng chưa từng có trước đây… Tất cả những việc này đều thú vị, và hơn hết, chúng tăng lượng thông tin mà não bộ phải xử lý, khiến chúng ta cảm thấy thời gian kéo dài ra.
Thứ hai, ràng buộc thời gian bằng cách đặt tâm vào các khoảnh khắc cụ thể. Dành toàn bộ sự chú ý để nghe, nhìn, cảm nhận, nếm, ngửi thay vì suy nghĩ. Cách này có lẽ hiệu quả và giản dị hơn vì ai cũng có thể chậm lại để cảm nhận cuộc sống!
Cảm nhận từng khoảnh khắc
Thời gian sẽ ở lại với chúng ta lâu hơn nếu chúng ta có thể cảm thụ và trải nghiệm nhiều hơn thay vì dùng tư duy. Khi thay đổi thái độ của bản thân, chúng ta sẽ cảm nhận được những điều mới mẻ từ những sự vật bình dị xung quanh chứ không cần những trải nghiệm mới.
Buổi sáng thức dậy, bước vào bồn tắm, thay vì mãi suy nghĩ về kế hoạch làm việc cả ngày, sao bạn không chú tâm vào phút giây hiện tại, cảm nhận chân thực về những dòng nước bắn lên người, chảy xuống cơ thể và cảm giác ấm áp, thanh lọc.
Hoặc lúc đi làm về, ngồi trên xe buýt, tàu điện, thay vì miên man suy nghĩ các vấn đề ở công ty, hãy chú ý đến quang cảnh xung quanh. Nào là bầu trời trong xanh, vẻ đẹp của những tòa nhà, cây cối bên đường và cái cảm giác cả chuyến xe đang di chuyển bỏ những hình ảnh ấy lại phía sau.
Khi cắt cỏ, đừng nên nghe nhạc hoặc để tâm hồn bay bổng, mà hãy chú tâm đến cây cỏ, không gian xung quanh, tiếng máy cắt cỏ ồn ào… Làm vậy sẽ khiến công việc mà bạn tưởng là nhàm chán trở nên thú vị hơn. Rồi bạn sẽ phát giác ra rằng với thái độ cởi mở và cảm nhận tinh tế, thời gian sẽ trôi chậm lại.
Từ quan điểm này, thiết nghĩ chúng ta không nên xem thời gian như kẻ thù. Ở một mức độ nhất định, chúng ta có thể hiểu và kiểm soát cách chúng ta cảm nhận về thời gian.
Nhiều người cố sống càng lâu càng tốt. Họ kiêng khem, tập thể dục thể thao, điều này là hợp lý. Song vẫn có một cách khác để kéo dài quãng đời của mình – đó là tận hưởng từng phút giây trong cuộc sống.
Bảo San (Theo The Epoch Times)