Theo thống kê sơ bộ, đến nay mưa lũ đã khiến hơn 12.600 ngôi nhà ở tỉnh Quảng Bình ngập chìm trong nước. Tại Huế, hàng chục hộ dân phải lội lũ di chuyển từ vùng ngập lụt tới nơi an toàn…
Trao đổi với Người lao động sáng 9/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, mưa lũ đã làm 12.616 ngôi nhà của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh này bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập trên 2m, nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt gia đình bị nước nhấn chìm, cuốn trôi.
Tại vùng ‘rốn lũ’ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa có 550 nhà bị ngập sâu từ 1 – 2,5. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) Trương Thanh Duẫn, trước đó, người dân và chính quyền địa phương đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 2.000 con của xã lên vùng cao để tránh lũ; hiện toàn bộ người dân trong xã đã có nhà phao, nhà bè để “sống chung với lũ” nên không có thiệt hại về người.
Theo nguồn tin từ UBND huyện Minh Hóa, hiện địa phương này có 16 bản của 3 xã Trọng Hóa (Lòm, Cây Dừa, Pa Chong…); các bản Tà Rà, Hà Nông, Ka Vi, Oóc, Ka Ai của Dân Hóa và các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hóa bị ngập, cô lập và chia cắt.
Về trường hợp bà Hồ Thị Núc (SN 1979, ở bản Ba Looc, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) trong lúc đi xúc cá ở bản Ka Vi bị điện giật (do cột điện đổ) vào 7h30 hôm qua (8/10) đang được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới, hiện đã qua cơn nguy kịch.
Tại huyện Bố Trạch có 6 bản ở xã Thượng Trạch: Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn, Nôồng Cũ, Nôồng Mới, Chăm Pu… khu vực thị trấn Phong Nha nhiều nơi bị ngập, cô lập, chia cắt.
Tại huyện Tuyên Hóa, mưa từng đợt khiến nước sông Gianh đang dâng cao. Mưa lũ đã cô lập 382 hộ/1.232 khẩu tại các xã Đức Hóa, Ngư Hóa, Thạch Hóa. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND huyện này đã chỉ đạo các địa phương vận động và di dời dân 430 hộ, với hơn 1.600 khẩu có nguy cơ ngập lụt sâu và bị sạt lở đất tại các xã Đức Hóa, Thạch Hóa.
Huyện Quảng Ninh có 4.338 nhà trên 13 xã, thị trấn, ngập sâu từ 0,5 – 1,0m và 1 trụ sở chính quyền xã Trường Sơn. Giao thông 5 xã bị chia cắt, gồm: Trường Xuân, Trường Sơn, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh…Hàng trăm diện tích hoa màu của bà con nông dân bị nước bao phủ, hư hại.
Huyện Lệ Thủy có tới 7.650 hộ bị ngập nước tại các xã: Liên Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, thị trấn Kiến Giang, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mỹ Thủy, Hồng Thủy… Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết lượng mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, hàng ngàn hộ dân bị lũ cô lập. Đến thời điểm này, khoảng 400 ha hoa màu, cây trồng các loại bị ảnh hưởng, thiệt hại. Hàng trăm con gia súc, gia cầm khác cũng bị chết, bị lũ cuốn trôi.
Tại huyện Quảng Trạch, mưa lớn khiến nước sông Gianh từ thượng nguồn đổ về tràn vào nhà dân tại các xã Phù Hóa, thôn Kinh Nhuận xã Cảnh Hóa, thôn Thuận Hòa, xã Liên Trường và xã Quảng Thanh. Bà con nơi đây đã quen ứng phó với lũ lụt nên thiệt hại không đáng kể.
Cũng theo nguồn tin mới nhất của Người lao động, ngoài Quảng Bình, mưa lớn cũng đã khiến trên 30 tuyến đường ở TP. Huế (Thừa Thiên – Huế) bị ngập lụt, có nơi ngập sâu từ 0,3 – 0,6m như đường Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế… khiến cho người dân không thể đi lại.
Đặc biệt, khu vực xóm Gióng thuộc tổ 1, khu vực 1, phường An Tây có nơi ngập hơn 1m và nước chảy xiết.
Trước tình hình trên Công an TP. Huế cùng chính quyền địa phương triển khai lực lượng di dời 32 hộ dân, 6 dãy trọ hơn 130 người ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. Hiện đơn vị đang tiếp tục khảo sát di dời những hộ trong vùng thấp trũng có nguy cơ bị ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Trước đó, theo báo cáo nhanh của Văn phòng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến chiều tối ngày 8/10, mưa lũ trên diện rộng tại miền Trung đã làm 11 người chết và mất tích, gần 11.000 người phải sơ tán.
Vũ Tuấn (t/h)