Tinh Hoa

Robot trong xây dựng

(TNTS) Một công ty Úc đã chế tạo ra loại robot có thể xây nhà nhanh gấp 20 lần so với con người và đây là bước tiến mới trong ngành xây dựng.

Xây nhà trong 2 ngày
Theo tờ The Independent, con người phải mất từ 4-6 tuần và phải làm việc cả những ngày cuối tuần để xây xong phần thô của một ngôi nhà. Thế nhưng, robot có tên gọi Hadrian, do kỹ sư người Úc Mark Pivac, người sáng lập ra Công ty Fastbrick Robotics ở thành phố Perth, thiết kế có thể xây dựng kiến trúc cơ bản của ngôi nhà chỉ trong chưa đầy 48 giờ. Robot Hadrian được đặt theo tên của bức tường thành Hadrian nổi tiếng ở Anh, có khả năng xây với tốc độ 1.000 viên gạch/giờ và do vậy, nó có thể xây dựng 150 căn nhà/năm. Hadrian làm việc liên tục không cần… ngủ, ăn uống hay giải lao nên năng suất lao động cao và chi phí thấp hơn nhiều so với con người. Cánh tay của Hadrian là một cần cẩu dài 28 m được kết nối với phần cơ thể chính của robot. Bàn tay robot ở đầu cần cẩu có thể nắm lấy từng viên gạch và đặt những viên gạch này thành hàng.

Robot Hadrian – Ảnh: Daily Mail

Dựa trên mô hình thiết kế 3D, Hadrian sẽ xác định hình dạng ngôi nhà hoặc cấu trúc được yêu cầu và từ đó, robot tính toán nơi nên đặt viên gạch. Vữa được đưa đến bàn tay robot bằng áp lực để Hadrian tự trát vào gạch và xây nên những bức tường của căn nhà. Hơn nữa, Hadrian có thể cắt được gạch trong trường hợp cần phải chỉnh, sắp xếp lại viên gạch và robot cũng biết chừa khoảng không cho hệ thống dây điện, ống nước. Tờ Perth Now dẫn lời kỹ sư Pivac cho hay trong 6.000 năm qua, việc xây tường gạch vẫn không thay đổi, dựa trên sự sắp xếp chậm chạp và ngay ngắn của con người. Công việc được thực hiện hoàn toàn bằng tay nên mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, con người đã cố gắng tự động hóa quá trình xây tường gạch. “Thế giới đang ở trong thời kỳ mà sức người có thể được thay thế bằng máy móc và đó là những điều chúng tôi đã làm”, Pivac nói.
Theo Pivac, robot Hadrian xây tường gạch với độ chính xác cao nên công ty có thể chế tạo riêng hầu hết những bộ phận khác của ngôi nhà như bếp, phòng tắm và dàn mái theo khuôn mẫu. Các bộ phận này sẽ được ghép vào ngôi nhà ngay sau khi việc xây tường gạch hoàn tất. Hadrian giúp tăng mức độ an toàn ở công trường, giảm lượng chất thải trong quá trình xây dựng và giảm lượng khí thải nhà kính. Ngoài ra, Pivac nhấn mạnh gạch là sản phẩm được mọi người ưa chuộng bởi đặc tính cách nhiệt, cách âm của nó và Hadrian sẽ giúp những người xây nhà giảm chi phí nếu sử dụng robot này trong tương lai. Đến nay, dự án robot Hadrian đã chi tiêu hết 7 triệu USD và tiến hành được 10 năm. Công ty Fastbrick Robotics hiện đã sẵn sàng đưa phiên bản thương mại đầu tiên của Hadrian ra thị trường trong năm tới. Sản phẩm này sẽ được bán trên thị trường bang Tây Úc, sau đó mở rộng ra phần còn lại của đất nước và cuối cùng là toàn bộ thế giới.

