Nước ngập cả yên xe, mà báo cáo của giới chức trách chỉ là… 35cm!
Vài ngày qua, mạng xã hội cũng như hầu hết các tờ báo trong nước đã đưa tin về đợt ngập lụt của TP.HCM trong hai ngày 6-7/8. Hình ảnh cho thấy, từ các con phố trung tâm đến những tuyến đường vùng ven, xe cộ chết máy hàng loạt, con người thậm chí cũng nghiêng ngả theo từng đợt sóng. Không chỉ ở ngoài phố, người ở trong nhà cũng khổ sở thấu trời khi nước bẩn ngoài đường không ngừng ‘công hãm’ vào nhà. Có thể nói, lần ngập lụt này còn khủng khiếp hơn cả trận lụt lịch sử năm 2016.
Liên quan đến lần ngập lụt này, báo Phụ nữ online đưa tin hôm 7/8, Phòng Hạ tầng thoát nước (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM) đã có báo cáo. Nhưng bản báo cáo này lại chỉ thể hiện tổng cộng 38 điểm ngập trên toàn thành phố với địa điểm ngập sâu nhất được ghi nhận là tuyến đường Quốc Hương, ngập 35cm; 6 điểm ngập đến 30cm; những điểm còn lại chỉ ngập từ 10 – 25cm. Dễ dàng hình dung được, mức nước 35cm sẽ chỉ có thể cao đến đầu gối của một người cao tầm 1m6. Rất khác so với hình ảnh được ghi lại ở nhiều nơi mà nước ngập đến yên xe máy, đến tận thắt lưng người.
Báo Phụ nữ online cho rằng: “Hình ảnh không nói dối, nghĩa là báo cáo điểm ngập chắc chắn có vấn đề. Nếu đó là số liệu sai, các kế hoạch, dự án chống ngập của thành phố này sẽ phá sản ngay từ khâu thiết kế và đương nhiên sẽ không thể phát huy hiệu quả khi đưa vào thực tế, sẽ trở thành sự lãng phí tiền của cực lớn khi tiền vẫn chi ra mà ngập vẫn ngập.
Kể cả trong trường hợp số liệu được ghi nhận, báo cáo chính xác, đó rất có thể chỉ là số liệu tại các trạm đo, không phản ánh đầy đủ thực tế bức tranh ngập tại thành phố, không thể hiện chính xác vị trí và mực nước ngập. Kết quả không đổi: chúng ta sẽ không thể chống ngập hữu hiệu.”
Báo Phụ nữ online thậm chí còn đưa ra những lời đanh thép rằng: “Thà rằng không có báo cáo, cứ bước ra đường nhìn nước ngập đến thắt lưng mà lên kế hoạch chống ngập còn hơn dựa trên một báo cáo xa rời thực tế thì tác hại sẽ lớn hơn nhiều lần.”
Được biết từ lâu nay, cứ hễ có một tổ chức hay cá nhân nào đưa ra cái nhìn quá bi quan về nạn ngập lụt của TP.HCM, thì y như rằng có người đứng ra phủ định, đánh hạ uy tín. Đơn cử như nghiên cứu hồi năm 2019 của Climate Central (tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey), được công bố trên chuyên san Nature, cho thấy toàn miền Nam sẽ chìm dưới nước trong đỉnh triều năm 2050. Báo cáo này sau đó đã bị ‘chuyên gia Việt’ là PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó viện trưởng Viện khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TNMT) cho rằng chưa đủ độ tin cậy. Tuy không khẳng định đâu là đúng, đâu là sai nhưng có thể thấy tư duy ‘sợ bị vạch ra chỗ sai’ đã và đang ẩn hiện đâu đó trong các báo cáo của giới chức trách Việt Nam hiện nay.
Từ Thức (t/h)