Ngày 12/10, lãnh đạo Bộ Giáo dục đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc xử lý các ý kiến góp ý cho nội dung sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1. Theo đó, Bộ Giáo dục đã thừa nhận có sai sót. Nguyên nhân phải chăng do quá trình thực nghiệm, thẩm định chưa đầy đủ trách nhiệm, chưa đặt tâm, chưa tiếp thu ý kiến từ phụ huynh? Sâu xa hơn, liệu có phải do tâm lý tự cao, quá trọng vọng cái gọi là “chuyên gia” mà khinh thường những ý kiến thiết thực từ phụ huynh?
Nhìn lại quá trình thực nghiệm lẫn thẩm định sách có thế thấy, ý kiến của phụ huynh gần như không được tiếp thu, đối đãi như là một vấn đề trọng tâm.
Thực nghiệm như thế nào?
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trước khi chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới… Đây là lần duy nhất thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông trước khi đưa vào giảng dạy năm học 2020-2021.
Theo đó, nội dung thực nghiệm là những điểm mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục trong chương trình môn học. Việc thực nghiệm chương trình môn học được tiến hành ngay trong quá trình hoàn thiện dự thảo các chương trình môn học.
Phạm vi thực nghiệm tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ đại diện 6 vùng kinh tế – xã hội trên phạm vi cả nước. Mỗi vùng chọn 1 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau để thực nghiệm.
Nội dung bài dạy thực nghiệm có hai loại: Bài học là nội dung mới, không có trong chương trình hiện hành; Bài học là nội dung có trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp dạy học mới.
Số giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên trung học cơ sở và 352 giáo viên trung học phổ thông, tổng cộng 1.482 người. Tổng cộng đã có hơn 6.200 tiết học thực nghiệm được tiến hành.
Kết quả dạy thực nghiệm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết giáo viên và cán bộ quản lý các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo báo cáo của ông Thuyết, người ta không nhận thấy được bất cứ một vai trò nổi bật nào của phụ huynh học sinh, mà chỉ đề cập đến giáo viên và cán bộ trường như nói trên.
Thẩm định ra sao?
Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa quốc gia, với 1/3 số thành viên hội đồng là các giáo viên đang dạy học trực tiếp đã thẩm định các bộ sách này, sau đó chuyển lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Trải qua các quy trình này, các lỗi được phát hiện trong bản thảo sách giáo khoa sẽ được yêu cầu chỉnh sửa, hoàn thiện. Hầu hết các địa phương chọn ít nhất 3 bộ sách giáo khoa trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn cả 5 bộ.
Cũng tương tự như quá trình thực nghiệm, việc thẩm định cũng không thấy có vai trò nào của phụ huynh học sinh.
Xem phụ huynh học sinh là lực cản
Tuy nhiên sau khi đưa sách vào giảng dạy, ngành giáo dục đã nhận được rất nhiều ý kiến đánh giá tiêu cực từ phụ huynh học sinh và cả giáo viên, nhiều trong số đó đã được xác nhận là có cơ sở. Do đó có thể thấy, việc thẩm định cũng như thực nghiệm đã không chú trọng, tham khảo đầy đủ từ các phía.
Điều này đặt ra câu hỏi, đây có phải là xuất phát từ tâm lý khinh rẻ phụ huynh của ngành giáo dục, mà như PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh, nguyên giảng viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội từng phát biểu rất ngông cuồng trong bài viết “Phụ huynh Việt mới là lực cản lớn nhất của giáo dục!” được đăng trên Báo quốc tế (ý kiến này thậm chí còn được ông Thuyết vô cùng tán thưởng trên Fanpage cá nhân) hay không?
Bên cạnh đó, trình độ của người tham gia thẩm định, biên soạn cũng cần phải được xem xét lại khi đánh giá một sản phẩm “lỗi”, “đầy sạn” như bộ sách giáo khoa Cánh Diều với những từ ngữ hoa mỹ, 100% tán thành.
Ngoài ra, trả lời chất vấn, những cá nhân tham gia biên soạn sách đã nhiều lần khẳng định là đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, do đó những chỉ đạo và định hướng này cũng cần được công bố rộng rãi cho xã hội đánh giá, xem xét liệu có thích hợp không.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với truyền thống hiếu học của dân tộc, các vấn đề về giáo dục luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người dân. Vì vậy, nhiều ý kiến góp ý về một cuốn sách giáo khoa mới, được biên soạn theo chương trình mới, theo phương thức xã hội hóa là điều bình thường, hoàn toàn dễ hiểu.
Các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn sách giáo khoa tốt nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục.
Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên trong những năm tới.
Từ Thức