Bắt đầu từ tháng 9/2016, chỉ số giá thành sản xuất PPI Trung Quốc đã đảo chiều tăng mạnh sau bốn năm giảm liên tiếp. Trung Quốc đang dần mất đi lợi thế cạnh tranh về giá, thay vào đó là công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, kèm theo quá trình thanh lọc khốc liệt trên thị trường.
Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có chịu ảnh hưởng khi phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu Trung Quốc một thời gian dài?
Sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào các nhà cung ứng Trung Quốc
Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 45 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm tới gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Con số thực tế, nếu tính cả nhập qua đường tiểu ngạch, còn lớn hơn nhiều. Các mặt hàng chính nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm nguyên nhiên liệu, vật tư sản xuất (công nghiệp, nông nghiệp), vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất, máy móc thiết bị, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng.
Nếu Trung Quốc xóa bỏ các khoản trợ giá cho các hợp đồng xuất khẩu, giá hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng lên. Tuy nhiên, do mức độ phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) so với VND thời gian vừa qua luôn nhiều hơn nên phần tăng giá của nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều bởi tỷ giá.
Vòng xoáy tăng giá sẽ chạy từ hiện tượng tăng giá của các nguyên liệu cơ bản lan sang giá các vật tư phục vụ sản xuất, rồi đến giá các sản phẩm tiêu dùng, và sau cùng là các ngành nghề dịch vụ phụ trợ. Tình hình lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu, khan hiếm, tồn kho cục bộ có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Có thể xảy ra đổ vỡ cấu trúc thị trường, tình trạng ngưng trệ tại các công đoạn sản xuất khác nhau. Và cuối cùng là một cuộc tái cấu trúc căn bản diễn ra song song với sự điều chỉnh các định chế và làm mới công nghệ.
Chỗ đứng rất hẹp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập thời kỳ khủng hoảng
Trong cơn lốc giá cả, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Các doanh nghiệp này vốn ít, lại chưa có chỗ đứng trên thị trường, chủ yếu sống nhờ vào các công đoạn gia công thuê. Khi thị trường phát triển, mô hình này còn có thể tồn tại.
Nhưng khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường lại thu hẹp, vốn ít, các doanh nghiệp này duy trì được rất khó khăn.
Đặc thù Việt Nam cho thấy, đa phần các doanh nghiệp khối tư nhân có quy mô vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này thường sở hữu các dây chuyền nhập khẩu ở nước ngoài, phần nhiều là Trung Quốc, và cũng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.
Khi giá nguyên vật liệu tăng, các doanh nghiệp này bắt buộc phải tăng giá bán và giảm lợi nhuận. Họ rất khó khăn khi bị kẹt giữa áp lực của nhà cung cấp và người tiêu dùng.
Khối doanh nghiệp thương mại sẽ linh hoạt hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Họ có thể chuyển nhà cung cấp Trung Quốc sang Thái Lan hoặc một số nước khác. Các doanh nghiệp Việt không chịu ảnh hưởng nguồn cung cấp nguyên liệu Trung Quốc cũng sẽ có rất nhiều cơ hội.
Khối doanh nghiệp FDI cũng được hưởng lợi do tận dụng được mạng lưới cung cấp nguyên liệu toàn cầu.
Trong giai đoạn đoạn này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm trụ bám vững chắc, đồng thời cũng không ngừng tìm kiếm các phương án thay thế nguồn cung phù hợp. Nhà nước cũng cần tích cực tìm kiếm các giải pháp phù hợp để bảo vệ, hỗ trợ nền sản xuất trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới.
Theo trithucvn.net