Tinh Hoa

Rau muống Việt Nam 5 ngàn 1 bó sang Nhật đắt hơn vàng!

Ở Việt Nam, rau muống có thể được coi là một loại rau “quốc dân”, bởi thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn gia đình dù là người nghèo hay giàu có đều ăn chúng với giá thành rất rẻ, lại chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên ở nước ngoài, rau muống lại được xếp vào hàng xa xỉ, được so sánh như chỉ có đại gia mới dám ăn.

Rau muống là món ăn đã quá đỗi quen thuộc với bữa ăn của nhiều người Việt. Từ các món đơn giản và thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày như rau muống luộc, nấu canh, rau muống còn được chế biến thành nhiều món khác như nộm, gỏi rau muống, rau muống xào ốc móng tay, xào thịt bò, ngâm chua… Thậm chí, rau muống chẻ còn là một trong các loại rau sống quen thuộc dùng để ăn với các món canh chua.

Rau muống Việt Nam 5 ngàn 1 bó sang Nhật đắt hơn vàng!

Rau muống ở Việt Nam quen thuộc và phổ biến như vậy, giá của rau muống cũng rất phải chăng, nhờ thế mà người ta mới sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Vì thế, người Việt đã quá quen thuộc với mức giá 3k, 5k, lúc đắt lắm cũng chỉ lên tới 10k cho một mớ rau muống. Loại rau này trở thành món ăn rẻ tới mức những ngày cuối tháng hết tiền cũng có thể ăn được.

Thậm chí khi nhặt rau muống, người Việt cũng chỉ lấy phần còn non, phần già thì đem lặt ra vất hết chứ chẳng ai ăn. Thế nhưng ở nước ngoài rau muống lại được xếp vào hàng những món ăn vô cùng xa xỉ, vì giá rau muống ở nước ngoài đắt hơn Việt Nam hàng trăm lần.

Quả đúng như lời các cụ nói:

“Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”

Và sự thật là bất kể ai đã từng ở Việt Nam khi sang nước ngoài sinh sống đều rất nhớ thương hương vị của món rau muống quê hương, thậm chí dù có đắt đỏ đến mấy cũng ráng dành tiền để mua về ăn cho bỏ nổi nhớ và cơn thèm.

Dưới đây là một số review nhẹ từ những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, nghe thì tưởng đùa, thế mà lại là sự thật đó.

“Ở nơi mình sống tại Anh, rau muống có giá 2,5 bảng Anh/bó (khoảng 75.000 đồng). Một bó như vậy đem về xào thì teo lại, gắp 1 – 2 đũa là hết luôn nên mỗi lần mình phải mua 3-4 bó (khoảng 300.000 đồng). Đem về xào thì phải xào thật mặn để ăn cho lâu”, Brian Hiep Le, một sinh viên du học Anh cho biết.

Cũng theo Brian, 3 bó rau đấy được cậu mang về luộc sơ trước vì nước rau muống quý lắm. “Mình sẽ để dành nồi nước rau luộc đó trong tủ lạnh để ăn dần. Mỗi lần ăn chỉ dám lấy vừa đủ chứ không dám lấy dư để húp”, Brian nói.

“Bên này mỗi tháng chỉ dám ăn rau muống 1 lần vì đắt. Mấy anh chị cùng nhà mỗi lần thấy mình mua rau muống lại kêu mình là đại gia vì họ ở đây mấy năm rồi mà mới dám ăn rau muống có đôi ba lần. Ở Việt Nam thì chê rau muống lên xuống, sang đây thì quý như vàng. Sinh nhật lễ tết chả cần tặng gì quý giá mà chỉ cần tặng mình vài bó rau muống là nhớ ơn cả đời”, Brian chia sẻ thật lòng.

Tại Nhật Bản, anh Lâm Võ cho biết, rau muống tại nơi anh sống thỉnh thoảng có bán và giá là 50.000 đồng được… 6 cọng rau.

Cũng sống tại Nhật, bạn Hương Đỗ cho hay: “Rau muống ở Việt Nam 5.000 đồng/bó 7 người ăn không hết mà ở Nhật 2 năm chưa dám ăn rau muống vì tầm 100.000 đồng được khoảng 10 cọng, chắc mua về mỗi ngày ăn một cọng quá”.

Rau muống ở Hàn có giá 8300 – 8500 won, tương đương khoảng 170k. (Ảnh qua Kênh 14)

Sống tại Phần Lan, anh Bùi Anh Dũng cho biết tại đây, rau muống có giá 3 euro/bịch, được hẳn… 3 cọng rau muống.

Đồng quan điểm, chị Linh Đặng cũng cho rằng: “Rau muống ở Phần Lan đắt, cọng rau to và già mà vẫn cố phải nhai vì đắt mà nhặt bỏ đi thì tiếc lắm. Và rau muống ở đây ăn nhạt, không thơm và có vị như rau muống ở Việt Nam”.

Chị Lê Thủy, một Việt kiều sống tại Mỹ cho biết, giá rau muống ở Mỹ cũng tùy từng bang nhưng ở bang lạnh rau sẽ đắt hơn, khoảng 9 USD (khoảng 210.000 đồng)/bó nhưng được rất ít.

“Thích thì cứ ăn thôi, nhà mình quần áo có thể 5 năm mặc đi mặc lại 2, 3 bộ, chơi có thể không đi, phim có thể không xem chứ ăn là phải sướng cái mồm”, chị Thủy chia sẻ.

