Được phát hiện trong một mỏ than tại Colombia từ năm 2005, loài rùa này được đặt tên là Carbonemys Cofrinii, có nghĩa là “rùa than”.
Tuy nhiên, phải đến bây giờ nó mới được phân tích và mô tả cụ thể trên một tạp chí khoa học chuyên ngành là Systematic Paleontology. Từ dấu vết hóa thạch còn lại, các nhà khoa học tin rằng một giống rùa to ngang ô tô từng “thống trị” Nam Mỹ tại thời điểm 60 triệu năm trước.
Các nhà nghiên cứu cho rằng C.cofrinii thuộc về họ rùa cổ lệch pelomedusoides. Hộp sọ của nó có kích cỡ tương đương với một quả bóng bầu dục và cũng là bộ phận hóa thạch nguyên vẹn nhất còn lại.
Ngoài kích cỡ khủng, loài rùa này còn được trang bị bộ hàm lớn, cực khỏe, đồng nghĩa với việc chúng có thể ăn bất cứ thứ gì nhỏ hơn mình, từ rùa nhỏ cho đến cá sấu.
Tuy nhiên, chính vì khẩu vị ăn tạp này, cùng với nhu cầu tìm đến các khu vực rộng hơn để săn tìm thức ăn mà người ta chỉ tìm thấy duy nhất một hóa thạch rùa C.cofrinii tại mỏ than. “Nó giống như một con rùa chúa sống ở giữa hồ. Nó sống sót được là vì đã ăn tất cả các nguồn thức ăn của đối thủ”, chuyên gia Dan Ksepka của Đại học North Carolina nhận định.
Nhóm của Ksepka cũng đã tìm thấy một mai rùa ở gần đó và họ tin rằng chính là của rùa C.cofrinii. Chiếc mai này lớn ngang cỡ bể bơi trẻ em và có đường kính lên tới 1m7.
“Đây là bằng chứng đầu tiên về loài rùa nước ngọt khổng lồ ở niên đại 60 triệu năm mà chúng tôi tìm được”, Ksepka cho biết.
Khoa học tin rằng, rùa khổng lồ xuất hiện khoảng 5 triệu năm sau khi khủng long tuyệt chủng, tại một thời điểm mà những sinh vật cỡ lớn tương đối phổ biến ở Nam Mỹ. Lấy thí dụ, loài rắn lớn nhất từng được phát hiện dài tới 14m với tên gọi Titanoboa cerrjonensis cũng sống tại đây khoảng 60 triệu năm trước.
Nhiều yếu tố kết hợp như thức ăn dồi dào, ít kẻ thù hơn, khu vực sống rộng lớn, khí hậu ấm lên… đã tạo điều kiện để rùa và các loài động vật khác “nở to” về kích cỡ như vậy, các nhà khoa học suy đoán.
Y Lam / Theo VietNamNet