Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt ngày 5/9. Mục tiêu là giúp học sinh, sinh viên có ý thức bảo vệ và tôn trọng các quyền của bản thân cũng như người khác.
Theo đề án, giai đoạn 2017-2020 ba tỉnh thành đại diện cho ba miền (dự kiến hai trường mỗi cấp học mầm non và phổ thông) sẽ tổ chức thí điểm. Khối đại học và dạy nghề sẽ tổ chức dạy thí điểm theo khối trường cùng nhóm ngành đào tạo (dự kiến ba trường mỗi khối trường).
Mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức dạy quyền con người cho người học. Trẻ em mẫu giáo sẽ được học về những yếu tố cơ bản về quyền, bổn phận của bản thân và của người khác. Học sinh tiểu học sẽ học về các nguyên tắc, giá trị về quyền con người như bình đẳng, khoan dung, tôn trọng sự khác biệt và các quyền con người của trẻ em đã được pháp luật quốc tế và Việt Nam quy định.
Học sinh THCS học nguyên tắc, giá trị về quyền con người ở mức cao hơn so với học sinh tiểu học. Với học sinh THPT, nội dung giáo dục là các nguyên tắc, giá trị về quyền con người, quyền công dân ở mức cao hơn so với bậc THCS; các cơ chế chủ yếu bảo vệ quyền con người…
Với giáo dục nghề nghiệp, nội dung giáo dục gồm các cơ chế bảo vệ quyền con người; kỹ năng ứng dụng quyền con người trong hoạt động nghề nghiệp; giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động.
Sinh viên đại học sẽ được học nguồn gốc, bản chất và tính chất của quyền con người, quyền công dân; nội hàm của các quyền con người được quy định trong công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và công ước quốc tế khác; các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013 và luật chuyên ngành; bảo vệ, bảo đảm quyền của các nhóm dễ tổn thương trong xã hội…
Theo VNE