Tinh Hoa

Rau quá lứa ở Đà Lạt bán rẻ như cho

Thuận mùa, sản lượng tăng trong khi giá mua thấp khiến nhiều vườn rau ở Đà Lạt không thể tiêu thụ, đành phải phá bỏ vì quá lứa.

Vườn rau quá lứa không được tiêu thụ vì giá quá thấp. (Ảnh minh họa từ internet)

Tại các chợ ở Đà Lạt, hiện có nhiều người bê từng búp súp lơ đi chào mời với giá chỉ 1.000-2.000 đồng, trọng lượng mỗi búp trên 1kg. Rau tần ô (cải cúc) lâu nay bán theo trọng lượng thì giờ cũng được chào mời bán theo mớ, bó với giá 3.000 đồng (khoảng một kg), nếu mua một lúc 4 bó thì giá giảm xuống còn 10.000 đồng. Tương tự, các loại rau ăn lá khác như cô rôn, lô lô… giá tại vườn chỉ còn 1.500-2.000 đồng một kg.

Bà Ánh, một người chuyên thu mua rau cô rôn cho biết, bình thường mỗi ngày bà thu hoạch tại vườn và đóng đi khoảng 1,5 tấn, nhưng hiện tại tiêu thụ không nổi vài trăm kg.

Thời điểm giữa tháng 11/2016 kéo dài đến nửa đầu tháng Chạp vừa qua, rau củ Đà Lạt khan hiếm và giá tăng kỷ lục. Nhiều loại rau ăn lá bán ra tại vườn luôn ở mức 15.000-20.000 đồng một kg và ra tới chợ Đà Lạt thì đội lên 25.000-30.000 đồng, như khoai tây có giá 25.000 đồng một kg, củ dền lúc đỉnh điểm là 28.000 đồng…

Thế nhưng chỉ sau hơn 2 tháng, giá rau củ đã giảm thảm hại. Mặt hàng đang bị dội chợ trầm trọng nhất là các loại súp lơ xanh, trắng. Do giá quá thấp và không thể tiêu thụ nên nhiều vườn súp lơ bị quá lứa với hiện tượng bông nở bung, buộc nhà vườn phải phá bỏ.

Một số người buôn bán rong thấy tiếc đã tìm tới vườn để tận dụng đem đi bán. Không riêng gì rau ăn lá, nhà vườn tên Tài có vườn củ dền 25.000 gốc được thương lái tới mua nguyên đám với giá chỉ 2 triệu đồng.

Chủ vườn đã quyết định không bán và chấp nhận phá bỏ dù sau đó được nâng giá lên 5 triệu đồng. Ông Tài cho biết, riêng tiền giống đã trên 3 triệu đồng, nhưng nếu chấp nhận mức giá của thương lái đưa ra, sẽ chịu thiệt về sau vì củ dền là loại có thể kéo dài thời gian thu hoạch nên người mua sau khi chồng tiền sẽ giam đất lại, khi đó chủ vườn muốn lấy đất để trồng thứ khác cũng không được.

Theo VNE