Sự xuất hiện lặng lẽ nhưng đầy nguy hiểm của vi khuẩn ăn thịt người (whitmore) tại Việt Nam và bùng phát của virus corona (nCoV – 2019) hay còn gọi là dịch “viêm phổi Vũ Hán” tại Trung Quốc những ngày qua khiến nhiều người tỉnh giác:
Lý thuyết mầm bệnh ra đời vào cuối thế kỷ 19 là một trong những nền tảng cốt yếu của y học hiện đại. Theo đó, rất nhiều bệnh là do các mầm bệnh – vi trùng gây nên khi xâm nhập và phát triển trên cơ thể người. Một “kỷ nguyên vàng” được mở ra cùng với sự ra đời của hàng loạt thuốc kháng sinh, vắc xin và các sản phẩm sát khuẩn khác. Con người tự tin khai hỏa trong cuộc chiến với các mầm bệnh, thể hiện ý chí cần phải đè bẹp hết các vi trùng nhỏ bé này hòng mang lại sự bình an nơi thân thể.
Tuy nhiên hơn 1 thế kỷ đã qua, dường như chưa có loài vi trùng nào được tuyên bố là đã bị tiêu diệt hoặc tuyệt chủng, ngay cả những con sơ đẳng nhất mà người ta vẫn thường nhắc đến như Escherichia coli hay virus gây bệnh cúm cũ xưa… Các loại kháng sinh vốn được xem như món quà cứu cánh mà Thượng đế ban tặng cho con người trong tình thế nguy nan, giờ đây cơ bản đã bị vô hiệu hóa bởi các chủng kháng thuốc, thậm chí là siêu kháng cùng một lúc nhiều thuốc.
Chỉ xét riêng các bệnh truyền nhiễm – có liên quan đến vi khuẩn, vi rút, việc kiểm soát các mầm bệnh này thực ra là nằm ngoài khả năng của con người. Mặc dù coi vi trùng là mầm bệnh, là đối tượng nghiên cứu, nhưng cho đến nay, chưa có công bố khoa học nào chắc chắn được về số vi khuẩn có trên trái đất này, và những loại nào có nguy cơ gây bệnh cho con người. Thậm chí cùng một loài vi khuẩn nhưng tùy thuộc điều kiện môi trường sống mà sẽ kích hoạt, huy động những cơ chế sinh lý nhất định để thích nghi. Phát triển khả năng kháng thuốc siêu nhanh là một ví dụ. Trong một nghiên cứu của Đại học Harvard, chỉ trong 11 ngày, vi khuẩn E. coli đã mọc lan từ khu vực không có kháng sinh sang khu vực có kháng sinh cao gấp 1000 lần ngưỡng gây chết.
Hiện các chuyên gia chưa rõ cơ chế nào đã giúp vi khuẩn kháng lại các thuốc với tốc độ chóng mặt như vậy. Có thể tồn tại 2 loại tình huống đột biến trong hệ gen của chúng. Một là đã xảy ra đột biến di truyền ngẫu nhiên – thường xảy ra ở những trường hợp dùng kháng sinh không đúng cách. Hai là chúng tung hứng trao đổi gen kháng kháng sinh với các vi khuẩn cùng loài, ví dụ giữa E.coli gây nhiễm trùng đường tiết niệu và E.coli gây ngộ độc thức ăn; hoặc trao đổi khác loài, ví dụ, giữa E.coli và tụ cầu khuẩn kháng kháng sinh Staphylococcus aureus (MRSA)… Những gì khoa học nghiên cứu biết về lĩnh vực này còn rất hạn chế so với khả năng ứng biến tinh nhuệ của vi khuẩn. Cũng nhờ sự linh hoạt này mà một chủng vi khuẩn đang yên đang lành, lại bỗng dưng trở thành chủng gây bệnh cho con người trong một số điều kiện đặc thù nào đó. Hiện tượng này cũng tương tự đối với các loài nấm mốc và nhiều loài sinh vật khác.
