Đã đến lúc cần phải có Luật Thuỷ điện để ngăn chặn nhóm lợi ích đua nhau nhà nhà làm thuỷ điện.
Nhà máy thuỷ điện đầu tiên trên thế giới là tại Anh năm 1870. Nhưng Anh nơi có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới không hề là cường quốc thuỷ điện. Trong 73 thuỷ điện lớn có công suất hơn 2000 MW trên thế giới thì Trung Quốc chiếm 21 nhà máy với tổng công suất 105.000 MW và sắp hoàn thành thêm ba nhà máy khổng lồ nữa.
Theo nhận định của các chuyên gia KT nước nào đang tập trung năng lượng thuỷ điện thì nước đó đang phát triển nóng. Phát triển nóng là ưu tiên cho phát triển và lợi nhuận bất chấp tác động của môi trường thiên nhiên.
Trước hết phải thấy tác dụng của thuỷ điện: đó là nguồn năng lượng tái tạo, rẻ và tạo nguồn nước tập trung để có thể điều tiết phục vụ nông nghiệp, dân sinh. Chính vì vậy thuỷ điện chiếm 20% lượng điện của thế giới. Na Uy sản xuất toàn bộ lượng điện của mình bằng sức nước, trong khi Iceland sản xuất tới 83% nhu cầu của họ (2004), Áo sản xuất 67% số điện quốc gia bằng sức nước (hơn 70% nhu cầu của họ). Canada là nước sản xuất điện từ năng lượng nước lớn nhất thế giới và lượng điện này chiếm hơn 70% tổng lượng sản xuất của họ.
Tuy vậy không phải con sông nào cũng làm thuỷ điện được, không phải vùng địa chất nào cũng làm hồ chứa nước khổng lồ để làm đập thuỷ điện khổng lồ được, không phải vùng rừng nào cũng có thể xâm hại để làm thuỷ điện được, không phải vùng khí hậu quanh năm có lượng mưa lớn cùng lũ tự nhiên có thể làm thuỷ điện được, cũng không thể có mật độ thuỷ điện dày đặc được.
Đó là chưa kể không được làm thuỷ điện chặn dòng nước tự nhiên của thác, thiên nhiên- cảnh quan thiên nhiên. Đó là chưa kể tác động của thuỷ điện đến môi trường động thực vật và chất lượng nước thải, sinh thái dòng chảy, sinh thái đôi bờ dòng chảy mà các nhà đầu tư phải tính đến khi làm thuỷ điện.
Các chuyên gia môi trường đã cảnh báo:
“Các dự án nhà máy thủy điện lớn có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái xung quanh. Trên thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy rằng các đập nước dọc theo bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Bắc Mỹ đã làm giảm lượng cá hồi vì chúng ngăn cản đường bơi ngược dòng của cá hồi để đẻ trứng, thậm chí ngay khi đa số các đập đó đã lắp đặt thang lên cho cá. Cá hồi non cũng bị ngăn cản khi chúng bơi ra biển bởi vì chúng phải chui qua các turbine. Điều này dẫn tới việc một số vùng phải chuyển cá hồi con xuôi dòng ở một số khoảng thời gian trong năm. Các thiết kế turbine và các nhà máy thủy điện có lợi cho sự cân bằng sinh thái vẫn còn đang được nghiên cứu.
Sự phát điện của nhà máy điện cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường của dòng sông bên dưới. Thứ nhất, nước sau khi ra khỏi turbine thường chứa rất ít cặn lơ lửng, có thể gây ra tình trạng xối sạch lòng sông và làm sạt lở bờ sông. Thứ hai, vì các turbine thường mở không liên tục, có thể quan sát thấy sự thay đổi nhanh chóng và bất thường của dòng chảy. Tại Grand Canyon, sự biến đổi dòng chảy theo chu kỳ của nó bị cho là nguyên nhân gây nên tình trạng xói mòn cồn cát ngầm. Lượng oxy hoà tan trong nước có thể thay đổi so với trước đó. Cuối cùng, nước chảy ra từ turbine lạnh hơn nước trước khi chảy vào đập, điều này có thể làm thay đổi số lượng cân bằng của hệ động vật, gồm cả việc gây hại tới một số loài. Các hồ chứa của các nhà máy thủy điện ở các vùng nhiệt đới có thể sản sinh ra một lượng lớn khí methane và carbon dioxit. Điều này bởi vì các xác thực vật mới bị lũ quét và các vùng tái bị lũ bị tràn ngập nước, mục nát trong một môi trường kỵ khí và tạo thành methane, một khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh. Methane bay vào khí quyển khí nước được xả từ đập để làm quay turbine.”
