Tinh Hoa

Sản phụ ung thư vú giai đoạn cuối: “Em chỉ cần được nhìn con 1 lần…”

“Em chỉ cần được nhìn con 1 lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mong con một đời bình an”, chị Liên xúc động nhắn nhủ trước giờ lên bàn mổ.

Nhìn vợ đau đớn trong phòng mổ, anh Hùng không kìm được nước mắt. (Ảnh qua NLD)

Trong ca mổ, ekip đã nghĩ đến tình huống xấu nhất khi có thể mất cả mẹ lẫn con. Nhưng cuối cùng phép màu đã đến, bé Bình An chào đời, cất tiếng khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ của chị Liên và cả ekip. Thấy tiếng con, chị chỉ kịp hỏi “em bé nặng mấy cân?”, rồi lại lịm đi.

Người mẹ vĩ đại ấy chính là chị Nguyễn Thị Liên, 28 tuổi là người phụ nữ vô cùng kiên cường khi quyết định giữ lại thai, chờ ngày con chào đời ngay cả khi bác sĩ cảnh báo việc mang thai khi mắc ung thư vú giai đoạn cuối sẽ nguy hiểm tính mạng cả mẹ lẫn con.

“Em chỉ cần được nhìn con 1 lần…”

Hai tháng trước, gia đình anh Đỗ Văn Hùng và vợ là chị Nguyễn Thị Liên ở Lý Nhân, Hà Nam đột ngột đón một tin xấu. Khi thai được 8 tuần, chị Liên thấy xuất hiện u cục ở vú nhưng chỉ nghĩ đó là dấu hiệu của viêm tuyến sữa thông thường trong thời kỳ mang thai nên chủ quan không thăm khám.

Khi xuất hiện tình trạng ho nhiều, ho cả ngày, cơ thể mệt mỏi, tức vùng ngực nhiều hơn, hạch xuất hiện ở vai, 2 chân phù, đau nhức, chị Liên mới đến Bệnh viện K để khám. Kết quả bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 4 đã di căn. Thời điểm đó, thai nhi mới ở tháng thứ 4 của thai kỳ.

Chị Liên phải ngồi suốt 24/24h do khó thở. (Ảnh qua Vietnamnet)

Khi ấy các bác sĩ có hỏi thăm chị và gia đình có muốn giữ bé hay không? Giữ bé thì có nguy cơ đối với cả mẹ và con, vì chị Liên rất cần tận dụng từng ngày để chữa bệnh, chữa sớm ngày nào thì quý ngày đó. Chưa kể giai đoạn mang thai miễn dịch suy giảm, bệnh có thể tiến triển nhanh hơn.

Chồng chị Liên, anh Hùng kể lại “Hôm đó là ngày 20/3. Khi bác sĩ thông báo ung thư vú giai đoạn 4, cả vợ chồng tôi đầu óc trống rỗng, quay cuồng, mọi thứ như sụp xuống khi nghĩ đến cô con gái nhỏ ở nhà và cái thai trong bụng. Bác sĩ nói nếu giữ lại sẽ nguy hiểm cả mẹ và con.

Vợ chồng tôi hỏi ý kiến gia đình, ai cũng khuyên bỏ thai nhưng sau hồi cân nhắc, vợ chồng tôi quyết giữ thai chờ ngày con chào đời. Cô ấy rất khao khát có con và mong được gặp con từng ngày”.

Từ đây, chị Liên bắt đầu hành trình giữ con đầy gian nan. Chị nhập viện điều trị 2 đợt hoá chất khi thai được 22 tuần. Sau truyền, tóc chị rụng từng mảng nên phải cạo trọc.

Chị Liên trong phòng mổ. (Ảnh qua Vietnamnet)

2 tháng trở lại đây, tình trạng khó thở và ho của chị ngày 1 nặng nên không thể nằm, phải ngồi suốt 24/24h. Để vợ đỡ mỏi, anh Hùng mua tạm chiếc bàn học sinh để phía trước, để khi nào mệt quá chị gục xuống ngủ tạm nhưng cả ngày, chưa khi nào chị ngủ được 2 tiếng vì đau đớn xâm chiếm toàn thân.

Đặc biệt 2 tuần trở lại đây, chị Liên ăn gì nôn đấy sau mỗi lần ho, nên trên chiếc bàn gấp có thêm chậu nhựa nhỏ. Chị Liên vừa ngồi vừa ôm chậu. Đau đớn là thế nhưng chị chưa bao giờ kêu than.

“Nhìn vợ gắng sức ôm ngực ho kéo dài cả 10 phút, tôi đau thắt ruột gan. Những lúc ấy chỉ nghĩ giá như mình có thể mang giùm cô ấy một phần đau đớn….

Cô ấy còn dặn tôi nếu cô ấy có mệnh hệ gì thì cố gắng chăm con. Yêu thương các con và nuôi chúng nên người”, giọng anh Hùng lạc đi vì không kìm được nước mắt.

Dường như hiểu được mẹ gặp khó, em bé trong bụng vẫn lớn lên từng ngày. Vợ chồng anh Hùng hy vọng bé sẽ an toàn chào đời để mẹ bé được điều trị. Hai tháng qua, các bác sĩ Bệnh viện K đã nỗ lực từng ngày, mong sao giữ cháu bé thêm trong bụng mẹ và chị Liên vẫn tận dụng được thời gian để chữa bệnh.

