Quy tắc mở cửa sổ “5 nên 4 tránh” bạn cần biết để không gây hại cho sức khỏe
Thường xuyên mở cửa sổ sẽ giúp thông gió, đón không khí tự nhiên, hữu ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc mở cửa sổ cũng có điều kiêng kỵ, nếu như không chú ý, ngược lại có thể sẽ gây hại cho cơ thể. Dưới đây là quy tắc “5 nên 4 tránh” bạn nên biết để bảo vệ gia đình.
5 thời điểm nên mở cửa sổ
1. Sau khi thức dậy
Sau một đêm hô hấp, hàm lượng oxy trong không khí tại phòng ngủ xuống thấp, hơn nữa khi dọn dẹp giường chiếu, các vật chất nhỏ như mạt bụi nhà, da chết… sẽ bay lên không trung. Vì vậy, sau khi thức dậy vào buổi sáng, lúc nắng lên, nhiệt độ hơi tăng thì mở cửa sổ, đón không khí tự nhiên.
2. Khi quét dọn
Khi quét dọn phòng, vật chất ô nhiễm dày đặc trong không khí, lượng lớn vi khuẩn, mạt bụi nhà, da chết đều bay lơ lửng trên không trung.
Lúc này nhất thiết phải mở cửa sổ thông gió, nếu cần thiết thì nên đeo khẩu trang, để tránh hít vào các vật chất ô nhiễm cực nhỏ.
3. Sau khi tắm
Sau khi tắm rửa, trong phòng tắm sẽ tích tụ hơi nước, độ ẩm rất lớn, dễ dàng sinh sôi nấm mốc, nhất định phải kịp thời thông gió cho khô ráo, mở cửa chính và cửa sổ, loại bỏ ẩm ướt, hoặc mở quạt thông gió trong nhà tắm.
4. Lúc nấu ăn
Lúc nấu ăn sẽ sinh ra rất nhiều khói dầu, có tính kích thích mạnh mẽ với mũi, mắt, niêm mạc họng, có thể dẫn đến các loại bệnh về đường hô hấp.
Do đó, lúc nấu ăn mọi người nên mở cửa sổ, để đối lưu không khí, sau khi nấu xong không nên đóng cửa sổ liền, để mở thêm ít nhất 10 phút. Nếu như phòng bếp nhà bạn không có cửa sổ thì có thể sử dụng máy hút khói bếp.
5. Trước khi ngủ
Trước khi đi ngủ nên mở cửa sổ cho thông gió, có thể giúp gia tăng hàm lượng oxy trong phòng, có lợi cho giấc ngủ. Đề nghị mở cửa sổ 15 phút trước khi ngủ 30 phút.
4 thời điểm tránh mở cửa sổ
1. Ngày nhiều sương mù
Sương mù, khói bụi… nặng hơn hạt vật chất ô nhiễm, nên đóng tất cả cửa trong nhà để giảm sự ảnh hưởng không khí ô nhiễm với chất lượng không khí trong phòng. Lúc này, có thể sử dụng máy lọc không khí, máy tạo ẩm để cải thiện hoàn cảnh trong phòng.
2. Khi trời đổ mưa nhỏ
Khi trời đổ mưa nhỏ, sức gió nhỏ, không tốt cho việc pha loãng và khuếch tán vật chất ô nhiễm, mưa sẽ làm ướt các hạt vật chất ô nhiễm trôi nổi trong khí quyển, khiến chúng nặng hơn và hạ xuống thấp, tăng thêm mức độ ô nhiễm không khí, lúc này tốt nhất không nên mở cửa sổ.
Đợi đến lúc sau cơn mưa trời lại sáng, không khí bên ngoài dần dần trở nên tươi mát, và oxy trong không khí bắt đầu tăng nhiều, lúc này mở cửa sổ thông gió, thay đổi không khí trong phòng sẽ có hiệu quả tốt hơn.
3. Lúc nổi gió
Vào ngày nổi gió rất dễ dàng hất bụi, làm vật chất ô nhiễm trong không khí khuếch tán khắp nơi, lúc này tốt nhất không mở cửa sổ, đợi đến lúc gió nhẹ có thể mở hé cửa sổ một chút. Nhưng lúc gió mạnh, tốt nhất đóng các cửa lại.
4. Vào giờ cao điểm
Đây là thời điểm khói thải xe cộ nhiều nhất trong ngày. Nó và sự ô nhiễm công nghiệp đều khiến chất lượng không khí giảm mạnh. Đặc biệt là những nhà ở gần đường cái, không khí càng thêm vẩn đục. Do đó, tốt nhất không nên mở cửa sổ vào giờ cao điểm.
Tú Văn biên dịch