Bên cạnh vi khuẩn, ‘ma trận’ virus gây bệnh cũng khiến các nhà khoa học hao tổn tâm trí nhiều. Trên trái đất này có bao nhiêu chủng virus? Độc lực của mỗi chủng như thế nào? Ví dụ, nghiên cứu hiện tại đã xác định được 4 chủng virus gây bệnh (virus dengue D1, D2, D3, D4), còn cúm thì có đến hàng trăm chủng virus gây bệnh. Việc sản xuất vắc-xin cúm thường mang tính dự báo (dự liệu chủng nào đó sẽ gây bệnh trong mùa cúm này). Nếu “ngắm” sai chủng thì hiệu quả của vắc-xin có thể là zero, và thực tế điều này đã xảy ra. Vậy nên, cho dù bạn tiêm phòng đầy đủ thì cũng đừng ngạc nhiên nếu một ngày kia vẫn đổ bệnh.
Trong khi thế giới liên tục đón nhận các phát minh trong y khoa, công nghệ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe không ngừng hiện đại hóa, thì hiện tượng các bệnh truyền nhiễm xưa kia, nay đang nguy cơ tái xuất hiện và ở cấp độ nguy hiểm hơn. Năm 2017, giới chức y tế Mỹ cảnh bảo mối đe dọa từ dịch hạch (cái chết đen) sau khi phát hiện bọ chét tại bang Arizona dương tính với vi khuẩn Yersinia pestis. Cuối năm 2019, khi Trung Quốc vừa phát hiện 3 ca bệnh dịch hạch, các chuyên gia đã cảnh báo việc nhân loại khó tránh khỏi việc phải đương đầu với một đại dịch cúm trong tương lai, hủy diệt ở quy mô lớn hơn nhiều so với dịch cúm năm 1918 với 50 triệu người tử vong.
Lời cảnh báo nghe tưởng như không lọt tai ấy mới buông ra thì đại dịch virus corona viêm phổi ào đến. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chủ quan duy ý chí muốn âm thầm lặng lẽ ‘khóa tay’ ‘con virus lạ’ (?) này lại, liên tục tuyên bố thế giới là “mọi chuyện nằm trong tầm kiểm soát”, nào ngờ nó hung hãn hơn cả dịch SARS năm xưa. ‘Cực chẳng đã’ nhà cầm quyền đành bất ngờ phong tỏa Vũ Hán vào sáng 23/1/2020, ‘định bụng’ hy sinh 11 triệu dân ở đây để “duy trì ổn định”, nhưng quá muộn rồi, phong tỏa tiếp 17 thành phố với quy mô hơn 50 triệu dân chỉ trong vài ngày nữa hòng cứu vãn tình thế…
Bất chấp mọi biện pháp ĐCSTQ đã triển khai, con virus corona (nCoV – 2019) mắt nhìn không thấy kia đang thực sự làm tê liệt Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 của thế giới, không những vậy mà còn nhanh chóng lây nhiễm cho hàng chục nước, lan ra đến Mỹ, Âu – nơi cách Vũ Hán nửa vòng trái đất! Trong đại dịch này, điều mà ngoại giới và dân chúng oán thán nhất chính là sự loanh quanh vòng vo của chính quyền ĐCSTQ. Bản chất thể chế chính trị không thể đổi, bài học với SARS 17 năm trước đang tái hiện, ĐCSTQ giấu diếm dịch bệnh từ đầu chí cuối, khiến thời điểm vàng khóa cách ly chặn dịch vọt qua mất. ĐCSTQ lấy cớ là để “duy trì ổn định” mà đùa giỡn với mạng sống của hơn 1,3 tỷ dân Trung Quốc, gây đại họa loạn toàn cầu.
Nhân loại vốn đã thua cuộc trong trận đồ virus, vi khuẩn, lại đúng thời điểm ‘thói đời xuống dốc’, quan chức coi thường mạng người khiến cho thế cuộc càng thảm bại. Nhân loại đối với virus corona hiện nay mà nói chính là toàn KHÔNG: Không thuốc; Không vắc-xin; Không hiểu chúng rơi ra từ đâu, lây nhiễm như thế nào. Nhiều người hiện cầu Trời khấn Phật để cho lời cảnh tỉnh dịch bệnh nói trên không trở thành lời nguyền!
