Tinh Hoa

Quốc hội quyết liệt bảo vệ quyền con người

TT – Những nguyên tắc tiến bộ, bảo vệ quyền con người trong dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) đã được đa số đại biểu Quốc hội bảo vệ và xem đó là cơ hội để bảo vệ những quyền con người mà thế giới đã áp dụng từ lâu.

“Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu dân sự” – vấn đề được quy định tại điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được cả 47 đại biểu tham gia thảo luận phân tích, với đa số ý kiến ủng hộ tại hội trường Quốc hội ngày 15-6.

Nhưng đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) nói rằng trong khi Quốc hội đang thảo luận nên hay không nên thì ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc đã có quy định tòa án không được từ chối vụ việc của dân, tại điều 5 Dân luật Bắc kỳ và điều 4 Dân luật cho Nam Kỳ.

“Còn Bộ luật dân sự của Pháp thì đã quy định điều này từ năm 1803 và đến nay vẫn có hiệu lực” – đại biểu Nguyễn Thúy Anh cung cấp thông tin.

Trung tướng Trần Văn Độ. ẢNh: Việt Dũng

Trung tướng Trần Văn Độ – Ảnh: Việt Dũng
Tòa án nhân danh Nhà nước không bảo vệ dân thì ai bảo vệ? Đây là cơ hội vô cùng quý báu để thực hiện Hiến pháp 2013, cải cách tư pháp
Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ

Không thể từ chối việc của dân

Một trong nhiều đại biểu ủng hộ quy định này, trung tướng Trần Văn Độ – nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa án quân sự trung ương – lý giải rất đơn giản: “Tôi đồng ý vì Nhà nước ta do dân vì dân, tòa án nhân danh Nhà nước không bảo vệ dân thì ai bảo vệ? Đây là cơ hội vô cùng quý báu để thực hiện Hiến pháp 2013, thực hiện cải cách tư pháp. Nếu chúng ta không nắm bắt được những điểm đổi mới, những tư tưởng tiến bộ thì sẽ rất lâu nữa mới làm được”.

Đồng ý với trung tướng Trần Văn Độ, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích: “Tòa là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Dân khiếu kiện đến tòa là tôi đòi hỏi công lý, bây giờ tòa lại từ chối tôi thì không công bằng. Nhiệm vụ của tòa là bảo vệ công lý, mà tôi kiện đòi công lý tòa lại từ chối là không được”.

Phân tích tính logic về pháp lý, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng quy định này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013 – nêu rõ pháp luật phải bảo vệ quyền con người, đồng thời không hề vi phạm nguyên tắc tòa án phải xét xử độc lập trong Hiến pháp.

Ông Hồng cho rằng nếu Quốc hội đồng ý thông qua điều khoản này trong Bộ luật tố tụng dân sự thì Bộ luật dân sự sẽ cho phép những trường hợp tòa thụ lý mà luật chưa có quy định được áp dụng án lệ.

“Chúng ta không thể từ chối việc của dân. Chưa có điều luật quy định thì đó là lỗi của Nhà nước, chứ không phải lỗi của dân” – đại biểu Hồng nói.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều. Đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên – Huế) nói: “Tôi phản đối vì chưa đủ sức thuyết phục. Ai lường được rồi đây người ta lợi dụng đưa ra tòa những vụ thượng vàng hạ cám. Khởi kiện liên quan đến quyền con người, khởi kiện tổ chức về nhân quyền về tôn giáo… Có xử được không nếu không có luật?

Sau khi cân nhắc tôi xin phép đứng về không đồng tình” – đại biểu Nhã nói. Tương tự, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng đã xét xử thì phải có luật.

“Án sửa, án oan sai gây nhức nhối, quy định như vậy có khác nào cho phép tòa án xử kể cả khi không có luật. Không thể đưa những cái chưa có thực tiễn ở Việt Nam mà gọi đó là đổi mới được. Tôi tán đồng ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là phải bỏ điều khoản này” – bà Khánh đề nghị.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình sau khi nghe đầy đủ các ý kiến đã kết luận: “Cơ sở đặt ra vấn đề này là từ nhà nước pháp quyền do dân vì dân. Việc gì mà dân yêu cầu chính đáng thì phải được giải quyết, chưa có luật thì lỗi của Nhà nước chứ không phải của dân”.

Ông Bình cho rằng Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế các quyền chính trị, dân sự… có quy định quyền và lợi ích hợp pháp của dân mà luật chưa quy định thì nay phải có biện pháp khắc phục. “Đó là sự tiến bộ” – ông Bình khẳng định.

Ông Trương Hòa Bình – Ảnh: TTXVN

Ông Trương Hòa Bình – Ảnh: TTXVN
Việc gì mà dân yêu cầu chính đáng thì phải được giải quyết, chưa có luật thì lỗi của Nhà nước chứ không phải của dân
Ông TRƯƠNG HÒA BÌNH

Án lệ: tiến bộ nhưng cũng có từ rất lâu

Là người phát biểu sau cùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói ông cảm ơn đại biểu Nguyễn Thúy Anh vì đã cung cấp thông tin về lịch sử lập pháp liên quan đến quyền con người.

