9 năm trước, trong một trận lũ kinh hoàng tràn qua xã Hưng Trạch khiến 8 người bao gồm giáo viên và học sinh bị mắc kẹt trong trường học, anh Thuận đã không màng nguy hiểm lao vào dòng nước để giải cứu 8 mạng người.
Sau hành động dũng cảm đó, Thuận liên tiếp gặp tai nạn khiến anh bị liệt nửa người hoàn toàn từ bụng xuống và phải nằm một chỗ. Được biết, hiện anh Thuận đang sống cùng với mẹ già gần 70 tuổi, hàng ngày vẫn phải đi xin ăn để có tiền nuôi con.
Ngày 6/6, ông Hoàng Đăng Quang, bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết vừa đến nhà thăm anh Phạm Văn Thuận (thôn Khương Hà 4, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch). Tại đây, ông Quang đã thay mặt lãnh đạo tỉnh tặng anh Thuận 60 triệu đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng kêu gọi hai doanh nghiệp trên địa bàn là Tập đoàn Sơn Hải và Công ty Vĩnh Hưng, mỗi doanh nghiệp hỗ trợ thêm 100 triệu đồng giúp anh Thuận. Tổng số tiền 260 triệu đồng này sẽ dùng vào việc xây lại nhà mới cho anh.
Ông Quang còn yêu cầu chính quyền địa phương phải đứng ra giúp anh Thuận làm lại nhà và phải làm ngay.
Người anh hùng trong cơn lũ
Sáu năm trước, một trận lũ lớn nhất trong vòng 100 năm tràn qua xã Hưng Trạch khiến nhiều người bị mắc kẹt trong dòng nước chảy xiết.
“Trận lũ năm ấy khiến nhiều nhà bị ngập sâu. Tôi cùng hai người khác nghe các cô giáo ở trường tiểu học Hưng Trạch bị mắc kẹt, kêu cứu nên xung phong bơi vào”, Thuận kể.
Thuận cùng 2 thanh niên lao vào dòng nước xiết, bám vào đường dây điện để bơi vào ngôi trường đã bị nước ngập gần hết tầng một. Sáu giáo viên nữ cùng 2 học sinh tiểu học lần lượt được đưa đến chỗ cao. Riêng Thuận một mình đưa được 4 người ra khỏi nơi nguy hiểm.
“Năm đó, lực lượng cứu hộ của xã phải phân tán về các thôn nên không thể cứu viện kịp cho trường tiểu học. Hành động cứu người trong lũ của Thuận được người dân, các giáo viên đánh giá rất cao. Xã đã đề nghị tỉnh cấp bằng khen biểu dương cho anh ấy”, ông Trần Văn Thái (60 tuổi), nguyên Chủ tịch xã Hưng Trạch nói.
Phước lớn mạng lớn, nhưng tai nạn khiến anh bị liệt nửa người
Mồ côi cha khi chưa lọt lòng, nhà nghèo, phải bỏ học từ sớm, Thuận trở thành lao động chính trong gia đình. Nhưng cuộc đời lại tiếp tục thử thách người con trai chăm chỉ này. Thuận liên tục gặp phải những tai nạn chí mạng, nhưng đều may mắn thoát chết.
“Năm 12 tuổi, nó đã không may bị ngã trên đường đi học về. Cú ngã mạnh khiến thằng bé bị dập lá lách, phải vào viện phẫu thuật để giữ mạng sống. Bác sĩ buộc phải cắt hết lá lách bị dập nát nên mọi người mới gọi là là Thuận lách”, bà Ngô Thị Vinh (56 tuổi, mẹ Thuận) kể.
Năm 2012, Thuận lại tiếp tục gặp tai nạn trong lúc đi bốc xếp gỗ thuê. Ôtô đầy gỗ bất ngờ lật đè lên 3 thanh niên đang làm việc khiến 2 người chết. Thuận may mắn thoát nạn, nhưng chẳng may bị gãy chân và xương vai.
Tai nạn gần nhất là vào năm 2016, trong khi đang xúc cát bên sông về sửa lại nhà thì trời mưa lớn. Thuận trú bên bờ sông thì bị lở. Đống cát lớn ập lên người. Thuận vùng vẫy thoát khỏi đống cát nhưng cột sống bị tổn thương ngang hông. Từ ngày đó, người hùng từng cứu 8 mạng người trở thành tàn phế, bao gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn lên vai người mẹ già.
Theo lãnh đạo UBND xã Hưng Trạch, chính quyền xã đã cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ, cưu mang Phạm Văn Thuận, nhưng lực bất tòng tâm vì bệnh tình Thuận ngày càng trầm trọng. Gia cảnh bà Vinh thuộc hộ đặc biệt nghèo trong xã. Giá như thời điểm Thuận mới bị tai nạn có đủ tiền thuốc thang, phẫu thuật thì anh Thuận không lâm vào tình cảnh bi đát như bây giờ…
Trước sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, anh Thuận cho hay, trong những ngày qua, sau khi thông tin về hoàn cảnh của anh được đăng tải trên các trang mạng xã hội, hàng trăm cuộc gọi từ khắp nơi đã gọi về chia sẻ với Thuận. Nhiều cơ quan, ban ngành trong tỉnh cũng như một số cá nhân, tổ chức từ các tỉnh khác cũng đã ghé thăm động viên anh.
“Mấy ngày qua, tui thấy ấm lòng lắm…”, anh Thuận nói.
Chúc Di (t/h)