Ngày 27/2 là ngày tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam bởi tấm lòng hết mình vì bệnh nhân của các y bác sĩ. Cũng bởi vì “y đức ngành y” được xem trọng, nên câu chuyện của anh tài xế bệnh viện càng khiến chúng ta thấu hiểu hơn điều này.
Nhờ thiết bị đo huyết áp cải tiến tự chế của tài xế Nguyễn Lê Long Định, nhân viên bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ có thể đo cho hàng trăm bệnh nhân mỗi ngày một cách nhẹ nhàng.
Hơn 9h sáng, khu khám bệnh Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ đông nghịt người. Mọi ánh mắt đổ dồn về góc sảnh phía trong, nơi đặt bàn đo huyết áp – công đoạn mà nhiều người phải trải qua trước khi được hướng dẫn đến từng buồng khám.
Rất nhanh và nhiệt tình, người nữ điều dưỡng lần lượt tiếp nhận từng bệnh nhân, quấn túi hơi vào bắp tay, áp ống nghe lên động mạch ở khuỷu tay, rồi chăm chú ghi nhận các thông số về huyết áp…
“Trước đây bệnh viện sử dụng thiết bị đo huyết áp thủ công, muốn làm phồng túi hơi chúng tôi phải dùng tay bóp bóng cao su liên tục, giờ chuyển qua thiết bị đo huyết áp cải tiến, chỉ cần một cú kích chân nhẹ nhàng lên cóc điện là xong.
Nhờ vậy, thao tác nhanh hơn, mỗi ngày có đo huyết áp cho hàng trăm bệnh nhân cũng thấy nhẹ nhàng, và quan trọng hơn là bệnh nhân thấy thoải mái, không phải mất thời gian chờ đợi lâu” – điều dưỡng Nguyễn Thụy Thanh Tâm, người có hơn 15 năm trong nghề, đưa ra nhận xét về thiết bị đo huyết áp cải tiến – công trình vừa được trao giải nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2015.
Càng bất ngờ hơn khi biết tác giả của công trình này là anh Nguyễn Lê Long Định (46 tuổi), lái xe của Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ.
Sáng chế vì bệnh nhân
“Cứ tới bệnh viện, thấy ai hay lăng xăng nhất thì chính là anh ấy” – một vị lãnh đạo Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ nói đùa khi chúng tôi ngỏ ý muốn gặp anh Nguyễn Lê Long Định.
Chừng gặp mặt, anh Định bảo: “Khi rảnh rỗi mình thường rảo khắp bệnh viện, thấy chỗ nào bệnh nhân đông là “xông” vô coi có gì giúp được họ.
Khi thì phụ một tay đẩy giúp người bệnh ngồi xe lăn lên dốc, chỉ cho họ quầy nhận bệnh, quầy mua sổ khám bệnh, quầy thanh toán bảo hiểm y tế, hay thậm chí chỗ đi vệ sinh…”, chúng tôi mới hiểu ra cái sự “lăng xăng” đáng yêu của người lái xe này.
Cũng từ những lần “lăng xăng” đó, chứng kiến cảnh điều dưỡng sử dụng máy đo huyết áp thủ công, liên tục bóp bóng cao su đến mỏi nhừ cả tay, trong khi bệnh nhân phải chờ đợi lâu, anh Định tự hỏi “có cách nào giúp giải phóng đôi tay cho các điều dưỡng?”.
Rồi anh tự mày mò tìm hiểu nguyên tắc hoạt động của thiết bị đo huyết áp thủ công, tìm cách thay thế bóng cao su bằng bộ phận tạo khí sử dụng động cơ. Sau nhiều tháng tìm tòi, lùng sục ở các chợ đồ máy, anh Định đã chọn được thiết bị nén khí phù hợp.
Nhưng việc tìm động cơ để thiết bị hoạt động sao cho thỏa các yêu cầu nghiêm ngặt của môi trường bệnh viện như: Tuyệt đối không gây tiếng ồn, không gây ô nhiễm môi trường… xem ra còn khó hơn.
Bất chợt trong một lần ngồi nhìn vợ (hiện là giáo viên một trường THCS ở Cần Thơ) may vá quần áo, thấy vợ sử dụng cóc đạp điện thay cho bàn đạp chân truyền thống, anh Định bỗng phát hiện cái mình đang kiếm tìm lâu nay.
Ngay trong đêm, anh đã tháo bung chiếc bàn đạp điện của máy may, rồi những ngày sau đó anh Định hí hoáy cưa, cắt, hàn tiện các bộ phận kết nối cóc đạp điện với bộ phận nén khí. Thiết bị đo huyết áp cải tiến có cóc đạp điện và bộ phận nén khí thay cho bóp bóng hơi bằng tay ra đời.
Sau hơn nửa năm mày mò lắp ráp, rồi tự thực nghiệm trên bản thân mình, sáng kiến của anh Định được đưa ra thử nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa (tên cũ của Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ).
Kết quả trên 78 bệnh nhân đo thử huyết áp bằng bóp tay và thử lại 2 lần bằng máy đo cải tiến, cho thấy mức độ chênh lệch về huyết áp tối đa và tối thiểu như nhau, với độ chính xác không thay đổi. Vậy là từ đó, sáng kiến của anh được lãnh đạo bệnh viện cho áp dụng.
