Tháng 10/2019, hãng điện tử khổng lồ Samsung của Hàn Quốc đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng tại Trung Quốc để tránh ảnh hưởng của thương chiến Mỹ – Trung. Tuy nhiên, với thành phố Huệ Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, đó là một cú sốc thật sự.
60% cơ sở kinh doanh đóng cửa
Nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh rộng 120 ngàn mét vuông của Samsung được ví như trái tim cung cấp máu sống cho cả Huệ Châu trong suốt 3 thập kỷ. Li Bing, chủ một nhà hàng gần nhà máy Samsung là một trong những người được hưởng lợi.
Nhà hàng của bà Li mỗi tháng có thể kiếm từ 60 ngàn hoặc 90 ngàn nhân dân tệ nhờ vào nguồn khách là các nhân viên và đối tác Samsung. “Giờ thì mỗi ngày giỏi lắm cũng chỉ kiếm được vài trăm nhân dân tệ, được 2 hoặc 3 bàn có khách”, bà Li thở dài chán nản. Đây là cảnh tượng quen thuộc của nhiều hàng quán khác quanh khu tổ hợp Jinxinda, nằm ở trung tâm tỉnh Quảng Đông, suốt hai tháng qua.
Nhiều nhân viên đã chia sẻ trên các phương tiện truyền thông rằng bị ép phải rời nhà máy. Samsung đã phát cho họ smartphone và smart watch mới nhất như một phần gói trợ cấp thất nghiệp.
Vì không có nhà máy mới nào mở thay thế Samsung, ít nhất 60% cơ sở kinh doanh quanh khu vực này đã phải đóng cửa và dự kiến sẽ có thêm nhiều nơi ngừng hoạt động trong vài tuần tới nếu tình hình không cải thiện.
Các nhà máy chỉ có thể hoạt động cầm chừng
“Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nhà máy tại Huệ Châu của họ đã xây dựng cả một hệ sinh thái các chuỗi cung ứng tại Quảng Đông và nhiều tỉnh gần đó trong 20 năm qua”, Liu Kaiming, viện trưởng Viện Quan sát Đương đại, chuyên giám sát điều kiện làm việc tại các nhà máy ở Trung Quốc, cho biết.
“Ít nhất 100 nhà máy tại Quảng Đông sẽ phải đóng cửa. Họ không thể hoạt động nếu không có nhà máy ở Huệ Châu của Samsung, chưa tính các cửa hàng và nhà hàng nhỏ quanh khu vực”.
Tác động của việc đóng cửa trải dài đến tận thị trấn Trường An tại thành phố Đông Quản, cách phía tây Huệ Châu khoảng 100 km, nơi hàng nghìn lao động nhập cư và ngay cả giám đốc điều hành của một nhà máy từng thuộc Janus Intelligent Group, công ty robot hàng đầu Trung Quốc, bị cắt giảm giờ làm.
Một số người được yêu cầu nghỉ phép ba tháng, trong khi một số người được giao một hoặc hai ngày làm việc một tuần với Samsung, khách hàng lớn nhất của công ty kể từ cuối những năm 2000.
Năm ngoái, Janus báo lỗ ròng 2,86 tỷ USD (405 triệu USD) do lượng đơn hàng từ Samsung giảm một nửa từ quý 4/2018. Hồi tháng 9, Janus bán phần lớn cổ phần tại nhà máy ở Đông Quan cho công ty Firstar Panel Technology.
Từ tháng trước, 2/3 công nhân của nhà máy này (hơn 3.000 người) được thông báo rằng họ không cần phải làm việc vì nhiều lý do, nhiều người được yêu cầu làm việc cách ngày.
“Vào thời kỳ cao điểm, nhà máy này thuê hơn 40 tòa nhà 6-7 tầng gần đây để làm ký túc xá cho nhân viên, nhưng giờ đây còn số này đã giảm xuống còn 20”, một nhân viên của Janus cho biết.
Vào ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, nhiều công nhân ngồi đờ đẫn gần nhà máy. “Chúng tôi mới đi làm được bốn tiếng sáng nay và sau đó được bảo là được nghỉ cả ngày và không cần phải làm việc. Các quản lý cho biết không có đủ nguyên liệu sản xuất”, một nữ công nhân từ tỉnh Tứ Xuyên cho biết.
Gã khổng lồ rời đi, “thành phố ma” ở lại
Trở lại Huệ Châu, chính quyền địa phương vẫn chưa xác nhận kế hoạch tiếp theo cho cơ sở sản xuất bỏ trống mà Samsung để lại, còn người dân thì mong ngóng sẽ sớm có một công ty thay thế.
“Nói nghe hơi quá nhưng mỗi cửa hàng ở đây, từ nhà thuốc đến siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê internet, nhà cho thuê, khách sạn và thậm chí cửa hàng dành cho người lớn đều sống nhờ vào nhà máy Samsung và các công nhân của nó”, ông Li Hua – chủ một cửa hàng tiện lợi gần nhà máy, nhận xét.
Nhiều người ở Huệ Châu, kể cả giới lãnh đạo, đang nhớ lại thời hoàng kim khi có Samsung. Một số chuyên gia nhìn nhận bài học từ Huệ Châu cho thấy sự phát triển phụ thuộc vào 1 tập đoàn duy nhất thường không bền vững, đôi khi phải trả giá đắt.
“Tại khu tổ hợp Jinxinda, có khoảng 100 tòa nhà chung cư, từ 6-7 tầng, rộng khoảng 1.000 m2; chủ yếu được thuê bởi công nhân của Samsung”, Huang Fumin, quản lý bán hàng tại hãng môi giới bất động sản Huizhou Star, cho biết. “Ngay sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, giá nhà đã giảm từ 4,8 triệu Nhân dân tệ (680.000 USD) xuống 3,8 triệu Nhân dân tệ (540.000 USD) nhưng không có người nào quan tâm cả”.
“Trước đây, các chung cư này đều chật kín công nhân từ Samsung và nhà máy của các nhà cung cấp cho Samsung quanh đó. Bất kể đêm muộn, công nhân luôn ra vào tấp nập, ăn uống tại các nhà hàng, chơi game tại các quán internet. Nhưng hiện nơi này giống như một thị trấn ma vào ban đêm bởi hầu hết căn nhà không có người ở”.
“Giờ đây chúng tôi chỉ mong chính quyền sớm đa vào thay thế bằng một nhà máy có 2.000 – 3.000 nhân viên. Chỉ có vậy chúng tôi mới sống được”, bà chủ nhà hàng Li Bing cho biết.
Nhà máy tại Huệ Châu của Samsung ra đời vào tháng 8/1992, sản xuất những sản phẩm tiêu dùng đời mới và nổi tiếng nhất của Samsung, từ radio những năm 1990, máy chơi nhạc đầu những năm 2000 cho tới smartphone từ năm 2007.
Vào thời hoàng kim năm 2011, khi Samsung đạt doanh số smartphone lớn nhất thế giới, hai nhà máy tại Huệ Châu và Thiên Tân của hãng này sản xuất lần lượt 70,14 và 55,64 triệu chiếc. Năm 2017, nhà máy tại Huệ Châu của Samsung sản xuất 62,57 triệu điện thoại, mang về cho thành phố này 105,2 tỷ Nhân dân tệ (15 tỷ USD), chiếm 31% tổng kim ngạch và đưa Huệ Châu vào top 10 địa phương xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc.
Gia Hưng (t/h)