Nghi lễ Ma’nene còn được gọi là nghi lễ “tắm rửa cho các thi hài”. Có thể với đa số mọi người trên thế giới thì nghi lễ này khá đáng sợ nhưng với người Toraja, nghi lễ Ma’nene thể hiện tình yêu thương, nỗi niềm tưởng nhớ người đã khuất vì họ quan niệm rằng cái chết chưa phải là dấu chấm hết.
Trên trang Mirror mới đây đã đăng tải những hình ảnh về “ngôi làng của người chết” nơi những gia đình sẽ đào thi thể của người thân lên để rửa sạch xương cốt và khoác lên cho họ những bộ quần áo mới. Người dân tại ngôi làng thuộc vùng núi Sulawesi, Indonesia.
Theo National Geographic, tục lệ này có thể được bắt đầu vào những năm 1900, qua đó người trong gia đình không chỉ bày tỏ sự kính trọng với người đã khuất mà còn là một nghi lễ để cầu xin sự phù hộ cho đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu.
Người ta đào những ngôi mộ lên, sửa chữa hoặc thay thế những quan tài bị hư hỏng. Sau đó trước khi những xác chết được người thân tắm rửa, mặc quần áo mới và “dìu” đi vòng quanh trong khu vực đó. Các gia đình người Toraja ở Indonesia thực hiện nghi lễ này như là một cách để giữ cho người thân của họ sống mãi trong tâm trí của họ.
Cứ 3 năm một lần, người dân lại đào thi thể của những người quá cố lên. Họ sẽ cho hài cốt những bộ trang phục thật đẹp, sau đó khiêng người thân của mình đi diễu hành trong làng.
Theo phong tục của bộ tộc Toraja, người chết thường được để trong nhà hàng tuần, hàng tháng, hoặc thậm chí là hàng năm và tang lễ thường được trì hoãn để chờ người thân tụ họp đông đủ.
Người Toraja cũng quan niệm rằng tang lễ phải là một sự kiện công phu và được đầu tư nhất. Theo văn hóa Toraja, linh hồn của người chết phải trở lại quê nhà. Vì vậy, nếu một người chẳng may thiệt mạng ở một nơi khác, họ phải được đưa về nhà.
Đối với người Toraja, lễ tang sẽ được trì hoãn đến khi mọi người thân có thể trở về tụ họp.
Vì vậy, lễ tang lớn nhất có thể kéo dài cả một tuần. Đặc biệt, ông Daniel Rantetasak, một người dân làng cho biết: “Bạn có thể cáo lỗi không đến dự một đám cưới nhưng bạn phải tới dự một lễ tang”.
Một lễ vật không thể thiếu trong lễ tang là trâu, con vật được xem là phương tiện đi lại của người đã mất ở thế giới bên kia.
Lễ tang lớn hay nhỏ phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của những con trâu bị giết trong đó và tối thiểu phải có 24 con bị giết. Đôi khi, số lượng trâu bị giết có thể hơn 100 con.
Những con trâu này là quà tặng của người tới tham dự lễ tang. Kích thước của mỗi con trâu phụ thuộc vào thứ bậc tôn ti; nói cách khác, người bề trên sẽ phải hiến tặng con trâu to hơn.
Khi lễ tang kết thúc, gia đình chịu tang sẽ nhận được một quyển sổ ghi chép về người tặng trâu, với mong muốn rằng khi một thành viên của gia đình họ qua đời, họ sẽ được đáp quà.
Có người thì lâm vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi cử hành đám tang cho người thân, nhưng đối với họ, chính là sự kết nối tình cảm càng mạnh mẽ giữa người sống và người chết.
Nhiếp ảnh gia Claudio Sieber, người đã dành 3 tuần với những người dân Torajans cho biết: “Người dân nơi đây đã duy trì truyền thông từ năm này qua năm khác, dù cuộc sống ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa hiện đại”.
Nguồn gốc
Không ai biết chính xác những tục tệ đó của tộc người Toraja có từ khi nào. Chữ viết của người Toraja bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 nên phần lớn các truyền thống cổ xưa đều được truyền miệng.
Chúc Di (t/h)