Theo số liệu công bố chính thức của chính quyền Trung Quốc, từ sau Đại hội 18 đến nay, ít nhất đã có 12 quan chức cấp tỉnh trở lên đã nhận hối lộ trên 100 triệu nhân dân tệ. Điều này đã phần nào lột tả được sự hủ bại ngoài sức tưởng tượng chốn quan trường Trung Quốc.
12 quan chức cấp tỉnh trở lên nhận hối lộ trên 100 triệu NDT
Theo số liệu công khai của chính quyền Trung Quốc, người nhận hối lộ nhiều nhất đầu tiên là ông Võ Trường Thuận, cựu Phó Chủ tịch Ban Chính pháp, cựu Cục trưởng Cục Công an Thiên Tân.
Võ Trường Thuận liên quan đến số tiền hối lộ lên đến hơn 500 triệu nhân dân tệ (NDT), được coi là con số tham nhũng kỷ lục kể từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó tham nhũng 342 triệu NDT, nhận hối lộ 84 triệu NDT, chi sai công quỹ hơn 100 triệu NDT.
Đứng thứ hai trong danh sách này là Bạch Ân Bồi, Cựu Bí thư tỉnh Vân Nam, Ủy viên Phó chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ tài nguyên Đại hội Đại biểu Nhân dân. Từ năm 2000 đến năm 2013, Bạch Ân Bồi liên quan đến số tiền tham nhũng là 247 triệu NDT và một lượng lớn tài sản nguồn gốc không rõ ràng. Tính bình quân trung bình mỗi năm nhận hối lộ ít nhất 19 triệu NDT.
Khi bị lĩnh án tử hình vào tháng 10 năm ngoái, Bạch Ân Bồi đã khai rằng: “Tôi ở tiền phương làm việc, vợ tôi ở hậu phương thu tiền. Có lúc cố ý tạo ra các điều kiện để bà ấy có thể giương cờ hiệu của tôi đi giao dịch thu tiền, tiếp nhận hối lộ”.
Đứng thứ ba trong danh sách là Chu Minh Quốc, liên quan đến số tiền hối lộ 232 triệu NDT. Chu Minh Quốc có tiếng là tâm phúc của Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị thuộc phe cánh của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Chu Minh Quốc từng đảm nhiệm các chức vụ Bí thư Ban Chính pháp của lần lượt tỉnh Hải Nam, thành phố Trùng Khánh, tỉnh Quảng Đông. Quá trình điều tra Chu Minh Quốc cho thấy có đời sống cá nhân bại hoại, có nhiều nhân tình và con riêng.
Cựu Bí thư tỉnh Giang Tây, cựu Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Tô Vinh đứng thứ tư trong danh sách với số tiền tham nhũng liên quan là 196 triệu NDT.
Đỗ Thiện Học, Phó Chủ tịch tình kiêm Thường ủy viên Đảng ủy Sơn Tây đứng thứ năm trong danh sách, liên quan đến 170 triệu NDT, trong đó xác minh nhận hối lộ 80 triệu NDT, số tài sản không rõ nguồn gốc gần 90 triệu NDT.
Đồng hạng sáu và bảy là Lư Tử Dược và Cảnh Xuân Hoa, cựu Thường ủy viên tỉnh Hà Bắc với số tiền liên quan là 147 triệu NDT.
Đứng thứ tám trong danh sách là cựu Bí thư ban Chính Pháp, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Theo thông báo chính thức của chính quyền Trung Quốc thì Chu Vĩnh Khang liên quan đến 130 triệu NDT. Tuy nhiên, theo điều tra của Reuters thì gia đình ông này phải tham nhũng lên đến 100 tỷ NDT.
Thứ 9 đến 12 trong danh sách lần lượt là: Kim Đạo Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Sơn Tây, 123 triệu NDT; Hề Hiểu Minh, Phó viện trưởng Tòa án tối cao, 114 triệu NDT; Vạn Khánh Lương, Phó Bí thư thành phố Quảng Châu, 111 triệu NDT; Mao Tiểu Binh, Bí thư thành phố Tây Ninh, 105 triệu NDT.
