Tinh Hoa

Quảng Nam: Doanh nghiệp nước ngoài khai thác hơn 7 tấn vàng rồi tuyên bố phá sản!

Sau khi tuyên bố phá sản công ty TNHH Bồng Miêu (tập đoàn Besra) đơn vị khai thác vàng lớn nhất VN đã để lại món nợ hơn 1.200 tỉ (trong đó có hơn 100 tỉ tiền thuế) và nhiều hệ lụy từ ô nhiễm môi trường.

Công ty Vàng Bồng Miêu phá sản. (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, 2 công ty Vàng Phước Sơn (thuộc Besra) và Bồng Miêu đã đào, bán đi khoảng 7 tấn vàng (hầu hết là xuất khẩu). Nếu tính giá vàng tại thời điểm thấp nhất là 30 triệu đồng/lượng thì số vàng trên có giá trị hơn 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, 2 công ty chỉ thực hiện đóng các khoản thuế tương đối đầy đủ đến cuối năm 2011. Tổng số tiền thuế mà 2 công ty nộp chỉ có 700 tỉ đồng, nhưng được hoàn thuế hết 300 tỉ đồng.

Được biết, công ty Besra (công ty mẹ của vàng Bồng Miêu) là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất được phép khai thác và xuất khẩu vàng tại VN, với quyền kiểm soát cả 2 mỏ vàng lớn nhất VN (đều ở Quảng Nam) là Bồng Miêu và mỏ vàng Đắk Sa (H.Phước Sơn). Trước khi phá sản, công ty Bồng Miêu được biết đến là một trong những công ty khai thác vàng ở những mỏ vàng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Toàn cảnh nhà máy vàng Bồng Miêu. (Ảnh: Besra Việt Nam)

Theo đó, từ năm 2005 đến năm 2013, Công ty Bồng Miêu khai thác được 829,952 tấn quặng vàng nguyên khai. Từ tháng 11/2013 đến tháng 8/2014, DN trên ngừng hoạt động khai thác nhưng đến ngày 30/9/2014 thì hoạt động trở lại. Tuy nhiên, từ thời điểm đó cho đến khi dừng khai thác hẳn vào năm 2016, Công ty Bồng Miêu chưa báo cáo sản lượng khai thác.

Ngày 5/3/2016, dù giấy phép đã hết hạn tuy nhiên công ty TNHH Bồng Miêu vẫn tiếp tục khai thác, làm thất thoát tài nguyên. Mỗi ngày, mỏ vàng vẫn duy trì hơn 160 người làm việc thường xuyên, khai thác khoảng 120 – 150 tấn quặng vàng (trung bình 40 triệu đồng một tấn quặng vàng thì nước đã mất 6 tỉ đồng).

Ngoài ra, từ lúc đưa vào khai thác công ty TNHH Bồng Miêu không bảo vệ được phần diện tích được giao. Trong 385 ha được giao thì hơn 100 ha hằng ngày có hàng trăm đối tượng vào khai thác vàng trái phép, gây nhiều hệ lụy và hậu quả rất nghiêm trọng về an ninh, môi trường…

Khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. (Ảnh: Lê Trung)

Tính đến 31/10/2017, Chi Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, công ty Bồng Miêu nợ thuế hơn 108 tỉ đồng, 4.2 tỉ đồng tiền nợ BHXH. Số nợ này sẽ tăng thêm mỗi ngày vì bị phạt tiền chậm nộp. Tuy nhiên, đến nay, công ty phá sản thì xem như số tiền nợ thuế đó nhà nước coi như không thu được đồng nào.

Hơn 100 chủ nợ với số nợ khủng hàng hơn 1.200 tỉ đồng

Sáng 28/11/2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở hội nghị chủ nợ Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu ( trụ sở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) lần thứ nhất. Hội nghị được mở để các chủ nợ lựa chọn số phận của Công ty Bồng Miêu, gồm đình chỉ yêu cầu mở thủ tục phá sản, phục hồi hoạt động kinh doanh và tuyên bố phá sản.

Có 24 chủ nợ của Công ty Bồng Miêu có mặt tại hội nghị. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) có đơn yêu cầu TAND tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản đối với Công ty Bồng Miêu là Công ty Besra Việt Nam vắng mặt. Hội nghị cũng không có đại diện của Công ty Bồng Miêu.

Hội nghị chủ nợ Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu. (Ảnh: Lê Trung)

Tại hội nghị, có 14/24 chủ nợ, đại diện cho số nợ hơn 209 tỉ đồng (chiếm 80,7%) biểu quyết tuyên bố phá sản đối với Công ty Bồng Miêu. Sau đó, hội nghị đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản đối với công ty TNHH Bồng Miêu.

Theo số liệu báo cáo của doanh nghiệp này, tính đến ngày 12/11/2017 có 100 chủ nợ với số tiền nợ lên đến 943 tỉ đồng. Tuy nhiên khi hết thời hạn gửi giấy đòi nợ, chỉ có 44 chủ nợ không có đảm bảo với số tiền khoảng 259 tỉ đồng và 1 chủ nợ có đảm bảo với số tiền khoảng 677 tỉ đồng. 

Qua kiểm kê cho thấy tài sản tại công ty có giá trị hơn 34,8 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo hơn 25,4 tỷ đồng và tài sản không đảm bảo hơn 9,4 tỷ đồng. Số tài sản này quá nhỏ so với số nợ khủng mà doanh nghiệp này còn nợ.

Đề án đóng cửa mỏ hơn kinh phí hơn 19 tỉ đồng

Ngày 29/11/2017, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua tờ trình về việc bố trí ngân sách để thực hiện đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu tại xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh).

 

Theo đó, mức kinh phí đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu gần 19,1 tỷ đồng. Trong đó sử dụng nguồn từ số tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu là gần 6,5 tỷ đồng và từ ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 12,6 tỷ đồng.

Trong đó sử dụng số tiền 6,4 tỉ đồng do Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường ở hai khu vực Hố Gần và Núi Kẽm, ngân sách tỉnh Quảng Nam phải bỏ thêm 12,6 tỉ đồng.

Từ Nguyên (t/h)