Và ông cũng muốn cung cấp một thông tin tương tự: việc áp dụng án lệ có từ lâu, không phải bên Tây mà ở ngay nước ta từ những năm 1950 – 1960 cả dân sự và hình sự đều có những quy định bắt buộc tòa án cấp dưới phải tuân theo án lệ của tòa án tối cao.

Về sự cần thiết của án lệ, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đánh giá án lệ, tập tục chưa được quy định nhiều trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhưng bắt buộc phải làm quen với án lệ vì án lệ là nguồn gốc của pháp luật, nếu từ chối thì pháp luật không thể phát triển được.

Đại biểu Vi Thị Hương (Điện Biên) cho rằng lúc này là thời cơ không thể tốt hơn để đưa án lệ vào thực tiễn xét xử khi mà Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến với cả ba dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Tuy nhiên, đại biểu Hương đề nghị cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì, thẩm tra của mỗi dự án luật để có sự thống nhất trong nội dung. Phải quy định rõ trong các dự án, dự thảo Luật tố tụng về việc giao cho Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện trở thành án lệ, trình tự thủ tục công nhận án lệ.

Đúc kết vấn đề án lệ, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cũng đánh giá án lệ phải là những bản án chuẩn mực mà tòa án các cấp nghiên cứu áp dụng. Ông Bình chia sẻ sự phân vân của các đại biểu về việc chưa có nguồn án lệ và quy trình án lệ, và cho biết sắp tới hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ được cung cấp đầy đủ nguồn án lệ.

“Chúng tôi cho rà soát lại giám đốc thẩm, từ xưa đến nay, những bản án chuẩn mực để trở thành án lệ. Chánh án TAND tối cao sẽ ban hành thông tư để phát triển án lệ. Có hội đồng xét sơ bộ để khi thấy rằng có những yếu tố chuẩn mực thì sẽ công bố trên các tạp chí. Khi công luận đồng ý sẽ có hội đồng thẩm định thì đưa ra TAND tối cao đánh giá” – ông Bình cho biết.

Không thể để hủy án tràn lan

Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng việc giám đốc thẩm và kháng nghị bản án hiện đang rất tràn lan. Điều này không phải do tòa án hay viện kiểm sát gây ra mà do pháp luật quy định quá rộng.

“Tôi đề nghị căn cứ kháng nghị phúc thẩm chỉ khi có vi phạm tố tụng nghiêm trọng, sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật thì lúc đó mới giám đốc thẩm” – trung tướng Trần Văn Độ nói.

Chia sẻ với trung tướng tướng Trần Văn Độ, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh – phó chánh án TAND TP.HCM – nói: “Hiện nay nhiều khi vụ án xử đi xử lại bản chất không thay đổi nhưng đương sự vẫn nại ra thêm lý do để yêu cầu giám đốc thẩm. Nhất là những vụ kiện dân sự liên quan đến cho thuê nhà, đòi nợ. Kéo được ngày nào lợi ngày đó…”.

Ông Ánh đề nghị phải có hội thảo hoặc chuyên đề khoa học về vấn đề kháng nghị, còn dự thảo của Bộ luật dân sự (sửa đổi) như hiện nay thì vẫn chưa khắc phục được vấn đề hủy án.

Đáp lại đề nghị này, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đồng ý việc luật đưa ra những căn cứ rất rộng nên người dân cứ kháng nghị tràn lan, trong thời gian tới sẽ có những điều chỉnh thích hợp.

Ngày 22-6, Quốc hội biểu quyết về điều 60 Luật bảo hiểm xã hội

Ông Bùi Sĩ Lợi – phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – thông tin như vậy. Ông Lợi cho biết có trên 99% đại biểu Quốc hội đồng ý ra nghị quyết ngay trong kỳ họp này theo đúng tinh thần để người lao động lựa chọn nhận hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần sau một năm nghỉ việc.

Dự kiến chiều 22-6, đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút để thông qua việc ra nghị quyết về điều 60 của Luật BHXH năm 2014. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực đến năm 2020. Sau đó sẽ có tổng kết, đánh giá và lúc đó mới quyết định sửa hay không sửa điều 60.

Trước đó, sau phiên thảo luận ngày 27-5 về điều 60 Luật BHXH, có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ sửa điều khoản này. Do đó Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đề nghị phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu.

Quốc hội đã phát và thu về 470 phiếu hợp lệ, trong đó 411 phiếu đồng ý (87,45%) cho phép người lao động được nhận BHXH một lần (cho phép tiếp tục thực hiện điểm c, khoản 1, điều 55 của Luật BHXH 2006), có 48 phiếu không đồng ý (10,21%) và 11 phiếu có ý kiến khác (2,34%).

Từ kết quả này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội chủ trì, phối hợp với bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội… hoàn thiện dự thảo nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc.

VIỄN SỰ – LÊ KIÊN

VIỄN SỰ

Theo Tuổi Trẻ