Theo anh Định, hiện tại chi phí lắp đặt mỗi máy chỉ khoảng 3 triệu đồng.
“Với mong muốn tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc khám chữa bệnh, nhất là khi phải khám với số lượng lớn, khám tập thể, khám từ thiện… không để bệnh nhân chờ đợi lâu, tôi sẵn sàng hỗ trợ lắp đặt không công” – tác giả thiết bị đo huyết áp cải tiến cho biết.
“Cuộc chơi” mới của anh tài xế
Không dừng lại ở sáng kiến này, trong năm 2015, anh Định còn thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mang tên “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm”, hiện đang được ứng dụng tại Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ.
Xuất phát từ ý tưởng nhanh chóng đưa mẫu xét nghiệm (XN) của bệnh nhân đến phòng XN, làm giảm thời gian chờ của bệnh nhân và khỏi tốn công nhân viên đem mẫu từ khu vực phòng khám (trên lầu) xuống phòng XN, anh Định đã nảy ra ý tưởng làm băng chuyền vận chuyển.
Khi có mẫu XN, nhân viên chỉ cần bỏ vào hộp đựng và đưa vào ống băng chuyền rồi nhấn môtơ kéo.
Nguyên lý vận hành của đường chuyền vận chuyển mẫu XN dựa vào môtơ kéo, thông qua cóc đạp điện kéo các hộp mẫu chạy trong lòng ống nhựa để đưa các mẫu máu xuống phòng XN.
Chỉ với những loại vật dụng rẻ tiền, có loại mua về cải tiến lại như môtơ điện, bộ cuốn dây gân, cóc đạp điều khiển, ống dẫn loại nhựa Bình Minh, hộp nhựa đựng mẫu và xốp cố định mẫu, dây điện… anh Định đã sáng chế ra cách thức vận chuyển mẫu vừa đỡ mất công sức nhân viên, vừa nhanh chóng đưa mẫu đến phòng XN để người bệnh khỏi chờ lâu.
“Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hơn nữa giải pháp sáng tạo này, để công trình có thể đưa ra ứng dụng rộng rãi, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân” – anh Định nói.
Ngoài 2 sáng chế trên, anh Định còn là tác giả của công trình cải tiến “làm lợi cho các bà nội trợ”.
Đó là hệ thống hút hơi nóng thường dùng trong nhà bếp. Nếu mua ở ngoài cũng tốn vài triệu cho cái quạt hút hơi và mùi này, nhưng anh Định cải tiến và tự lắp đặt chỉ tốn khoảng 500.000 đồng/cái.
“Công trình” này tuy không gửi dự thi nhưng đang được sử dụng ở nhà anh và các chị đồng nghiệp cùng cơ quan, cả ở phòng chụp rửa phim X-quang Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ…
Hỏi mãi, chúng tôi mới được anh tài xế Nguyễn Lê Long Định chịu “bật mí” nguồn gốc đam mê sáng chế của mình:
“Trước khi làm nghề lái xe, tôi từng là học viên năm cuối của một trường dạy nghề ở Cần Thơ, nhưng do nhà nghèo, không có tiền đóng học phí nên bị cấm thi tốt nghiệp, sau đó tôi mới theo nghề lái xe. Không có duyên với nghề thì nay đem những đam mê của mình ra giúp ích cho cuộc sống”.
Luôn tìm cách giúp đỡ bệnh nhân
Tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2015, thiết bị đo huyết áp cải tiến của anh Định đã xuất sắc giành giải nhất, với đánh giá:
“Máy đo huyết áp cải tiến không sử dụng điện, dễ lắp đặt, nhỏ gọn. Cóc đạp điện thay cho bo bóp tay dùng trong đo huyết áp giúp rút ngắn thời gian đo huyết áp, rút ngắn thời gian bệnh nhân chờ đợi, đo được với số lượng nhiều ca trong ngày, có độ chính xác cao, giảm một phần sức lao động của người đo huyết áp”.
Người vui nhất với sáng kiến này là bác sĩ Trần Quốc Luận – giám đốc Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ.
Bác sĩ Luận cho biết: “Sáng kiến cóc đạp điện dùng trong đo huyết áp của anh Định với ưu điểm là độ chính xác tương đồng với cách đo thủ công, giá thành thấp, hiệu suất cao… đã được đưa vào ứng dụng hiệu quả tại bệnh viện trong thời gian qua, hoàn toàn có thể nhân rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện.
Hiện nay, ngoài đơn vị chúng tôi còn có Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng, Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền, Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn và một số cơ sở y tế khám chữa bệnh tư nhân ở TP Cần Thơ áp dụng…”.
Cũng theo bác sĩ Luận, dù 15 năm gắn bó với nghề tài xế nhưng anh Định luôn tìm mọi cách giúp đỡ bệnh nhân. Các sáng chế của anh góp phần làm lợi cho bệnh viện và phục vụ bệnh nhân rất tốt.
Hiện công đoàn ngành y tế đang đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng khen lao động sáng tạo cho anh Định.
Theo Tuổi trẻ