Do bị xã cấm đò và không bố trí được phương tiện đi lại thay thế. Người dân thôn Ân Phú, xã Tịnh An buộc phải liều mình vượt sông để mưu sinh. Tại đây, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khiến một người phụ nữ tử vong.
Người mẹ trẻ ra đi để lại con thơ
Vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng 6/11, tại bến đò qua thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 1 người tử vong. Nạn nhân là chị Bùi Thị Lan (31 tuổi, ngụ thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi).
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, chị Lan đi qua đoạn đường ngập nước về thôn Ân Phú để thăm con. Tuy nhiên, khi đến bến lại không có đò ngang chở qua sông vì bị chính quyền cấm mấy ngày qua, nên chị Lan và một số người khác liều mình lội bộ qua đoạn đường bị nước sông ngập sâu.
Ra đến giữa dòng, chẳng may chị Lan bị hụt chân xuống đoạn đường bị nước lũ sói hư hỏng, khiến chị bị cuốn xuống dòng nước chảy mạnh. Thấy chị Lan hụt chân, anh Nhân (một người dân đi cùng) chạy tới ứng cứu nhưng cả hai đều bị dòng nước chảy xiết cuốn mạnh vào ống cống, trôi qua bờ bên kia. Sau đó, anh Nhân bơi được vào bờ, còn chị Lan thì bị dòng nước sâu, chảy xiết cuốn đi.
Ngay khi nghe thấy tiếng hô hoán, rất nhiều người dân xung quanh đã nhảy xuống đoạn sông sâu hơn 5 mét để tìm kiếm. Sau 15 phút tìm kiếm, người dân mới vớt được chị Lan, cách vị trí xảy ra sự cố hơn 50 mét. Lúc này thân thể chị đã tím tái. Dù được người dân địa phương tích cực sơ cứu nhưng do bị ngộp nước quá lâu nên chị Lan đã không qua khỏi.
Được biết, chị Lan có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bản thân bị câm bẩm sinh, chị là mẹ đơn thân và có con trai 7 tuổi. Hàng ngày chị Lan phải vất vả bán hàng rong cho các hàng quán đến tận đêm khuya để kiếm tiền nuôi con cùng cha mẹ già.
Người dân bức xúc sau vụ đuối nước
Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân sống gần bến đò cho hay, thôn Ân Phú có đến 300 hộ dân sinh sống, sau khi chiếc đò của xã cấp bị lật, xã ra lệnh cấm di chuyển bằng đò, nhưng lại không cung cấp phương tiện an toàn thay thế đò ngang.
Do nhu cầu đi lại quá bức thiết nên 300 hộ dân phải thuê một chiếc đò khác sang sông. Tuy nhiên, chi phí qua đò quá cao, cùng với việc chính quyền địa phương ra lệnh cấm nên chiếc đò này đã phải dừng hoạt động sau 2 ngày đưa đón khách. Người dân chỉ còn cách liều mạng lội sông.
“Xã cấm đò thì phải hỗ trợ phương tiện khác cho 300 hộ dân chúng tôi. Không có đò người dân phải chấp nhận lội sông vào bờ mưu sinh rất nguy hiểm. Chúng tôi chỉ mong có một phương tiện an toàn qua sông để tai nạn thương tâm không tái diễn”, bà Lan kiến nghị.
Anh Vỹ cũng bức xúc nói: “Chiếc đò xã cấp bị lật hôm 2/11, sau đó chính quyền cấm đò nhưng không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Mặc dù biết nguy hiểm nhưng người dân buộc phải lội nước vào bờ mưu sinh. Ở Chỗ này cách đây 3 năm cũng có 1 người bị cuốn trôi, nếu để như thế này sẽ có nhiều người chết thảm”.
“Xã cấm đò ngang thì phải có biện pháp thay thế chứ. Cả nghìn người dân trong thôn mỗi ngày phải ra ngoài đi làm, đi học. Thôn nằm giữa thành phố mà như bị bỏ rơi, chả thấy quan tâm. Chị Lan mất thật oan ức”, anh Trực, một người dân trong thôn cho biết.
Chủ tịch xã Tịnh An nói gì về sự việc này?
Liên quan đến vụ việc trên, ông Võ Văn Khương – Chủ tịch UBND xã Tịnh An lại cho rằng, lệnh cấm đò là phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân thôn Ân Phú. Vào mùa mưa lũ, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân dự trữ lương thực để hạn chế qua sông.
“Chiếc đò của xã bị chìm mấy ngày trước nên xã phải cấm đò ngang hoạt động nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Hiện xã đã xin cấp trên hỗ trợ phương tiện khác nhưng cần có thời gian để có thể trang bị được phương tiện đảm bảo an toàn”, ông Khương cho hay.
Hà My (t/h)