Vào tháng 7 âm lịch, mỗi gia đình người Việt đều tổ chức, tham dự các buổi tế lễ lớn là xá tội vong nhân hay Vu Lan với nhiều hình thức như tại nhà hay ngoài ngõ, trên chùa. Vì vậy, có rất nhiều người nhầm lẫn rằng hai buổi lễ này đều là một, chỉ là tên gọi khác của Rằm tháng 7. Song trên thực tế, đó lại là hai lễ khác biệt.
Lễ xá tội vong nhân trong quan niệm dân gian
Người xưa tin rằng, con người có hai phần: hồn và xác. Khi một người chết đi, phần hồn vẫn còn tồn tại và tùy theo việc đã làm khi còn sống mà người mất sẽ được đầu thai sang kiếp khác hoặc bị đày xuống địa ngục để đền tội. Trường hợp có người chết oan hoặc oán khí trước khi chết quá nặng, linh hồn sẽ không siêu thoát được mà vất vưởng nơi nhân thế, chịu đói chịu khát, không chốn dung thân.
Thế nên hàng năm, cứ vào ngày 2/7 âm lịch, Diêm Vương sẽ cho mở Quỷ Môn Quan (cửa địa ngục) nhằm ân xá cho ma quỷ, vong hồn bao gồm cả tổ tiên đã qua đời. Đến 12 giờ đêm ngày 15/7 âm lịch, cửa địa ngục sẽ đóng lại, tất cả quỷ hồn đều phải quay lại địa ngục.
Sau khi được thả ra, quỷ hồn thường quấy phá, trêu chọc con người. Vì thế, theo quan niệm của người xưa, những việc lớn như lập gia đình, động thổ xây nhà, khai trương cửa hàng, mua sắm, đi du lịch, đi chơi đêm, bơi lội, nhổ lông chân… đều cần kiêng kỵ trong những ngày này. Nếu thực hiện sẽ không được hanh thông và gặp phải nhiều rủi ro. Do đó, để tránh phiền phức, xúi quẩy, đồng thời tạo thêm công đức, tục cúng cô hồn cũng xuất hiện từ đây.
Vì trọng tâm của ngày này là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nên mọi gia đình đều cúng hai mâm lễ: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng).
Trên mâm cúng tổ tiên, thông thường bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng giấy và cả những vật dụng bằng giấy có tính tượng trưng như đồ thật như quần áo, giày dép, nhà lầu, ngựa, các vật dụng trang sức… để cho người đã khuất có được một cuộc sống tiện nghi giống như người trên dương gian theo quan niệm “âm dương đồng nhất thể”, tức trần sao âm vậy.
Còn trên mâm cúng chúng sinh thường có quần áo giấy với nhiều màu sắc, tiền vàng giấy, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo bánh, cháo, ngô, khoai, cốc nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối (được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)…
Tuy nhiên, càng về sau này, tục đốt vàng mã bị lạm dụng, tâm lý càng cúng biếu nhiều càng thể hiện sự hiếu kính và nhận được nhiều công đức từ cõi âm khiến cho việc này đang gây ra rất nhiều lãng phí. Thậm chí ở nhiều nơi, việc cúng cô hồn còn biến tướng thành tục “cướp lễ”, “giật cô hồn” làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp nguyên bản của phong tục này.
Vu Lan, ngày lễ báo hiếu của Phật giáo
Trùng với dịp xá tội vong nhân, vào rằm tháng 7, Phật giáo sẽ tổ chức một ngày lễ, gọi là Vu Lan, viết tắt của Vu Lan Bồn, từ này trong tiếng Phạn nghĩa là Ô Lam Bà Noa, tức “giải đảo huyền” (cứu người bị treo ngược). Vu Lan Bồn còn có nghĩa là nơi đặt bách vị ngũ quả để ban cho tăng chúng, cũng là ân quang của Phật để giải thoát kiếp khổ cho ngạ quỷ (ma đói) bị treo ngược [dưới địa ngục]. Theo truyền thuyết, lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ.
Chuyện kể rằng, sau khi Mục Kiền Liên trở thành đệ tử của Phật Thích Ca và có được nhiều thần thông, vì thương nhớ mẹ, muốn biết bà sau khi chết ra sao, ông dùng “mắt thần” tìm kiếm bốn phương. Cuối cùng, Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ đang ở trong ngục A Tỳ, bị hành hạ khổ cực do khi còn sống từng gây nhiều tội lỗi. Thương xót mẹ, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để giúp bà khỏi bị cơn đói hành hạ. Tuy nhiên, do tội lỗi quá nặng nề, khi thức ăn Mục Kiền Liên vừa dâng lên mẹ, miệng chưa kịp ăn đã lập tức hoá thành lửa đỏ.
Mang theo sự băn khoăn trong lòng, Mục Kiền Liên trở về hỏi Đức Phật cách cứu mẹ. Đức Phật bảo rằng dù ông có tài giỏi đến mấy cũng không thể cứu được mẹ, chỉ có một cách là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Rồi ngài thuyết kinh Vu Lan, khuyên đến ngày rằm tháng Bảy, Mục Kiền Liên cùng mọi người sắm sửa cúng lễ thật thành tâm để trả nợ cho các vong hồn oan khuất thì sẽ cứu được mẹ. Ðức Phật còn bảo chúng sinh muốn báo hiếu với cha mẹ thì theo cách đó mà làm. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, cứu được mẹ và giải thoát được các vong hồn bị giam ở âm cung.
Video: Lời cầu cứu của 2 con quỷ đói!
Từ đó, vào ngày lễ Vu Lan, người ta thường được khuyến khích nên ăn chay, đến chùa thắp hương niệm Phật và nghe các vị trụ trì thuyết giảng, với mục đích muốn chúng sinh và những người đã khuất được yên nghỉ, còn người đang sống có sức khỏe để ở bên con cháu.
***
Như vậy, có thể thấy rằng tháng 7 mà dân gian thường quan niệm là “tháng cô hồn” kỳ thực là tháng “từ bi hỷ xả”, là tháng mang lại an bình, thịnh vượng. Đây là tháng mà các vị Thần với tấm lòng đại từ đại bi ban cho linh hồn cơ hội miễn xá và được giải thoát tội nghiệp.
Bởi thế mà nhà Phật khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, kiêng kỵ và né tránh là điều không nên. Chỉ cần mỗi chúng ta luôn sống tích đức, làm nhiều việc thiện, không phạm phải những điều xấu, hạn chế sát sinh… thì vận may sẽ đến, kiếp nạn cũng có thể được hóa giải.
Qua việc này chúng ta có thể thấy rằng, việc tế lễ không chỉ đơn thuần là một việc cầu cúng, mà nó thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất. Bản chất các lễ tiết này khuyên bảo con người sống hiếu thuận, biết nghĩ cho người khác, mang theo tấm lòng rộng mở, bao dung mà đối nhân xử thế. Đặc biệt là để con người thế gian hiểu rõ được thiên lý bất biến “thiện ác hữu báo”, có vay thì có trả, chỉ có không ngừng hành thiện, tích đức mới có thể thực sự cải biến được vận mệnh bản thân.
Viên Luân (t/h)