Thực ra, đặt sinh mệnh của mình vào tay người khác sao bằng chủ động bảo vệ bản thân trong khi có thể? Bởi lẽ cơ thể sinh ra vốn dĩ không phải để chịu bệnh, từng tế bào đều có năng lực tiềm tàng rất to lớn trong việc tự chữa lành, có đầy đủ ‘vũ khí’ để đánh bại những kẻ ngoại xâm như virus, vi khuẩn, nấm độc, ký sinh trùng hay bất kể tác nhân gây bệnh nào khác. Mấu chốt là cần phải cung cấp cho cơ thể những gì cần thiết.
Cơ thể mỗi người được tổ thành từ hàng nghìn tỷ tế bào. Mỗi tế bào đều trải qua một quá trình “sinh lão bệnh tử”, liên tục có tế bào mới sinh ra để tiếp sức và thay thế cho các tế bào đã mệt mỏi già cỗi hoặc tế bào bị tổn thương. Tóc của bạn liên tục mọc mới, trung bình khoảng 0,5 mm mỗi ngày; các thế bào da cần khoảng 2 tuần để thay thế toàn bộ; tế bào gan cần 300 – 500 ngày để luân phiên thay thế 1 vòng. Trong một số trường hợp, 70% gan bị cắt bỏ có thể phát triển trở lại về kích thước ban đầu sau 2 tháng. Cơ quan chậm tiến nhất có lẽ là tim, mỗi năm thay mới 1%, sau 20-25 năm bạn có một trái tim mới. Tất nhiên mức độ “canh tân” nhanh chậm tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, dinh dưỡng. Hẳn bạn đã nghe thấy nói rằng các đầu ngón tay, ngón chân của trẻ em có thể mọc lại như mới nếu chẳng may bị mất đi. Để phản ứng nhanh với những ‘kẻ lạ’ đột nhập vào trong (như vi khuẩn, virus…), cơ thể có thể huy động đến 10.000 bạch cầu chỉ trong 1 giây. Điều đó cho thấy năng lực tự vệ của cơ thể dường như là vô tận, tùy theo mức độ mà bạn hiểu biết về nó.
Nhiều nhà dinh dưỡng cho rằng, thực ra cơ thể không đòi hỏi quá khắt khe để vận hành nhịp nhàng. Chỉ đơn giản là nước sạch, không khí trong lành, dưỡng chất tự nhiên, sinh hoạt đúng với chu kỳ sinh học ngày cày đêm đi ngủ, vận động vừa đủ trong ánh nắng mặt trời và một tâm hồn thư thái bình hòa.
Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh sự đúng đắn trong câu nói của Hippocrate – ông tổ ngành y hiện đại: Hãy để thực phẩm là thuốc và thuốc chính là thực phẩm. Thực vậy, cơ thể người vô cùng hoàn hảo, nhưng để tận hưởng được sự hoàn hảo này, bạn cần có trí huệ. Tế bào sinh mới đổi cũ nhờ các chất dinh dưỡng tự nhiên. Nếu bạn đưa cho chúng toàn hóa chất độc hại, những món không tiêu hóa nổi… tế bào lấy gì để canh tân? Câu chuyện kháng bệnh tật là từ đây, từ các tế bào, bao gồm cả sự vận hành của hệ miễn dịch tinh vi trải khắp cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, các thực phẩm giàu vitamin, vi khoáng, chất chống oxy hóa như polyphenol và nhiều hoạt chất khác chính là chìa khóa giúp cơ thể đánh bại các tác nhân gây hại, vô hiệu các gen xấu (gen gây ung thư), quét dọn gốc tự do và các tác nhân gây lão hóa, tổn thương tế bào.
Trong vài thập kỷ qua, khoa học hiện đại cũng đưa ra bằng chứng về mối liên hệ mật thiết giữa cảnh giới tinh thần và sức khỏe thân thể. Điều này khiến cho hai trường phái y học Đông và Tây xích lại gần nhau hơn.