Sinh sống tại Đức, chị Vũ Thùy Linh chia sẻ, một bịch rau muống ở Đức có giá hơn 4 euro (hơn 104.000 đồng).

“Em trai mình du học sinh Pháp nghỉ hè về Việt Nam chơi còn đòi mẹ mình bó mấy bó rau muống vào vali mang qua ăn dần, nó còn đòi mang hạt giống qua trồng”, chị Linh nói thêm.

Đáng nói, chị Ngô Thị Mai Anh sống tại Hà Lan chia sẻ thật rằng từ ngày sang trời Âu, chị chưa bao giờ dám vung tiền ăn rau muống.

Trong bữa ăn có món rau muống được cho là vô cùng xa xỉ. (Ảnh qua Kênh 14)

Kể về “hành trình” mua rau muống khi ở Sydney, chị Loan Ngô cho biết, mỗi lần muốn ăn rau muống, chị phải lặn lội từ vùng ngoại ô Marsfield xuống tận Canberra cỡ đâu 1 tiếng đồng hồ, rồi đổi tàu và xe buýt vài ba lần mới đến được chỗ bán, nhưng hôm nào xui thì khi chị đến, rau muống đã “cháy hàng”.

Chị Nguyễn Thị Phương cũng hóm hỉnh cho hay rằng ở Pháp, mỗi lần mua rau muống, chị toàn nhắm mắt rồi lấy chứ không dám xem giá nên thường không nhớ giá tiền.

Sinh sống tại Moscow (Nga), chị Nguyễn Thu Thủy cho biết rau muống tại Nga giá khoảng 100.000 đồng/đĩa. Ở Việt Nam, cọng già cọng to là vứt hết còn ở đây cọng còn nhiều hơn lá.

Chính vì mức giá quá đắt đỏ và độ khan hiếm kể trên nên nhiều người Việt đã mang hạt giống rau muống sang nước ngoài và trồng thành công.

Có một điều rất thú vị là, tại Nhật Bản, trong siêu thị có bán rất nhiều mầm rau muống, dùng để chế biến các món salad ăn sống, đặc biệt là còn nguyên rễ. Cho nên nhiều người Việt sống tại đây đã mua thử rau mầm về và trồng xuống đất, chịu khó tưới nước thường xuyên, chỉ 3 tuần sau là có rau muống ăn.

Được biết, một gói rau mầm có giá 100 yên Nhật (hơn 21.000 đồng) nhưng ăn được 3 bữa rau muống đầy đặn, mỗi lần thu hoạch rau là cả nhà tha hồ ăn rau muống, mà là ăn thoải mái không phải đắn đo suy nghĩ.

Không chỉ rau muống, Việt Nam chúng ta cũng có một số loại rau quả được xuất khẩu sang nước ngoài với giá vô cùng đắt đỏ. 

Điển hình như quả vải ở Việt Nam có thể mua cả mấy ký với giá phải chăng thì ở Nhật giá cho ‘vài quả’ vải lại cao gấp mấy lần. Có thời điểm, vải thiều Lục Ngạn được bán trong siêu thị tại Nhật Bản với giá khoảng 1.980 yên (12 quả), tương đương khoảng 400.000 đồng. Nếu cộng thêm thuế thì 12 quả vải này có giá khoảng 430.000 đồng.

Vải thiều Lục Ngạn được bán trong siêu thị tại Nhật Bản với giá khoảng 1.980 yên (12 quả), tương đương khoảng 400.000 đồng. Nếu cộng thêm thuế thì 12 quả vải này có giá khoảng 430.000 đồng. (Ảnh qua VOV)

Hay quả tầm bóp còn được gọi là quả lồng đèn, lù đù, thù lù hay đồm độp… Quả có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp bọc mỏng, giống hình lồng đèn. Khi bóp quả tầm bóp, vỏ bọc bên ngoài quả bị thủng phát ra tiếng kêu rất vui tai.

Quả tầm bóp giá 700.000 đồng/kg. (Ảnh qua baoventd)

Đây là cây hoang dại mọc khắp vùng nông thôn, trên các bờ ruộng hay các bãi cỏ ven đường. Trong dân gian, lá tầm bóp có thể dùng nấu canh ăn trị mất ngủ trong khi quả của cây tầm bóp chỉ là một loại quả dại không được chú ý nhiều. Thế nhưng trong thời gian vừa qua rất nhiều người Việt Nam bất ngờ khi thấy những hình ảnh quả tầm bóp bán tại các siêu thị ở Nhật với giá lên đến 700.000 đồng/kg. Mức giá này này còn đắt hơn rất nhiều giá của nhiều loại trái cây nhập khẩu khi về Việt Nam.

Hoặc nếu như ở Việt Nam, rau tía tô được mua thành từng bó và chẳng có ai đi tính tiền thành từng lá tía tô bao giờ, thì ở Nhật Bản họ bán đến cả từng lá với giá của chúng dao động từ 500 – 700 đồng/lá. Đây là loại tía tô lá màu xanh, kích cỡ đồng đều, đảm bảo an toàn và được bán cho các nhà hàng Nhật Bản để chế biến gỏi hải sản.

Lá tía tô ở Nhật ngoài việc bán lá tươi trong siêu thị và chợ, thì nó còn được sấy khô đóng gói, bán trong nước hoặc xuất đi nước ngoài. Một gói lá tía tô sấy như trên được bán giá 16 USD, tương đương 363 nghìn đồng. (Ảnh qua baoventd)

Bạch Nhật (t/h)