Nhưng đến chiều 21/5, chị Liên bắt đầu gặp những biến chứng xấu, khó thở nặng, nguy cơ với cả mẹ và con. Các bác sĩ đã quyết định hồi sức cho chị để phẫu thuật đón bé vào ngày 22/5, khi thai kỳ ở tuần thai 31.

Hành trình sinh mổ đầy gian nan

Hành trình sinh mổ đầy gian nan. (Ảnh qua Ngoisao)

Bên hành lang gần phòng mổ, mắt anh Hùng đỏ hoe. Chốc chốc, giọt nước mắt lại chực ứa ra trên đôi mắt người đàn ông lam lũ. Anh Hùng hồi hộp lo lắng vì cùng lúc gia đình anh có hai người phải nằm trong phòng mổ kia, không biết sống chết ra sao, anh chỉ mong sao có thể thấy họ được bình an, được đón 2 mẹ con trở về nhà, mong sao những ngày buồn sẽ qua đi…

Trong phòng, với sự hỗ trợ của gần 20 bác sĩ đầu ngành đến từ BV Phụ sản T.Ư và BV K T.Ư. Đây có thể nói là một ca phẫu thuật vô cùng căng thẳng và khó khăn với các bác sĩ. Chị Liên phải ở trên bàn mổ trong tư thế ngồi nghiêng, tựa mái đầu đã được cắt trọc lên vai bác sĩ. Đây là tư thế rất khó để thực hiện sinh mổ, vì thế các bác sĩ cũng phải lựa theo sản phụ. Khi mổ, bác sĩ cũng không thể gây mê vì bệnh nhân có thể không tỉnh lại được.

Chị L. đang được các bác sĩ gây mê trước khi bước vào ca mổ đẻ. (Ảnh: TTO)
Khó khăn nhất với ca mổ cho chị L. là nguy cơ đờ tử cung và chảy máu khi mổ, khi đó có thể phải cắt cả tử cung để cứu mẹ. (Ảnh: TTO)

Khi bác sĩ rạch lớp da bụng đầu tiên, chị Liên dường như không cảm nhận được đau đớn. Mắt chị rũ xuống, thở thều thào. 16h10, bé trai chào đời và đã được mẹ chọn tên ngay trước đó là Đỗ Bình An. Tiếng khóc của con trai khiến người mẹ bừng tỉnh. Mắt chị sáng lên, giọng yếu ớt hỏi bác sĩ: “Con em nặng mấy cân?” rồi lịm đi mất.

Ngay sau khi chào đời, bé Đỗ Bình An được các bác sĩ và hộ sinh kiểm tra sức khoẻ. (Ảnh: TTO)

Khoảng 20 phút sau, trông thấy bác sĩ bế theo đứa trẻ ra khỏi phòng rồi vội vã bước lên xe để đưa về Bệnh viện Phụ sản Trung ương, anh Hùng bật khóc. Anh cố chạy theo để nhìn mặt đứa con sinh non ở tuần thai 31 rồi trở lại chờ tin vợ. Người đàn ông ấy vừa trải qua những giây phút muốn nghẹt thở khi không biết vợ có vượt qua được không.

Em bé nặng 1,5 kg, được các bác sĩ đưa đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương chăm sóc ngay sau khi ra đời. (Ảnh qua Ngoisao)

Mãi đến trưa, anh mới được gặp con. Ngắm nhìn con qua lồng kính, người bố trẻ không giấu nổi xúc động, rơm rớm nước mắt. Anh thương cậu con trai nhỏ vừa chào đời đã không được bố mẹ bồng bế, thậm chí chưa biết đến giọt sữa mẹ là gì.

“Lần đầu trông thấy con trai, đầu óc tôi trống rỗng. Tôi hoang mang không biết thế nào, con còn nhỏ quá. Tôi cứ thế khóc”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Đỗ Văn Hùng, chồng của chị Nguyễn Thị L., đã bật khóc sau khi con trai chào đời. Anh Hùng sẽ ở lại Bệnh viện K để chăm vợ, còn bé Bình An sẽ được bà và các bác trông nom. (Ảnh: TTO)

TS.BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, BV Phụ sản TƯ cho biết, bé sinh non tháng với cân nặng 1,5 kg nên bị phù nhẹ, đang phải thở máy. Dù được chăm sóc với chế độ vô cùng đặc biệt song BS Trác cho biết, hiện chưa thể đánh giá được gì, cần chờ thêm ít nhất 10-15 ngày nữa.

Anh Hùng cho biết, sau mổ lấy con, sức khoẻ vợ anh rất yếu, hiện đã được đưa trở lại phòng Hồi sức tích cực, BV K để chăm sóc đặc biệt, dù đã tỉnh nhưng cũng chưa thể nói chuyện.

2 vợ chồng anh kết hôn năm 2015, hiện đã có 1 bé gái đầu lòng 2,5 tuổi. Hàng ngày anh đi quét sơn thuê còn vợ anh tần tảo ở nhà cơm nước, chăm con, thỉnh thoảng chạy chợ bằng nghề buôn bán, khi mớ rau, khi con cá để kiếm thêm. Cuộc sống gia đình nhỏ tuy khó khăn nhưng ngập tràn hạnh phúc. Chỉ hy vọng sao hiện tại chị Liên có thể mạnh mẽ vượt qua bệnh tật, hy vọng gia đình anh lại có thể được đầm ấm như trước, cùng nhau chăm sóc 2 đứa con được trưởng thành nên người.

 

Chúc Di (t/h)