Phương Tây nhấn mạnh sự tàn phá của stress lên cơ thể. Nhà nghiên cứu nổi tiếng David Hawkins bàn về tần số năng lượng, theo đó sự đau khổ, tuyệt vọng và oán thán có tần số thấp, khiến người ta mang bệnh, và ngược lại, hòa ái, từ bi có tần số cao khiến mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc. Nghiên cứu cũng chỉ ra, người chăm chỉ làm việc thiện lương, người thường hằng kính niệm danh Chúa dường như giảm được nhiều nguy cơ bệnh tật. Điều này khá tương đồng với quan điểm dưỡng sinh trong Đông y cho rằng: Bệnh do 7 phần tinh thần 3 phần thân xác. Các bậc danh y thời xưa đều cổ súy “dưỡng sinh không bằng dưỡng tính“. Cảnh giới tinh thần ngay chính, thiện lương mới là bí quyết trường thọ, giúp duy trì và vực dậy chính khí trong cơ thể mỗi người. Trong Đông y không tồn tại khái niệm vi trùng, cũng không nhắc đến kháng sinh, mà chỉ có CHÍNH KHÍ và TÀ KHÍ. Một khi chính khí đủ vượng, bách tà khó xâm nhập. Lý thuyết “phục chính, khu tà” xuyên suốt trong Đông y là vậy.
Để phục chính, người xưa chú trọng sống thuận tự nhiên, nương hành theo đạo. Tự nhiên không có ý nói là theo động vật mà ăn lông ở lỗ, mà coi mình như một mắt xích trong hệ sinh thái tuần hoàn xoay vần cùng với vạn vật, được tự nhiên nâng đỡ và ngược lại cần cung kính tự nhiên.
Chính khí trong Đông Y còn là nói tới khía cạnh tình chí. Những sự thái quá của thất tình đều có ảnh hưởng tai hại với thân thể. Chúng trực tiếp gây ra trạng thái thực khí của tạng phủ, làm khí cơ nhanh chóng rối loạn. Giới Đông y thường nói: “Giận quá hại gan, vui quá hại tim, thương quá hại phổi, nghĩ quá hại tỳ, kinh sợ quá hại thận”. Bởi vậy, muốn dưỡng sinh, trước tiên phải dưỡng tính. Đấy gọi là phép tu nội mà an ngoại, dùng tâm tính để điều tiết thân thể.
Tâm tính không chỉ là ai sống tốt với ai, mà còn có thể dùng chữa bệnh được. Thái độ vui vẻ, lạc quan của một người cũng đem lại những năng lượng chính cho những người xung quanh. Thái độ vui vẻ, lạc quan thuộc về năng lượng của tâm. Tâm thuộc hỏa, vì thế có thể ức chế được trạng thái buồn của những người khác, bởi vì thái độ buồn thương thuộc về năng lượng của phế, mà trong ngũ hành thì tâm thắng phế, cho nên vui vẻ tự nhiên có thể phá tan sự buồn, giảm đi tà khí gây hại phổi. Bạn rất khó lựa chọn được không khí để thở, bởi vì đó là vấn đề chung của cộng đồng. Nhưng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn tu dưỡng để có một loại cảnh giới tâm tính chân chính.
Ngày nay môi trường suy thoái nghiêm trọng, thực phẩm dưỡng chất giảm, độc tố tăng, ai ai cũng theo guồng quay ‘cơm áo tình tiền’ mà thậm chí ăn không ngon ngủ không yên. Người xưa tay chân vận động nhưng suy nghĩ thường giản đơn tĩnh tại, còn thời hiện đại thân tĩnh mà tâm tình náo động. Các thiết bị điện tử, tiếng ồn và ánh sáng nhân tạo góp phần gây rối loạn nhịp sinh học cho cơ thể, thành ra có đến 95% dân số thường xuyên trong tình trạng mệt mỏi kinh niên, bệnh này hoặc bệnh khác. Bất kỳ ai muốn bứt ra cũng giống như lội ngược dòng lũ, nhưng khi đạt được đến điều đó, bạn đã chủ động kiểm soát được sức khỏe của mình. Khi nội lực cơ thể dồi dào, vi khuẩn vi trùng trăm loại cũng khó lòng ‘quật ngã’ bạn. Các vấn đề xã hội nhức nhối như thuốc giả, giá cả dịch vụ y tế tăng cao, thiếu giường bệnh… cơ bản không mấy ảnh hưởng đến bạn nữa.