Các chuyên gia xã hội học cảnh báo:
“Một cái hại nữa của các đập thủy điện là việc tái định cư dân chúng sống trong vùng hồ chứa. Trong nhiều trường hợp không một khoản bồi thường nào có thể bù đắp được sự gắn bó của họ về tổ tiên và văn hoá gắn liền với địa điểm đó vì chúng có giá trị tinh thần đối với họ. Hơn nữa, về mặt lịch sử và văn hoá các địa điểm quan trọng có thể bị biến mất, như dự án Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc, đập Clyde ở New Zealand và đập Ilisu ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.”
Ở VN thì thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La là điển hình của việc biến động di dân trong lòng hồ kéo theo bao tác động văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh, lối sống của gần triệu bà con các dân tộc thiểu số. Một số thủy điện đổi dòng, như thủy điện An Khê – Kanak đổi dòng sông Ba gây thảm họa khô hạn cho vùng hạ lưu và đang là đề tài tranh cãi về tác động của thuỷ điện.
Vừa qua trên diễn đàn QH cũng như trên báo chí và không gian mạng đã nổi lên gay gắt những cuộc tranh luận về thuỷ điện. Có nhiều ý kiến cho rằng việc cho làm thuỷ điện tràn lan dẫn đến phá rừng, xả lũ tạo nên lở núi gây bao tổn hại cho người dân. Có ý kiến ngược lại thuỷ điện và xả lũ không phải nguyên nhân tạo lũ quét, lở đất, phá rừng. Ts. Nguyễn Ngọc Chu một nhà phản biện kinh tế xã hội rất nổi tiếng đề cập đến thuỷ điện:
“Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 385 công trình thuỷ điện đang vận hành trong tổng số 818 dự án được phê duyệt. Trong các dự án phá rừng, thì thuỷ điện là “một con thú dữ”. Bởi khác với các dự án khác, thuỷ điện không những phá rừng, mà còn đắp đập ngăn nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, thì các hồ thuỷ điện lưu giữ khoảng 56 tỷ m3 nước – chiếm khoảng 86% tổng dung tích các hồ chứa nước trong cả nước. Các hồ chứa nước của thuỷ điện cắt được lũ trong mùa mưa nhỏ, nhưng tạo nên lũ lớn hơn vào mùa mưa lũ lớn. Các hồ chứa nước của thuỷ điện ngăn cản sự tuần hoàn tự nhiên của nước, làm mất sự cân bằng sự phân phối nước trên bề mặt và dưới lòng đất, từ đó dẫn đến sự biến đổi toàn bộ hệ thống sinh thái.
Ở mặt khác, các hồ chứa nước của thuỷ điện còn tiềm ẩn nguy hiểm làm nứt vỡ các mạch địa chất, dẫn đến động đất. Hồ chứa nước thuỷ điện Hoà Bình lớn đến 9,45 tỷ m3 cùng với hồ chứa nước thuỷ điện Sơn La dung tích 9,26 tỷ m3 là những bể nước khổng lồ có khả năng làm nứt vỡ các mạch địa chất. Hà Nội và vùng Tây Bắc sẽ đợi chờ nhiều động đất hơn trong tương lai. Sự nguy hiểm của thuỷ điện lớn đến mức ở nhiều nước đã hạn chế thuỷ điện, và phá bỏ dần các công trình thuỷ điện đang vận hành.”
Tranh luận lại ts Nguyễn Ngọc Chu về vấn đề tác động của xả lũ tạo ra lũ chồng lũ cộng hưởng với lũ, PGS Vũ Thành Ca cho rằng:
“Cộng hưởng là từ nói về sóng, hay chuyển động thế và xảy ra khi hai sóng có chu kỳ gần nhau tương tác với nhau hoặc sóng truyền vào một thủy vực riêng có chu kỳ gần với chu kỳ sóng. Hậu quả của cộng hưởng là biên độ sóng tăng lên. Lũ là dòng chảy rối, không phải là sóng nên không có “cộng hưởng” ở đây. Thực tế là khi có lũ thủy điện chỉ xả ít hơn hoặc nhiều nhất là bằng lưu lượng đến (vì xả nhiều hơn cũng không làm tăng mức an toàn của hồ chứa) mà lại có nguy cơ đền bù, vướng vòng lao lý.
