Tinh Hoa

Rất có thể trái đất ‘cướp’ mặt trăng của sao Kim

Theo một giả thuyết mới, mặt trăng từng xoay quanh sao Kim, nhưng lực hút của trái đất khiến nó “nhảy sang” quỹ đạo của hành tinh xanh.

Sao Thiên Vương có 27 vệ tinh, sao Thổ có hơn 50 vệ tinh, trái đất có một vệ tinh, nhưng sao Kim không có vệ tinh nào. Đây là một trong những nghịch lý đối với các nhà thiên văn.

Ảnh minh họa: National Geographic.

Trong một hội thảo do Hiệp hội Khoa học hoàng gia Anh tổ chức hôm 30/9, Dave Stevenson, một giáo sư khoa học hành tinh của Viện Công nghệ California tại Mỹ, đã đưa ra một giả thuyết mới về sự hình thành của mặt trăng. Theo ông, mặt trăng từng là vệ tinh tự nhiên của sao Kim. Nhưng sau đó trái đất đã hút mặt trăng, khiến nó rời quỹ đạo của sao Kim và chuyển sang quỹ đạo của hành tinh xanh, Newscientist đưa tin.

“Kích thước của mặt trăng ủng hộ giả thuyết của tôi. Mặt trăng là vệ tinh quá lớn so với một hành tinh nhỏ như trái đất”, Stevenson giải thích.

Địa cầu khá gần sao Kim và hai thiên thể có khối lượng, kích thước gần bằng nhau. Vì thế nhiều người nghĩ rằng chúng hình thành theo cùng một cơ chế.

“Chúng ta đối mặt với một câu hỏi thú vị: Nếu trái đất và sao Kim hình thành theo cơ chế giống nhau, tại sao trái đất có vệ tinh, còn sao Kim không có?”, Stevenson lập luận.

Trước đây giới khoa học ủng hộ giả thuyết mang tên “Va chạm lớn”, theo đó một hành tinh có kích thước tương đương sao Hỏa trở lên đã va chạm với trái đất từ 4,56 tỷ năm trước. Vụ va chạm khiến trái đất tách thành hai phần không bằng nhau. Phần nhỏ hơn đã xoay quanh phần kia và biến thành mặt trăng. Giới khoa học ủng hộ giả thuyết này vì đất, đá trên mặt trăng và trái đất có nhiều điểm giống nhau.

Một giả thuyết khác là cách đây chừng 4,5 tỷ năm, một vụ nổ trong lõi địa cầu – với sức công phá tương đương 40 quả bom nguyên tử – đã khiến một phần trái đất văng ra và cô đặc thành mặt trăng.

Giáo sư Stevenson thừa nhận một điểm yếu trong giả thuyết của ông, đó là nó không thể giải thích tại sao đất, đá của trái đất và mặt trăng có những tính chất tương đồng. Nếu mặt trăng từng xoay quanh sao Kim trước khi “theo” trái đất thì vật chất trên hai thiên thể phải có tính chất khác nhau. Tuy nhiên, Stevenson vẫn khẳng định rằng giả thuyết của ông là một “khả năng thú vị”.

Thái Dương

Theo Tri Thức

Theo Zing