Ngư dân Thanh Hóa mới đây phát hiện một con cá lạ có phần đầu giống đầu rồng dài khoảng 3m trôi dạt vào bờ biển.
Sau khi phát hiện, ngư dân đã ngay lập tức vớt con cá này lên bờ. Nhiều người dân ban đầu không thể nhận biết được đây là loại cá gì. Nó có chiều dài khoảng 3m, nặng hơn 30kg.
Theo phong tục của địa phương, khi xuất hiện cá lạ (người dân thường gọi là cá ông hoặc cá bà) nếu còn sống thì ngư dân sẽ thả về biển, nếu chết thì sẽ chôn cất trên vùng biển địa phương.
Phát hiện con cá đã chết nên nhiều ngư dân nơi đây đã thông báo lên chính quyền địa phương. Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, đến 15h chiều cùng ngày, chính quyền cùng người dân đã chôn cất cá ông theo phong tục của địa phương.
Hình dáng sinh vật lạ này, trên lưng có một hàng vây màu đỏ, thân mình có những đốm đen, rất giống cá oarfish (cá mái chèo).
Cá oarfish thuộc họ Regalecus có thể dài tới 17 m, thường sinh sống ở độ sâu 200-1.000 m. Nó có ngoại hình giống như sợi ruy-băng, phần thân ngang khá mỏng cùng vây lưng chạy dọc theo toàn bộ chiều dài thân. Do chiều dài đặc biệt cùng phần vây đỏ, loài cá này được mệnh danh là rắn biển khổng lồ, hay “rồng biển”.
Từ lâu, xác cá oarfish trôi vào bờ được tin là điềm báo sắp có động đất. Niềm tin này xuất phát từ một truyền thuyết của Nhật Bản rằng, xác “rồng biển” trôi dạt ở bờ biển chính là thông điệp gửi đến từ cung điện của thần biển.
Lý giải về điều này, nhà địa chấn học Kiyoshi Wadatsumi cho biết, cá mái chèo rất nhạy cảm với những thay đổi của các vệt đứt gãy đang hoạt động trong lòng biển sâu. Có thể loài cá này phản ứng trước những cơn rung chấn bằng cách bơi lên mặt nước và cuối cùng mắc cạn ở vùng nước nông.
Một số nhà nghiên cứu suy đoán quan hệ giữa cá oarfish và động đất mang tính trung gian. Dòng hải lưu thay đổi trong cơn bão và động đất có thể cuốn sinh vật phù du, loài giáp xác và mực tới vùng biển nông, thu hút cá oarfish tới đây để săn mồi và bị dạt vào bờ biển.
Theo kenh14