Hôm 16/10, một cựu quan chức cấp cao Triều Tiên đã đào ẩu sang Mỹ cho biết nền kinh tế Triều Tiên hiện bị thiệt hại nặng nề sau các lệnh trừng phạt và có thể không chống chịu nổi trong một năm tới.
Phát biểu tại một sự kiện của tổ chức Hiệp hội châu Á tại TP New York hôm 16/10, cựu quan chức kinh tế cấp cao của Triều Tiên Ri Jong Ho cho biết, “các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt được đánh giá là mang tính lịch sử. Chưa bao giờ Triều Tiên chịu các cấm vận mạnh tay đến như vậy“.
Ông Ri – người đã đào tẩu khỏi đất nước hồi năm 2014, cảnh báo: “Tôi không biết liệu Triều Tiên sẽ sống nổi qua một năm trừng phạt hay không. Nhiều người dân sẽ chết mất“.
Cựu quan chức Triều Tiên này nói rằng, hiện Triều Tiên lo không đảm bảo về lương thực cho người dân vì các lệnh trừng phạt đã “đóng khóa hoàn toàn” lĩnh vực thương mại. Ông Ri mô tả, quê hương ông là một trong những nơi đang rơi vào “tình thế tuyệt vọng”.
Điều này khiến chính phủ Triều Tiên phải cử hàng chục nghìn lao động ra nước ngoài. Các hộ gia đình tại Triều Tiên không có điện, trong khi mạng điện thủ đô chỉ có thể chiếu sáng 3-4h/ngày.
Tháng 9, Triều Tiên nói rằng các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ đứng sau đã gây tổn thất “khổng lồ” cho nước này và cáo buộc Mỹ “bao vây kinh tế” Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng khẳng định sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Theo báo New York Times, Triều Tiên cũng đã lập ra một ủy ban để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt quốc tế lên đối tượng trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi Triều Tiên.
Lời cảnh báo của ông Ri được đưa ra trong bối cảnh LHQ tăng tối đa áp lực Triều Tiên. Có thể thấy không chỉ Mỹ mạnh tay mà Trung Quốc và Nga – những đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng – cũng bắt đầu thực thi các nghị quyết trừng phạt của LHQ, bóp chặt nguồn thu của Triều Tiên.
“Bây giờ, Trung Quốc tạm ngừng giao dịch thương mại với Triều Tiên, điều chưa từng xảy ra trước đây. Nó là một điểm rất tồi tệ trong mối quan hệ giữa 2 nước” – ông Ri cho biết. “Giới lãnh đạo Triều Tiên không tin Trung Quốc là một đồng minh. Họ cảm nhận rằng Bắc Kinh sẽ phản bội họ“.
Bên cạnh những cảnh báo về sự sụp đổ của nền kinh tế Triều Tiên, ông Ri còn so sánh cuộc khẩu chiến giữa ông Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump như “cuộc tranh chấp giữa trẻ em và người lớn”.
Tuy nhiên, ông đánh giá mặc dù khẩu chiến gay gắt với Mỹ nhưng Triều Tiên thật sự muốn duy trì quan hệ tốt với Washington. Ông Ri cho rằng, hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng xuất phát từ mong muốn mở ra các kênh đối thoại với Mỹ, và nói thêm rằng một trong những ưu tiên của nước này là cắt đứt quan hệ giữa Washington và Seoul.
“Hiện tại, lãnh đạo Triều Tiên đã triển khai tên lửa nhằm vào Mỹ như một cách khiêu khích. Nhưng họ rất muốn thiết lập quan hệ với Mỹ. Lãnh đạo Triều Tiên muốn duy trì quyền lực trong một thời gian dài. Ông ấy (Kim Jong Un) tin rằng mình phải duy trì quan hệ hữu nghị với Mỹ để làm được điều đó. Họ không muốn Hàn Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán. Họ chỉ muốn đàm phán 2 chiều. Điều mà lãnh đạo Triều Tiên muốn là làm thế nào để hâm nóng mối quan hệ với Mỹ” – ông Ri bình luận.
Ri Jong Ho một thời là “ngôi sao” tại Văn phòng 39 – tổ chức bí mật của Triều Tiên chịu trách nhiệm kiếm tiền cho lãnh đạo nước này. Sau một loạt vụ thanh trừng, người đàn ông 59 tuổi đã cùng gia đình bỏ trốn khỏi Triều Tiên hồi cuối năm 2014 và hiện sinh sống tại thủ đô Washington của Mỹ.
Hồi tháng 7, ông Ri tiết lộ với báo Washington Post về một số chiến thuật trốn tránh lệnh trừng phạt của Bình Nhưỡng, chẳng hạn những quan chức Triều Tiên hoạt động ở Trung Quốc như ông Ri sẽ mang các túi đựng hàng triệu USD tiền mặt giao cho thuyền trưởng các tàu Triều Tiên quay lại cảng nhà, hoặc thay đổi tên của các công ty Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt.
TinhHoa tổng hợp