Ở một số quốc gia, khoai tây chiên thường là món ăn vặt phổ biến. Tuy nhiên ở Campuchia, người dân lại thích thú với một món khoái khẩu hết sức kỳ dị – nhện đen khổng lồ tarantulas chiên giòn. Thậm chí giờ đây, nó đã trở thành một món ăn khá nổi tiếng.
Đặc sản nhện đen khổng lồ
Cách chế biến truyền thống của món nhện lông lá tarantulas là đem đi chiên giòn, tẩm thêm chút gia vị rồi được bày bán rộng rãi ở những gánh hàng rong. Một số được chế biến bằng cách nướng rồi nhúng với nước sốt. Hương vị của món nhện chiên giòn tarantulas có lẽ hơi khó giải thích. Bụng của nhện thường có vị đắng do khi chế biến các cơ quan nội tạng của nhện vẫn được giữ nguyên. Trứng nhện thường có vị khá ngon. Phần chân thường được liên tưởng gần giống với món Tem-pu-ra của Nhật Bản, trong khi các phần còn lại của thịt có vị cay mạnh.
Đối với hầu hết người dân Campuchia, món nhện chiên giòn này thực sự đã trở thành đặc sản của quốc gia. Nhiều người đã sai lầm khi tin rằng những con nhện chắc chắn là “sạch sẽ”, vì họ nghĩ chúng chỉ ăn cây cỏ. Tuy nhiên, sự thật là những con nhện này sinh sống bằng cách ăn côn trùng. Theo lưu truyền thì nhện được coi là một phương thuốc tốt phòng các bệnh liên quan đến đường hô hấp, các vấn đề về tim mạch, đau lưng,… Đặc biệt nhiều phụ nữ Campuchia còn tin rằng nhện là một phương thuốc rất tốt cho sắc đẹp, làm tóc dày và khỏe hơn.
Vì thế mà giờ đây, buôn bán nhện đã trở thành một nền kinh doanh lớn ở Campuchia. Một người dân địa phương buôn bán nhện tarantula cho biết: “Những nông dân săn bắt nhện, sau đó một người thu gom chúng lại rồi mang đến cho tôi hoặc gửi chúng qua xe buýt hay một phương tiện khác, thỉnh thoảng nếu có dịp thì tôi sẽ tìm đến tận nơi và mua chúng. Người ta thường sử dụng công cụ đánh bắt giống như con dao để bật mạnh hàm răng của nhện… Nếu không biết cách làm, họ có thể sử dụng đồ cắt móng tay để cắt đi những chiếc răng”.
Nhện chiên giòn đã trở thành món ăn phổ biến thu hút hầu hết mọi khách du lịch. Tuy nhiên, đa số người dân địa phương không thực sự thích ăn chúng - đó chỉ là một mẹo của những người bán hàng để kiếm tiền từ du khách. Họ thu phí khi một số khách du lịch tò mò muốn có một bức ảnh độc đáo với dáng vẻ đang ăn món nhện chiên giòn kỳ dị này. Một số khác kiếm tiền bằng cách cho phép khách hàng quay phim lại quy trình chuẩn bị thực phẩm.
Nhu cầu tiêu thụ lớn đã khiến việc cung ứng nhện tarantula bị thiếu hụt. Ngoài ra kể từ năm 1990, Campuchia mất khoảng 20% diện tích rừng, điều này cũng khiến nông dân gặp khó khăn trong việc tìm các biện pháp kiểm soát số lượng để đáp ứng nhu cầu. Việc săn bắt quá mức loài nhện này đang khiến chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng ở một số vùng.
Ngoài ra, việc nhiều khu rừng rộng lớn đang bị chặt phá để trồng gỗ và cao su cũng có thể làm suy giảm số lượng loài nhện tarantula. “Các thế hệ người dân tiếp theo có thể không còn biết đến sự tồn tại của chúng nữa vì chúng đã trở nên rất hiếm, không giống như trước đây. Khi ngày càng nhiều người phá rừng để trồng điều, thì loài nhện này có thể sẽ bị tuyệt chủng”, một nhà kinh doanh người Campuchia chia sẻ.
Nguồn thực phẩm trong chiến tranh
Mặc dù đến cuối thế kỷ 19, truyền thống ăn nhện đen tarantula ở Campuchia mới bắt đầu, tuy nhiên từ những năm 1970, món ăn này đã khá phổ biến rồi. Vào thời đó chế độ Khmer Đỏ cộng sản tàn ác đang đàn áp dữ dội bất cứ ai bị nghi ngờ là quân phản động chống lại hệ tư tưởng độc tài của họ. Gần 3 triệu người (gần một phần tư dân số) đã thiệt mạng. Xã hội Campuchia xảy ra nạn đói khủng khiếp. Kết quả, người dân bắt đầu tìm kiếm những nguồn thực phẩm rẻ mạt.
Họ phát hiện rằng những con nhện tarantula này quả thực là một nguồn thực phẩm bổ sung các chất dinh dưỡng tuyệt vời. Thời đó, số lượng nhện rất phong phú nên có thể dễ dàng bắt được. Nhện tarantula rất giàu các chất dinh dưỡng như kẽm, protein và axit folic. Vì thế chúng nhanh chóng trở thành món ăn chính nuôi sống hầu hết người dân Campuchia. Kể từ đó, văn hóa ăn những món ăn chế biến từ nhện đã hình thành và phát triển lâu đời trong xã hội Campuchia.
Nếu có cơ hội, bạn có dám cắn thử một miếng nhện tarantula không?
An Nhiên biên dịch