Năm 2016, công ty vận tải Trung Quốc COSCO mua phần lớn cổ phần tại cảng Piraeus của Hy Lạp. Gần đây, COSCO dự định đầu tư thêm 660 triệu USD để phát triển cảng biển này. Đối với Mỹ, việc Trung Quốc tiếp quản cảng Piraeus đã làm tăng thêm mối quan tâm lớn trong danh sách những vấn đề an ninh của Mỹ.
Hy Lạp ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc
Cảng Piraeus nằm trong vịnh Saronic, là cảng lớn nhất Hy Lạp và lớn thứ 7 ở châu Âu.
“Mục tiêu của Trung Quốc là biến cảng Piraeus thành trung tâm trung chuyển lớn nhất giữa châu Âu và châu Á, có khả năng sẽ là cảng lớn nhất châu Âu trong tương lai. Lợi thế địa lý của các cảng Hy Lạp có thể được sử dụng để tạo thuận lợi, đồng thời tăng lưu lượng hàng hóa từ Trung Quốc và Viễn Đông đến Liên minh châu Âu, Balkan, khu vực Biển Đen và ngược lại”, thứ trưởng phụ trách đối ngoại của Hy Lạp – ông Wes Kostas Fragogianni cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU). Giao dịch thương mại giữa hai khu vực trung bình đạt hơn 1,1 tỷ USD mỗi ngày. Tuy nhiên Hy Lạp đã phải phụ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi đất nước này chịu áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Bắc Kinh đã đầu tư vào một số lĩnh vực tại đây như năng lượng, giao thông, bất động sản và viễn thông.
Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã ký kết 16 dự án đầu tư vào Hy Lạp. Tháng 11/2019, Ngân hàng Trung Quốc tại châu Âu thành lập thêm một chi nhánh ở Athens. Ngoài ra, các cuộc đàm phán về việc mở một chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại Hy Lạp vẫn đang diễn ra.
Với sự phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như vậy, việc Hy Lạp hỗ trợ Bắc Kinh trong các vấn đề quốc tế quan trọng là không thể tránh khỏi. Năm 2017, Hy Lạp đã ngăn chặn một tuyên bố của EU về các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, một quan chức Hy Lạp đã cho rằng những lời cáo buộc của EU là những chỉ trích không có căn cứ. Sự việc này đã dấy lên một mối quan ngại trong EU, rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại Hy Lạp sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều quyết sách của nước này.
Đối với một quốc gia có nhiều liên kết quân sự với các quốc gia EU như Hoa Kỳ, mối quan hệ Trung Quốc-Hy Lạp rõ ràng là một mối đe dọa. Trên thực tế, quân đội Hoa Kỳ cũng sử dụng cảng Piraeus để hỗ trợ an ninh châu Âu và rõ ràng nước này cũng đang lo lắng về sự hiện diện của Trung Quốc tại cảng Piraeus.
Theo tờ Asia Times, “các nhà khai thác cảng Trung Quốc có thể giám sát chặt chẽ sự di chuyển của tàu chiến Mỹ và NATO, thu thập thông tin về hoạt động bảo trì của họ và có quyền truy cập vào các hệ thống và thiết bị nhạy cảm thông qua việc chặn tín hiệu điện từ hay thu thập thông tin tình báo bằng cách sử dụng cảm biến điện tử, trí thông minh và giác quan của con người”.
Những cảnh báo về sáng kiến ‘Một vành đai một con đường’
Việc đầu tư vào cảng Piraeus là một phần của sáng kiến ‘Một vành đai một con đường’ (Belt and Road Initiative – BRI) của chính quyền Bắc Kinh, nhằm phát triển một mạng lưới cảng biển, cảng hàng không, đường sắt và đường bộ như một cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã cảnh báo về những nguy cơ của sáng kiến ‘Một vành đai một con đường’ này.
Tháng 5/2019, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á – Takehiko Nakao đã khuyên các nước hợp tác với Trung Quốc trong dự án BRI nên xem xét cẩn thận tính khả quan của dự án trước khi tham gia. “Nếu không nó sẽ gây rắc rối cho chính phủ trong việc thanh toán. Tuy có những lợi ích từ việc được đầu tư nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng nên cẩn thận, chúng ta cần tìm được những dự án tốt với lợi ích lâu dài”, ông Nakao nói.
Chính khách Hoa Kỳ James Risch cũng đã kêu gọi một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ để đảm bảo hệ thống quốc tế có thể duy trì cam kết về các giá trị nhân đạo thay vì chịu khuất phục trước những cám dỗ kinh tế của Bắc Kinh, đồng thời chấm dứt xúc tiến chủ nghĩa độc tài.
Mặc dù BRI được Trung Quốc quảng bá là một mạng lưới thương mại nhưng cuối cùng lại là kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh nhằm khiến các nước khác phải phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Song song đó, đây cũng được xem là một chiến lược nhằm mở rộng sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.
Thiên Hoa (Theo Vision Times)