Khi thủy điện xả lũ thì động năng dòng nước rất lớn, nhưng thủy điện có bể tiêu năng nên hầu như năng lượng xả lũ bị tiêu tán ở đây. Phần năng lượng còn lại bị tiêu tán rất nhanh do quá trình phân rã năng lượng rối (turbulent energy cascade) nên dòng chảy nhanh chóng trở về trạng thái tự nhiên, xác định bằng các phương trình thủy lực mà không ảnh hưởng gì đến hạ du.”
Qua tranh luận này một bên là nhà chuyên môn cắt nghĩa theo lý thuyết chuyên môn và một bên từ thực tiễn rõ rệt khi lũ toàn cục nhiều vùng hạ lưu của thuỷ điện đã phải hứng chịu thêm nguồn nước mạnh, xiết của khối lượng nước xả cứu đập thuỷ điện của thuỷ điện. Sự thật này dưới tên khoa học là gì người dân không cần biết nhưng tổn hại của họ thì không thể tính hết được.
Cũng tranh luận lại với ts Nguyễn Ngọc Chu, ts Tô Văn Trường chuyên gia thuỷ lợi và nông nghiệp cho rằng:
“Khi xả lũ, dòng chảy sau công trình xả lũ đều phải chảy qua công trình tiêu năng và sau khi qua công trình này thì năng lượng của dòng chảy chỉ giống như dòng chảy tự nhiên. Việc tiêu năng là bắt buộc vì nếu không làm thì nguy hại về an toàn sẽ đổ chính lên công trình thủy điện. Dòng chảy không tiêu năng sẽ làm xói lở hạ lưu và sẽ làm sập chính các đập của thủy điện.”
Có một thực tế là nhiều thuỷ điện đã không đầu tư đúng tiêu chuẩn công trình tiêu năng bắt buộc như ts Tô Văn Trường và PGS Vũ Thành Ca nói, mà lý do vì sao không khó trả lời, và lý do vì sao các cơ quan chức năng xét duyệt vẫn cho qua cũng không khó trả lời. Cũng như nhiều nhà máy ở VN theo thiết kế phải có công trình xử lý nước thải nhưng thực tiễn thì nước thải vẫn xả láng đổ ra sông rạch… mà lý do vì sao cũng không khó để trả lời.
Tóm lại bản thân thuỷ điện không có lỗi, mà chỉ có các nhà đầu tư hưởng lợi từ thuỷ điện vì lợi nhuận của mình bất chấp quy trình nghiêm ngặt của làm thuỷ điện là kẻ tạo ra tác hại thậm chí là thảm hoạ, tội ác mà thôi.
Chính vì vậy mới đây bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã phải chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các cấp, các ngành và UBND các tỉnh rà soát, đánh giá toàn diện trên phạm vi cả nước từ các dự án đã được phê duyệt quy hoạch, đang thi công xây dựng đến các dự án đang được nghiên cứu, khảo sát để xem xét đưa vào quy hoạch trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn khoa học. Theo đó đã xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 08 Dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, 472 DATĐ nhỏ( thuỷ điện cóc)và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết: “Chắc chắn tới đây, những nguồn năng lượng mới, năng lượng có tiềm năng và năng lượng sạch, năng lượng có điều kiện để phát triển khai thác có hiệu quả ở Việt Nam sẽ được quan tâm”.
Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời chất vấn tại QH cũng khẳng định: “Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện để có các biện pháp chấn chỉnh”.
Rõ ràng vấn đề thuỷ điện đã, đang và sẽ còn là vấn đề nóng bỏng của các quốc gia tham vọng chạy theo phát triển nóng và phát triển bằng mọi giá. Đã đến lúc cần phải có Luật Thuỷ điện để ngăn chặn nhóm lợi ích đua nhau nhà nhà làm thuỷ điện.
Công bằng mà nói chính phủ đã nhận ra vấn đề liên quan đến thuỷ điện và nhiệt điện ô nhiễm nên gần đây bộ Công thương đã nhất trí với ban Kinh tế Trung ương kí kết với các nhà đầu tư Mỹ sớm triển khai một loạt nhà máy điện khí hoá lỏng với tổng đầu tư mỗi nhà máy trên dưới 5 tỷ USD. Nên nhớ thuỷ điện Sơn La là thuỷ điện lớn nhất VN công suất 2000 MW, thì chỉ một nhà máy khí hoá lỏng sắp xây dựng có công suất 3000 MW.
Hy vọng khi các nhà máy điện khí hoá lỏng này là chủ đạo của năng lượng VN thì hàng trăm nhà máy thuỷ điện nào gây tác hại sẽ bị phá bỏ.
Theo Lưu Trọng Văn