Từ năm 2017, hành vi “bức tử” rừng để lấn chiếm đất làm nông nghiệp đã manh nha ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Gần đây lại xảy ra hiện tượng hàng loạt cây rừng chết bất thường, có dấu hiệu bị đầu độc.
Theo đó, hơn 2000 m2 cây gỗ chủ yếu gồm sến, dầu, vong đồng, cóc,… thuộc khoảnh 5 tiểu khu 302a ở khu rừng gần núi Đất thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận bỗng dưng rụng lá, chết khô bất thường. Có cây có dấu đục ở gốc, có cây bị khoan vào thân và bơm chất độc, lại có cây bị cưa lìa gốc nằm la liệt…
Chưa hết, các chòm rừng tự nhiên cạnh đó cũng cùng chung cảnh ngộ. Dấu vết để lại chứng minh có người chủ đích phá rừng. Tổng diện tích rừng bị phá lên đến 3257 m2, 122 cây bị hại.
Chi cục Kiểm lâm đã xác định vụ phá rừng Tà Cú trên là có tổ chức, có người cầm đầu, gây hậu quả nghiêm trọng, nhằm lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng thanh long, nên đã đề nghị khởi tố vụ án chuyển cơ quan công an tìm cho ra kẻ chủ mưu để xử lý.
Đã xảy ra từ lâu nhưng chưa xử lý hiệu quả
Được biết, hiện tượng phá rừng như vậy đã xảy ra ít nhất là từ năm 2017. Báo Bình Thuận từng đăng tải các bài viết với tiêu đề như “Rừng Tà Cú liên tục bị tàn phá”, “Cảnh báo thủ đoạn bức tử rừng tinh vi”,…
Chưa kể đến vụ lần này, những điểm nóng xảy ra phá rừng trước đây như tiểu khu 302A hay tiểu khu 299 đã bị phá tối thiểu khoảng 1.2 ha rừng. Hành vi phá rừng này đã vượt khung xử lý hành chính, buộc phải xử lý hình sự. Tuy nhiên hầu hết đều chưa thể xác định được thủ phạm.
Theo quan sát của phóng viên, tại bìa rừng tiểu khu 302a là hiện trường xảy ra vụ đầu độc rừng 3 năm trước, một vườn thanh long vừa xuống trụ nhưng chưa thả dây giống.
“Các kẻ phá rừng chỉ mới lén dọn đất, chứ chưa dám trồng thanh long”, ông Cao Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận nhận xét. “Năm rồi, cá nhân tôi cũng bị UBND huyện kiểm điểm về việc này”, ông Linh nói thêm.
Ông Võ Hữu Phương, Phó giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm Trưởng trạm và nhân viên quản lý bảo vệ rừng Tân Thuận do để xảy ra vụ này”.
Cũng theo ông Phương, từ 2018 đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đã lập hàng chục hồ sơ, đề nghị điều tra, xử lý. Tuy nhiên, chỉ có ba vụ ở xã Thuận Quý là tìm ra thủ phạm. Đồng thời thừa nhận lực lượng bảo vệ đã chậm phát hiện các vụ phá, lấn chiếm đất rừng để kéo dài tới ngày nay.
Từ Thức (t/h)