Cả 12 quan chức tham nhũng vừa liệt kê trên đều được ngoại giới nhận định là người thuộc phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Ngoài ra còn có hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu cũng bị chỉ ra là nhận hối lộ khoảng 20 tỷ NDT, tuy nhiên chính quyền Trung Quốc vẫn chưa công bố kết quả điều tra chính thức.
Sự hủ bại vượt quá mức tưởng tượng
Từ sau Đại hội 18, tại tỉnh Hồ Bắc đã lần lượt xuất hiện 5 quan chức tham nhũng số tiền trên 100 triệu NDT, trong đó có một quan chức cấp tỉnh, 2 quan chức cấp phòng và 2 quan chức cấp sở. Bức tranh này chính là đại biểu tiêu biểu cho tình trạng quan trường hủ bại ở Trung Quốc.
Năm 2015, Hồng Kim Châu, cựu chủ tịch thành phố Khải Lý ở tỉnh Quý Châu, bị điều tra về số tiền 120 triệu NDT. Lúc đó, ông đã thẳng thắn nói, bất kỳ ai khi khi ngồi được vào môt “ghế” nhất định trong hàng ngũ quan chức Trung Quốc, cho dù “vô cùng ngu dốt, vô cùng đần độn, thì người ta cũng đều muốn tặng tiền, tặng quà” cho người đó.
Kết cục vong đảng là khó tránh khỏi
Hủ bại đã mang tính quy mô lớn trong ĐCSTQ. Từ sau khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền, nó càng trở nên tệ hại hơn, đến nay tham nhũng đã đi sâu vào các lĩnh vực, chính quyền và xã hội. Đây cũng là nguyên nhân sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã vội vàng triển khai chiến dịch chống tham nhũng.
Ngày 29/10/2016, VOA (Mỹ) từng dẫn ý kiến của chuyên gia Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) nhận định, cách làm chống tham nhũng trên quy mô rộng khắp của ông Tập Cận Bình cho thấy tình trạng tham nhũng đã ăn sâu vào mọi ngõ ngách của bộ máy quan trường.
Học giả Bạc Trí Hoạt của Singapore cũng cho biết, trong tình trạng này dĩ nhiên các quan chức ĐCSTQ phải đề cao cảnh giác, nhưng chỉ cần tình trạng hơi buông lỏng là họ trở lại nguyên hình.
Ngày thành lập Đảng 1/7/2016, ông Tập Cận Bình có bài phát biểu dài, trong đó đặc biệt nhắc đến mối đe dọa khủng khiếp nhất cho sự tồn vong của chế độ là tình trạng tham nhũng, vì thế phải thực hiện nghiêm trị từ Đảng. Cùng năm, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 ĐCSTQ cũng đã lấy chủ đề hội nghị là “Nghiêm khắc chỉnh đốn đảng” (Tùng nghiêm trị đảng), công bố “Quy tắc đời sống chính trị” và “Điều lệ giám sát” trong Đảng.
Chuyên gia vấn đề Trung Quốc Lý Thiên Tiếu (Li Tianxiao), tiến sĩ Chính trị Đại học Columbia nhận định, ông Tập Cận Bình muốn thông qua “Nghiêm khắc chỉnh đốn đảng” để thanh trừng phái Giang gây cản trở con đường cải cách. Nhưng thể chế ĐCSTQ là một thể chế tàn bạo, đã hết thuốc chữa, nghiêm trị từ Đảng chính là lấy độc trị độc, cuối cùng tất tự diệt chính mình.
Nhà bình luận chính sự Văn Chiêu (Wenzhao) cho rằng, giới quan chức Trung Quốc xưa nay được sống trong nhung lụa, bây giờ bị dùng roi da chống tham nhũng để thanh trừng, hiển nhiên tâm lý họ đang đầy uất hận. Khách quan mà nói, “nghiêm khắc chỉnh đốn đảng” sẽ làm mâu thuẫn trong đảng ngày càng gay gắt, làm tình trạng tan rã của bộ máy càng nhanh hơn.
Ông Tân Tử Lăng, chuyên gia phân tích tình hình chính trị Trung Quốc cho biết, ĐCSTQ qua điều tra nội bộ cho thấy, giới quan chức cao tầng chuẩn bị bỏ quan chạy trốn chiếm trên 85%, và ĐCSTQ đang đứng trước nguy cơ vong đảng.
TinhHoa tổng hợp