“Kẻ bất hiếu thì mắt to mắt nhỏ, kẻ dâm dục thì mặt nổi mụn nhọt, kẻ trơ trẽn thì mặt trơ trán bóng… Nhìn mặt mà biết người, nhìn cảnh vật mà biết đời”, cái gì sinh ra cũng có duyên cớ của nó, đó là quan điểm của tác giả.
Là một người lớn lên ở Đà Lạt và yêu mến mảnh đất này, đối với vấn đề khu Quỷ Núi mà dư luận gần đây quan tâm, cảm nghĩ của tôi đối với công trình này – dùng một cách nói ví von thì nó như là ung bướu của nàng thơ vậy.
Nhiều năm qua tôi đã chứng kiến sự thay đổi của thành phố này, cũng chứng kiến sự thay đổi của con người nơi đây. Tôi hiểu rằng vẻ đẹp của Đà Lạt đến từ sự hài hòa của tạo hóa, mọi thứ sinh ra lớn lên triển hiện ra cái dáng vẻ riêng của nó mà không xung đột lẫn nhau. Từ cành hoa đến hương thơm, từ lá kim đến tiếng thông reo, từ con người cho đến bản ca trữ tình và những công trình, vạn sự vạn vật nhờ linh khí dưỡng dục mà đẹp. Mà linh khí ấy lại đến từ con người tu dưỡng tâm hồn mà sinh ra, bởi con người là anh linh của vạn vật. Con người ngược lại, nhờ giao hòa với thiên nhiên mà tâm hồn được sửa sang, ấy là cái hoàn mỹ kín kẽ của Đạo vậy.
Cái gì bất biến thì quý, mà thường biến thì dở, nên người ta chuộng vàng vì nó khó hoen gỉ là thế. Cái gì hài hòa thì đẹp, cái gì xung đột là xấu. Đọc một bài văn, từng ý từng đoạn đều cân bằng, liên đới khiến cho cái tổng thể được hài hòa; dùng từ gọn ghẽ, hàm nghĩa không chồng lấn nhưng lại biết cách phối hợp sẽ khiến câu văn sinh động, tường minh; các chữ trong từ cũng thế, khác mà lại có thể ghép lại tạo nên sắc thái riêng, chính như người quân tử hòa nhi bất đồng vậy.
Ngày nay, nhiều kẻ nổi loạn thích cái dị thường, nên cái dị thường mới có đất sống. Nhưng cái tâm nổi loạn ấy lại là vì con người không biết thủ thường. Mà cái thường hằng ấy lại là bản tính con người. Bản tính con người là yêu cái đẹp, là thích cái thiện, là trung chính bình hòa.
Kẻ bất hiếu thì mắt to mắt nhỏ, kẻ dâm dục thì mặt nổi mụn nhọt, kẻ trơ trẽn thì mặt trơ trán bóng… Nhìn mặt mà biết người, nhìn cảnh vật mà biết đời. Tuy không tuyệt đối, nhưng đại thể khó sai.
Tôi nhìn vào sự phát triển của Đà Lạt mà biết rằng người và vật đã đến chỗ xung đột, thậm chí đối đầu. Nên mấy năm nay mới có chuyện lụt lội, mưa đá cũng nhiều hơn. Ngồi quán cà phê nghe nhạc, tinh tế có thể thấy được con người thay đổi như thế nào. Có phần nặng tình hơn và nổi loạn hơn.
Quỷ Núi là biểu hiện cho cái ác cực điểm của con người. Một bức tượng được đúc ra, có thể nhìn thấy cái thú vật trong người tạo nên nó. Các bạn Kitô hữu có cách nói rất hay, hai chữ ‘con người’ được ghép nên bởi phần ‘con’ và phần ‘người’. Cái phần ‘con’ ấy là thú vật, là hung dữ – nổi loạn – trơ trẽn.
Như đã nói, tâm con người ảnh hưởng đến vật, mà vật sẽ lại sửa sang lại con người. Trong xã hội có kẻ tốt, kẻ xấu khác nhau. Nhưng khi kẻ xấu lại có tiền, có quyền, thì cái ác tâm của họ gieo vào những công trình, những tác phẩm ấy lại ảnh hưởng đến cái thiện của người khác. Người ta quen mắt với những thứ tam lưu ấy rồi thì chẳng còn biết cái đẹp thật sự là như thế nào. Khi quan niệm về cái đẹp lệch lạc, người ta sẽ không thể bình hòa được cái tâm, do đó tạo nên xung đột. Chẳng phải chuyện đánh người cũng là vì cái lẽ đó sao?
Nói cao hơn một chút rằng không có gì là tự nhiên cả. Cái ác lên ngôi, chiếm thế cũng có cái nhân tố đằng sau nó. Đà Lạt tuy đẹp, nhưng cái đẹp ấy không phải rất chính. Ngay từ thuở mới xây dựng lên cũng đã không có cái thế đường hoàng đại khí nên không đi ra bậc đại đức được, cũng không lâu dài được. Lại là nằm giữa chỗ rừng thiêng nước độc, lam chướng nhiều, mà phong tục tập quán người bản địa cũng không sạch sẽ, lắm tiểu Đạo, tiểu thuật nên dung dưỡng ra nhiều âm vật. Tôi trộm nghĩ mấy bức tượng kia là biểu hiện của chúng chăng?
Thôi thì những chuyện ấy chắc chỉ ông Trời mới tỏ tường cho nổi. Chỉ là tiếc nuối cái đẹp xưa mà viết ra mấy lời than thở, mong sao có người nhờ đó mà thông suốt được thì đã là đáng công rồi.
Từ Thức