Rồng – loài vật từng được con người săn bắt, nuôi dưỡng và huấn luyện
Rồng là thần thú trong truyền thuyết cổ xưa, là biểu tượng của quyền lực và địa vị, chỉ có Hoàng đế mới có thể mặc trang phục có họa tiết rồng. Trong các thư tịch và văn kiện lịch sử đã nhiều lần đề cập đến sự xuất hiện của rồng, đặt biệt nhất chính là nhắc đến những nhân vật có khả năng nuôi dưỡng và huấn luyện rồng.
Cổ nhân nuôi dưỡng, huấn luyện rồng
Nói đến việc huấn luyện rồng thì trong các thư tịch cổ đã có ghi chép về việc rồng được làm thú cưỡi hoặc thú vận chuyển cho các vị Thần.
Trong ‘Sơn hải kinh’ có chép: Thiên thần Hi Hòa là thê tử của Đế Tuấn cưỡi xe có 6 con rồng kéo, mỗi ngày vận chuyển mặt trời từ đông đến tây. Cú Mang là Thiên Thần có thân chim mặt người, cưỡi 2 con rồng.
Trong ‘Hải ngoại nam kinh’ ghi chép: Chúc Dung là Thiên Thần có thân thú mặt người, cưỡi 2 con rồng.
Đến thời Thuấn Đế, một tộc người rất bí ẩn đã ra đời, gọi là hoạn long thị (bộ tộc chuyên nuôi dưỡng rồng). Thời đó, có một người khác tên là Đổng Phụ rất giỏi nuôi rồng. Rồng là loài vật thánh khiết nên nếu không phải nước suối ngọt thì quyết không uống, không phải vùng nước linh thiêng thì không dừng lại nghỉ ngơi. Vậy nên Đổng Phụ đi khắp thiên hạ tìm dòng suối ngọt.
Sau đó tìm thấy ở giữa thành Phượng Hoàng và núi Nga Mi tại Ôn Tây có một con suối lớn dài 40 dặm, chất lượng nước rất tốt, giống như ao hồ, trong veo sáng ngời. Nơi đây đúng là thánh địa nuôi rồng. Ông mừng rỡ trong lòng, liền dời đến đây sống. Nơi này nằm ở phía đông bắc của Văn Hỉ Đông trấn.
Khi rồng lớn rồi thì ông mời Thuấn Đế cùng các quan đại thần đến xem rồng nước bay lên trời. Về sau gia tộc Đổng Phụ được gọi là Hoạn Long thị. Nguồn gốc họ Đồng sớm nhất cũng bắt nguồn từ đây. Các đời sau của Hoạn Long thị tiếp tục nuôi rồng cho đến thời Khổng Giáp, vị hoàng đế thứ 14 của triều đại nhà Hạ.
Trong ‘Sử ký’ và ‘Tả truyện’ đều có ghi chép về nhân vật Lưu Luy nuôi rồng cho Hoàng đế:
Theo truyền thuyết, Hoàng đế Khổng Giáp trong một lần đi săn phát hiện 2 con vật hết sức kỳ lạ mà ông từ trước đến nay chưa từng gặp qua. Trong số đại thần có người tấu: Đây là rồng. Khổng Giáp trong lòng vui mừng sai người mang hai con vật này về cung.
Sau đó ông sai người xây dựng cung điện để nuôi dưỡng rồng. Vua được biết Lưu Luy đã học được cách nuôi rồng từ Đổng Phụ, nên đã triệu Lưu Luy để ông nuôi hai con rồng này. Lưu Luy nuôi rồng rất có kỹ xảo, cho rồng ăn phát triển khỏe mạnh, Khổng Giáp nhìn thấy vô cùng ưng ý liền phong cho ông chức quan “Ngự long thị.”
Rồng là loại Thần vật rất khó nuôi, Lưu Luy mặc dù đã học qua chuyên môn huấn luyện nhưng cũng khó tránh khỏi có sai sót. Trải qua một đoạn thời gian chăm sóc, con rồng cái đột nhiên chết đi, con rồng đực còn sống ngày đêm gào rít. Bỗng nhiên có một ngày, mưa to gió lớn sấm chớp vang trời, nước sông tăng mạnh, con rồng đực kia liền thuận nước sông bơi đi mất.
Liêu Thái Tổ săn bắt rồng đen
Không những chăm sóc huấn luyện rồng mà trong lịch sử còn có điển cố về việc săn bắt rồng.
