Tinh Hoa

Quan niệm về nước trong Trung Y và Triết học Trung Hoa

Khi nói về nước, Y học cổ truyền Trung Quốc (hay còn gọi là Trung Y) đã chỉ ra được mối liên hệ chặt chẽ của nguyên tố này với các bộ phận cơ thể, và cảm xúc con người,… Ngoài ra, người Trung Quốc xưa cũng hình thành những quan niệm mang tính triết học, chiêm tinh và tâm lý đối với nước.

Quan niệm về nước trong Trung Y và Triết học Trung Hoa. (Ảnh qua Pinterest)

Quan niệm về nước trong Trung Y

Y học cổ truyền Trung Quốc căn cứ theo học thuyết Ngũ Hành, chia toàn bộ các nguyên tố tự nhiên thành 5 nhóm: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Trong đó, Thủy (nước) được xem là một kho dự trữ năng lượng của con người.

Theo Đông Y, nước có vai trò mật thiết với 2 cơ quan trong cơ thể là bàng quang và thận. Cụ thể bàng quang được ví như một bể chứa nước trong cơ thể con người. Nếu bàng quang không được hoạt động đúng chức năng sẽ dẫn đến sự tích tụ độc tố, gây ra các tình trạng như mệt mỏi liên tục, trầm cảm,… Sự mất cân bằng trong bàng quang còn có thể gây đau đầu, đau lưng, đau bàng quang, tiểu không tự chủ, các vấn đề về thị lực và nhiều bệnh tình khác. 

Theo Đông Y, nước có vai trò mật thiết với 2 cơ quan trong cơ thể là bàng quang và thận. (Ảnh qua thuantunhien)

Nhắc về thận, theo Insight Timer, đây là cơ quan được coi như nguồn lưu trữ ‘tinh chất’ của cơ thể, tinh chất đây là chỉ sức sống, sức đề kháng và tuổi thọ của con người. 

Thận đóng một vai trò quan trọng giúp cho hệ thống nội tiết và sinh sản của chúng ta hoạt động đúng cách. Do đó, sự mất cân bằng nước trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng đến thận, có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến tăng trưởng, ham muốn tình dục và khả năng chịu đựng. Suy giảm chức năng thận cũng có thể gây ra thoái hóa xương, đặc biệt là xương đầu gối và xương thắt lưng. 

Cảm xúc được coi là gắn liền với nước chính là nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, sợ hãi không hẳn là một thứ cảm xúc tiêu cực, nó có thể giúp chúng ta luôn cảnh giác với môi trường xung quanh, tạo cho chúng ta một mục đích sống, và sự can đảm để tiến lên phía trước, mặc cho những chướng ngại trước mắt có khó khăn đến nhường nào. 

Nhưng khi cơ thể mất cân bằng lượng nước, thì nỗi sợ sẽ trở thành sự kìm hãm trong quá trình vận động. Điều này biểu hiện là xuất hiện nỗi ám ảnh, trạng thái lo lắng,… Và khi cơ thể trở nên sợ hãi quá mức có thể làm tổn thương tới thận, mà bất kỳ sự rối loạn chức năng thận nào cũng có thể làm gia tăng thêm cảm giác sợ hãi, từ đó dồn người bệnh vào trạng thái hoang tưởng, bất lực.

Nước trong triết học cổ Trung Hoa

Theo triết học Trung Hoa cổ đại, vạn sự vạn vật đều cấu thành từ 5 nguyên tố cơ bản và 5 trạng thái chính là: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Thủy (nước) là trạng thái cuối cùng khi vật chất bắt đầu lụi tàn. Đạo giáo coi nước là biểu tượng của sự mềm mại, khôn ngoan, đủ đầy, thông minh và linh hoạt. Mặt hạn chế là những người quá nhiều tính Thủy thường thiếu sự quyết đoán khi đưa ra quyết định và gắn bó lâu dài với nó. 

Theo học thuyết Ngũ Hành, trong mối quan hệ tương Sinh thì: Kim sinh Thủy, tức kim loại sau khi bị nung chảy sẽ thành nước; Thủy sinh Mộc vì nước giúp hình thành và duy trì tự nhiên. Trong mối quan hệ tương Khắc, thì Thủy sẽ khắc Hỏa vì ta thường dùng nước để dập lửa. Còn Thổ sẽ khắc Thủy vì đất hấp thụ nước. 

Lý tương sinh tương khắc trong Ngũ hành. (Ảnh qua Way)

Những người có sự gắn kết mạnh mẽ với đặc tính của Thủy thường được coi là có bản chất thông minh, hiền lành, có xu hướng sở hữu một trí nhớ siêu phàm. Những người này không bao giờ hành động bốc đồng, thường suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. Những người thích dòng nước, dòng chảy thường được coi là những người hung hăng, thiếu kiên nhẫn và bồn chồn, trong khi đó những người cảm thấy mối gắn kết với dòng nước tĩnh thường là những người trầm lặng, yên ắng.

Chúc Di (Theo Vision Times)