Những năm gần đây người ta nhận thấy có sự trỗi dậy của nhiều phương pháp bảo vệ sức khỏe theo xu hướng có chút phần trừu tượng nhất là đối với giới khoa học thực chứng, ví như thực dưỡng, yoga, khí công, thiền định, niệm chú, tu luyện… Nói là trừu tượng bởi lẽ một phần khoa học hiện đại chưa cân đong đo đếm được các tham số, chưa lý giải được cơ chế (lưu ý rằng khoa học còn chưa phát triển xong!), người đời không sờ được, hoặc cảm nhận không giống nhau, và nhất là để có kết quả người thực hành phải tuân thủ một số yêu cầu “trừu tượng” liên quan đến phạm trù đạo đức, tinh thần. Nói là trừu tượng, nhưng thực ra chính là những điều mà các Thánh nhân, Thánh y thời xưa khi đặt nền móng cho y học, dù là Đông y hay Tây y đều đã cẩn thận căn dặn hậu thế rằng: Dưỡng sinh không bằng dưỡng tính, lại quay về cái gốc làm người nhân đức.
Tất nhiên mỗi người một hiểu. Nhiều người trong bế tắc của khoa học, trong khao khát chân lý đã thử đưa chân, hiệu quả đôi khi thật bất ngờ. Từng có một nghiên cứu của đại học Harvard trên cơ thể các thiền sư Tây Tạng, thấy rằng những người này có thể phát phóng ra các tia năng lượng mà người bình thường không thấy. Lại có thiền sư tưởng phải cắt chân vì hoại tử, thông qua thiền định mà hoàn toàn hồi phục. Chấn động nhất có lẽ là một số nghiên cứu trên những người luyện tập môn khí công Pháp Luân Công. Bất kể người tập có vấn đề gì về sức khỏe, kể cả những trường hợp đã xác định ‘chung thân’ với bệnh, 95% đều thấy chuyển biến rõ ràng, đỡ/khỏi từ 70-95, 100%.
Trang web của Hiệp hội Ung Thư Mỹ (ASCO) đã từng đăng tải kết quả một nghiên cứu tiến hành trên 152 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với tiên lượng sống chỉ sống được 5,1 tháng nữa. Nhưng sau những người này khi luyện Pháp Luân Công, họ đã sống được 56 tháng (tại thời điểm tổng kết số liệu). Có 149 người bệnh vẫn sống khỏe mạnh! Nhiều người trong số này cũng chẳng mấy kỳ vọng khi bắt đầu luyện tập, bởi các bác sĩ đã ký tên đóng dấu án tử lên hồ sơ của họ rồi. Những rốt cuộc họ đã “thử” tin và quả như trong Thánh kinh đã viết “phúc cho ai không thấy mà tin”.
Cuộc sống hiện đại đã khiến con người ngày càng xa rời tự nhiên, thêm lệ thuộc vào công nghệ và mất quá nhiều năng lượng cho ‘danh lợi tình tiền’, khiến rất nhiều khả năng kỳ diệu vốn có của cơ thể, cũng như năng lực tự chữa lành của tế bào dần bị thui chột. Những phương pháp “trừu tượng” nói trên kỳ thực xưa kia rất phổ biến, để giúp con người đạt được nội tâm an hòa, rèn được chữ Nhẫn, học được chữ Đạo. Tuy nhiên đến thời hiện đại, nó bị người ta chụp lên chiếc mũ “mê tín”, rồi những người thầy chân chính cũng không còn, tinh túy cũng mất dần theo thời gian. Tất nhiên, nếu bạn có ý định thử một môn “trừu tượng” nào đó thì hãy “đọc thật kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng” để lựa chọn cho bản thân những gì phù hợp nhất.
Thay cho lời kết: Khi thấy một vị bác sĩ sống đến ngót 100 tuổi vẫn khỏe mạnh và làm việc hăng say, có người hỏi “sao ông sống khỏe sống thọ vậy?”, ông trả lời “không phải tôi sống thọ, mà người ta chết quá sớm”. Kỳ thực nếu có thể thuận theo tự nhiên mà sống, thọ trên 100 tuổi sẽ không phải vấn đề gì to lớn. Nếu có thể làm cho CHÍNH KHÍ VƯỢNG thì mọi loại tà khí cũng sẽ chỉ như khói tan mây tản, vờn vẽ xung quanh mà không thể xâm hại.
TS. Đào Huy Phong, Lương y Trần Sơn, Trần Phước
Theo trithucvn