Liêu Thái Tổ, tên là Gia Luật A Bảo Cơ, ông xuất thân trong một gia đình quý tộc người Khiết Đan, có thân thể cường tráng và võ công cao cường với: “Thân dài 9 thước, to khỏe rắn chắc, đôi mắt nhạy bén, sắc như tên, dùng cung tên nặng 600 cân.”
Tháng 5/920 sau Công Nguyên, trên lãnh thổ của nước Liêu đã xảy ra một chuyện vô cùng kỳ lạ, đó là Gia Luật A Bảo Cơ đã thực sự săn được một con rồng. Theo ghi chép lịch sử: “Vào năm Canh Thìn, một con rồng đã bị mũi tên của A Bảo Cơ bắn trúng, ông kéo nó trên mặt nước từ núi Duệ Lạt đến sông Dương, và giấu xương của nó trong cung điện.”
Cụ thể là khi đó có người đã nhìn thấy một con rồng xuất hiện trên một con sông phía nam núi Duệ Lạt, khi A Bảo Cơ nghe tin, ông đã giương cung tên lên bắn chết nó, sau đó giấu xương trong cung điện. Núi Duệ Lạt nằm ở phía bắc huyện Lâm Tây, Nội Mông Cổ ngày nay.
Ghi chép về sự việc này trong “Liêu sử” (lịch sử nước Liêu) tương đối sơ lược, nên các thế hệ sau đã ghi chép lại một cách chi tiết hơn, kể rằng con rồng này có màu đen. Sau khi mọi người phát hiện ra nó thì lập tức báo tin cho A Bảo Cơ, nghe tin ông lập tức phi ngựa đến đó không ngừng nghỉ, sau 3 ngày ông cũng đến được núi Duệ Lạt.
Khi đó con rồng đen vẫn còn ở trên mặt nước, có chiều dài hơn 10 trượng. A Bảo Cơ đã bắn chết nó và đem giấu xương rồng đi. Việc hoàng đế nước Liêu giết rồng đã khơi dậy sự quan tâm của người dân triều Tống.
Vào thời Bắc Tống, Thẩm Quát khi đó còn là sứ thần, đã từng đặt chân đến nước Liêu, và cũng ghi lại sự việc này. Theo ghi chép của ông, triều đại nhà Liêu còn xây dựng một ngôi miếu bắn rồng tại nơi đã bắn chết và giấu lưỡi rồng trong ngôi đền này. “Hình dạng của cái lưỡi giống như một thanh kiếm”. Năm 1125 sau Công Nguyên, nước Liêu bị nhà Kim tiêu diệt.
Sau đó, quân đội nhà Kim tiến về phía nam để tiêu diệt Bắc Tống. Do vậy Nam Tống đã phái một đại thần là Hồng Hạo đến nước Kim với tư cách là sứ giả để đàm phán hòa bình, kết quả bị nhà Kim bắt giam. Trong thời gian ở nước Kim, Hồng Hạo thà chết chứ không chịu đầu hàng, nên rất được người dân nước Kim kính trọng. Vì vậy ông đã biết rất nhiều sự việc ở nhà Kim, ông còn đem một số sự việc nhà Kim, bao gồm cả việc con rồng đen ghi chép lại.
Hồng Hạo dựa theo miêu tả từ con trai trưởng của Hoàn Nhan Hi Duẫn, một đại thần nước Kim, người đã tận mắt nhìn thấy Xương Rồng nói rằng: “Trừ đôi sừng đã bị chặt ra thì đuôi, bờm, các chi và toàn thân của rồng đều nguyên vẹn. Nó giống với con rồng nước mà Đổng Vũ (một họa sĩ nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa) từng vẽ.”
Nhìn tổng thể thì nó rất giống với bức họa con rồng nước thời Tống. Đến cuối thời nhà Kim, xương cốt của con rồng đen này vẫn còn tồn tại. Khi Kim Tuyên Tông dời đô đến Khai Phong năm 1214 bộ xương vẫn còn ở đó, sau này liền không rõ tung tích nữa.
Điều này không khỏi khiến người ta nhớ đến sự kiện một con rồng rơi xuống ở Doanh Khẩu vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 23 (năm 1934) từng gây chấn động Trung Quốc.
Mùa hè năm 1934, một bộ xương rồng đã được tìm thấy ở Doanh Khẩu, điều khiến người ta khó tin là trước khi sinh vật thần bí này chết, người dân địa phương đã nhìn thấy và tiếp xúc với nó ở khoảng cách gần trong một thời gian dài đến tận 2 lần. Việc khám phá xem loài rồng có thực sự tồn tại hay không, có thể cho phép chúng ta hiểu được lịch sử thực sự và vén màn bí ẩn cổ đại của phương Đông.
Tử Vi (t/h)