Robot xây cầu bằng công nghệ in 3D – Ảnh: rt.com

Xây cầu bằng công nghệ in 3D
Theo Business Insider, công ty MX3D có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan đã tuyên bố thành công trong việc tạo ra một cây cầu bằng thép nhờ công nghệ in 3D. Theo đó, các kỹ sư Hà Lan sử dụng robot in 3D để in ra vật liệu và xây cầu ngay trên không trung. Công nghệ này do MX3D thiết kế và đây là một công ty chuyên in 3D kim loại. Trên trang web của MX3D, công ty cho hay: “Chúng tôi đang nghiên cứu, phát triển công nghệ robot nhằm tạo ra một bước đột phá để mang lại hiệu quả kinh tế. Nhờ công nghệ này, chúng tôi có thể in 3D nhiều vật thể với những hình dạng khác nhau”. MX3D sẽ xây dựng cây cầu bắc qua một đoạn kênh tại Amsterdam. Chiếc cầu thép do Joris Laarman thiết kế và sử dụng phần mềm Autodesk. Về quy trình xây cầu, MX3D sử dụng 2 cặp cánh tay robot đa trục.
Mỗi cặp cánh tay robot sẽ bắt đầu phun thép nóng chảy từ 2 bên bờ kênh và ngày càng tiến gần nhau cho đến khi gặp nhau ở giữa cầu và khi đó, cây cầu được hoàn thành. Quy trình xây cầu này giúp giảm áp lực lên thân cầu và đẩy nhanh tiến độ thi công. Toàn bộ quá trình xây cầu sẽ diễn ra tại địa điểm xây dựng. Các robot cũng tự tạo đường ray riêng cho mình để chúng có thể di chuyển trên mặt nước trong thời gian xây cầu. Công nghệ trên giúp giảm sức lao động, đảm bảo an toàn cho các công nhân và đảm bảo độ chắc chắn của công trình. Ngoài MX3D, tham gia dự án xây cầu này còn có Tập đoàn xây dựng Heijmans, Công ty robot ABB, Hội đồng thành phố Amsterdam và một số đơn vị khác. Dự kiến, cây cầu sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 9 và hoàn thành năm 2017.

Nhện robot xây dựng những khung giá đỡ lớn cho hệ thống pin mặt trời, ăng ten của tàu vũ trụ

Giúp xây dựng tàu vũ trụ
Công ty Tethers Unlimited ở Mỹ đã phát triển hệ thống nhện robot có khả năng xây dựng các tấm pin mặt trời, khung giá đỡ và những bộ phận khác của tàu vũ trụ ngay trên quỹ đạo trái đất hoặc ở xa hơn trong hệ mặt trời. Theo tờ Daily Mail, Tethers Unlimited đang hợp tác với Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) để phát triển hệ thống robot mang tên SpiderFab. SpiderFab sử dụng những robot giống như nhện để xây dựng các vật thể lớn và hệ thống này giúp giảm đáng kể chi phí xây dựng tàu vũ trụ vì nó cho phép công đoạn xây dựng cuối cùng được thực hiện trên quỹ đạo trái đất. Quy trình trên cũng giúp các hệ thống không gian được phóng ở trạng thái nhỏ gọn.
Khi bay vào quỹ đạo, các hệ thống này sẽ sử dụng công nghệ lắp ráp tự động để xây dựng và lắp ghép các bộ phận như ăng ten, khung giá đỡ và những bộ phận khác. Vì thế, NASA có thể sử dụng các phương tiện phóng nhỏ, chi phí thấp để triển khai hệ thống lớn hơn. Tethers Unlimited hy vọng sẽ phóng nhện robot xây dựng đầu tiên vào không gian trong vài năm tới. Nhện robot này sẽ xây dựng khung giá đỡ lớn cho các tấm pin mặt trời, ăng ten và lắp ghép những bộ phận khác của tàu vũ trụ trong đầu những năm 2020.

Lê Loan

Theo Thanh Niên