Tinh Hoa

Quốc tế chỉ trích kết quả bầu cử Belarus gian lận, đương kim Tổng thống mất lòng dân

Giữa bối cảnh hỗn loạn do kết quả bầu cử ở Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko đã lên tiếng cáo buộc phe đối lập cố gắng dàn xếp cuộc đảo chính để lật đổ ông.

Sau khi Lukashenko tái đắc cử, quốc tế chỉ trích kết quả bầu cử Belarus là có gian lận. (Ảnh: Twitter)

Phát biểu về việc phe đối lập thành lập một hội đồng nhằm tổ chức công tác chuyển giao quyền lực, ông cho hay: “Chúng tôi coi đây chắc chắn là động thái đảo chính”. 

Về Phe đối lập, họ cho rằng kết quả của cuộc bầu cử công bố ngày 9/8 vừa qua có sự sai lệch, khi ông Lukashenko tái đắc cử với chiến thắng áp đảo 80% số phiếu bầu. 

Những người biểu tình cáo buộc đã xảy ra gian lận lớn về số phiếu bầu, và khẳng định người chiến thắng nên phải là ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovskaya. Theo kết quả chính thức, bà Tikhanovskaya chỉ dành được khoảng 10% tổng số phiếu bầu. 

Không có giám sát viên bầu cử độc lập trong suốt quá trình bầu cử

Hàng trăm người biểu tình đã bị thương, và 2 người đã thiệt mạng khi đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình hậu bầu cử. Hàng nghìn người đã bị bắt giữ, nhiều người cho biết, họ đã bị lực lượng an ninh tra tấn bạo lực.

Bà Tikhanovskaya đã bay sang nước láng giềng Lithuania do bị truy bắt sau khi công bố kết quả bầu cử. 

Ông Lukashenko đã cai trị Belarus kể từ năm 1994. Vị Tổng thống khẳng định ông đã chiến thắng thuyết phục và từ chối tổ chức một cuộc bầu cử khác.

Cuộc biểu tình lớn nhất tại Belarus kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1990. (Ảnh: Reuters)

Động thái từ phía ông Lukashenko 

Ngày 18/8, ông Lukashenko đã đe dọa sẽ giải quyết 35 cán bộ được bà Tikhanovskaya bổ nhiệm vào hội đồng điều phối của phe đối lập, và khẳng định rằng ông có cách để “xử lý những những kẻ nóng nảy này”. Nhóm các cán bộ trên bao gồm giới nghệ sĩ, nhà văn và doanh nhân. 

Trong một cuộc họp được phát sóng truyền hình, vị Tổng thống cho biết mục tiêu của nhóm cán bộ này rất rõ ràng: “Họ không muốn gì khác ngoài việc chuyển giao quyền lực. Chúng tôi khẳng định dứt khoát là vậy. Đây là động cơ nhằm đảo chính, dù có phải gánh bất kỳ hậu quả nào”. 

Cùng ngày 18/8, vị Tổng thống đã trao huân chương lao động “vì những đóng góp hoàn hảo” cho các quan chức an ninh, khi họ đã hỗ trợ ông giải quyết người biểu tình. 

Cuối tuần qua, hơn 100.000 người dân đã tập trung tại thủ đô Minsk để bày tỏ sự phản đối quyền cai trị của ông Lukashenko. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất được tổ chức tại Belarus, kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô năm 1990. 

Hành động đình công cũng đang diễn ra tại quốc gia, nhằm tạo sức ép lên ông Lukashenko. Nhiều nhân viên cán bộ tại đài truyền hình quốc gia, và các nhà máy trọng điểm cũng như các công nhân bưu điện hiện đã đều tham gia vào cuộc đình công. 

Ngày 17/8, trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất máy nông nghiệp, ông Lukashenko lên tiếng biện minh cho cuộc bầu cử gây tranh cãi khi phát biểu với các công nhân rằng: “Chúng ta đã tổ chức bầu cử, và sẽ không có cuộc bầu cử nào khác”.

Trong lúc phát biểu, vị Tổng thống đã hứng chịu nhiều lời chê bai, và các công nhân liên tục hô to “xuống đi”.

Những sự việc xảy ra vào ngày 18/8

Svetlana Tikhanovskaya – đối thủ của Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống. (Ảnh: Wiki)

Hàng trăm người biểu tình phe đối lập đã tập trung bên ngoài một nhà tù tại thủ đô Minsk, để mừng sinh nhật của chồng bà Tikhanovskaya – đối thủ của Lukashenko trong cuộc bầu cử, hiện ông đang bị giam giữ trong tù. 

Ông Sergei Tikhanovsky vừa tròn 42 tuổi. Trước thềm cuộc bầu cử ngày 9/8, ông đã bị bắt giam cùng với nhiều đối thủ khác của Tổng thống Lukashenkovì vì bị cáo buộc có hành vi kích động bạo lực.

Nhiều người biểu tình mang theo bóng bay màu đỏ trắng – màu sắc của phe đối lập. Một số người còn hô vang “chúc mừng sinh nhật Sergei”, và hát một bài hát mang nội dung nhà tù sẽ bị sập đổ. 

Bà Tikhanovskaya khẳng định, chồng mình phải đón sinh nhật trong tù vì “một tội danh mà ông không hề phạm phải”. 

Trong một đoạn video chia sẻ, bà nói: “Toàn bộ những sự bất công và vô luật pháp trắng trợn này cho thấy, hệ thống nhà nước đang trở nên thối nát, khi chỉ một cá nhân nắm quyền cho tất cả mọi thứ, một cá nhân đã làm cả nước sống trong lo sợ suốt 26 năm, một cá nhân đã tước đoạt đi những chọn lựa của người dân Belarus”. 

Bà khẳng định, nếu số phiếu bầu được kiểm đếm chính xác thì bà đã giành được chiến thắng với số phiếu áp đảo. 

Bà khẳng định, nếu số phiếu bầu được kiểm đếm chính xác thì bà đã giành được chiến thắng với số phiếu áp đảo. (Ảnh: BBC)

Phản ứng từ quốc tế

Ông Lukashenko luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quốc gia láng giềng Nga, và ông ấy đã kiếm tìm đến nhờ sự giúp đỡ từ chính quyền Moscow. Ông cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã cam kết sẽ hỗ trợ, trong trường hợp có bất kỳ mối đe dọa quân sự nào tác động từ bên ngoài.

Ngày 18/8, ông Putin đã có cuộc điện đàm với cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Cả hai quan chức đều khẳng định: Chính phủ Belarus cần tiến hành đàm phán với phe đối lập. Các quan chức Nga cho biết, ông Putin nhận định việc can thiệp từ bên ngoài sẽ chỉ làm khủng hoảng thêm leo thang.

Ngày 19/8, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến khẩn cấp. Các ngoại trưởng trong khối EU đã nhất trí từ tuần trước rằng, sẽ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức Belarus chịu trách nhiệm cho hành vi “bạo lực, đàn áp và làm sai lệch kết quả bầu cử”.

Ngày 17/8, chính quyền Anh cho biết họ không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử “gian lận”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định: Chính quyền của ông đang theo dõi chặt chẽ “tình hình khủng khiếp” diễn ra ở Belarus.

Việt Anh (Theo BBC)