Đổng Thiến – người chủ trì của kênh CCTV, bị buộc tội đã tham gia cưỡng bức các nhà hoạt động nhân quyền trong chương trình “Nhận tội trên truyền hình”. Một khi đã thành tội danh, Đổng Thiến sẽ đi vào lịch sử CCTV, là người chủ trì đầu tiên phải chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Tổ chức nhân quyền quốc tế Protect Defenders đang chuẩn bị làm việc với Hoa Kỳ, Anh, Canada, cùng 7 quốc gia và các khu vực khác, căn cứ theo “Đạo luật trách nhiệm nhân quyền toàn cầu Magnitsky” của Hoa Kỳ và luật tương tự của các quốc gia khác nhau, để xin trừng phạt Đổng Thiến – phóng viên kênh CCTV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Đổng Thiến bị buộc tội đã tham dự cưỡng bức các nhà hoạt động trong chương trình “Nhận tội trên truyền hình”, một khi đã thành tội danh, Đổng Thiến sẽ bị cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản ở những quốc gia này, đồng thời bà cũng sẽ đi vào lịch sử CCTV của ĐCSTQ, là người chủ trì đầu tiên phải chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Tổ chức Protect Defenders chỉ ra rằng, Đổng Thiến bị nghi ngờ đã cùng cảnh sát và nhân viên an ninh quốc gia của ĐCSTQ hợp tác, tiến hành ghi hình và phát sóng ít nhất 5 nhà hoạt động nhân quyền trong vụ án “Bắt lớn 709” cho chương trình “Nhận tội trên truyền hình”, đã xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Trước khi Protect Defenders lên tiếng, đã có rất nhiều người trên chương trình “Nhận tội trên truyền hình” của CCTV phải chịu cực hình, hoặc bị cảnh sát lấy sự an toàn của người thân và bạn bè ra để uy hiếp, từ đó ép họ phải đồng ý nói theo kịch bản mà phía chính phủ đưa ra, khiến họ phải dối lòng mà nói đã rất ân hận về những hoạt động nhân quyền mà bản thân đã làm.
Trong quá trình quay phim, công an ở hiện trường sẽ “chỉ đạo” nội dung, ngữ khí phát ngôn, còn Đổng Thiến đóng vai trò điều phối quan trọng tại hiện trường.
Ngô Kiềm là nhà hoạt động bị bắt trong đợt “Bắt lớn 709”, thời điểm năm 2017, đã thông qua luật sư mà công bố một bức thư ngỏ, nói rằng ông từng phải đội một cái khăn trùm đầu màu đen, bị cưỡng chế đưa đến trước mặt Đổng Thiến để phỏng vấn, ở hiện trường có công an Bắc Kinh giám sát.
Việc chính quyền công khai sỉ nhục người bất đồng chính kiến vốn đã chấm dứt ở Trung Quốc sau triều đại Mao Trạch Đông. Nhưng hiện nay nó đã được hồi sinh với sự trợ giúp của công nghệ thông tin trong thời đại mới. Rất nhiều những nhà hoạt động sau khi bị bắt đã buộc phải lên truyền hình để thể hiện thái độ “ăn năn” của mình. Nhưng người ta đều dễ dàng nhận thấy, trong những video được CCTV công chiếu hết thảy đều có chung kịch bản.
Vào giữa tháng 9/2017, một công dân Đài Loan – Lý Minh Triết (Li Ming-che) – đã đứng giữa một tòa án miền Trung bộ Trung Quốc và thừa nhận tội danh “chống chính quyền“. Các đoạn video về phiên xử này lập tức được đăng tải trực tiếp trên trang Weibo của tòa án địa phương đó. Thậm chí là một vài trích đoạn còn được chiếu trên đài truyền hình quốc gia CCTV.
Tuy nhiên, nếu so sánh 40 đoạn phim “nhận tội” trước xét xử của người bất đồng chính kiến từ năm 2013 đến 2016 được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia và một số hệ thống truyền thông của đảng với câu chữ của lời thú tội mà ông Lý đã đọc tại tòa thì nội dung gần như là y hệt nhau. Tất cả các đoạn “tự thú” đều có kịch bản và được dàn dựng, không chỉ là hành vi trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền, mà mục đích chính là kêu gọi công chúng ủng hộ chính quyền.
Truyền thông nhà nước CCTV cũng thường thông qua “Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc” để phát sóng những bộ phim nhận tội đi khắp thế giới. Tuy nhiên, trước mắt đã có hai nạn nhân khiếu nại với cục quản lý thông tin nước Anh, CCTV bị nghi ngờ đã sản xuất những tin tức giả dối, nếu bị kết án, hình phạt cao nhất sẽ là thu hồi giấy phép kinh doanh của CCTV ở nước Anh.
CCTV là tiếng nói quan trọng của ĐCSTQ, không chỉ giúp ĐCSTQ ca công lập đức, trang điểm son phấn, thay đen thành trắng, che lấp sự thật, cũng là cỗ máy tiếp tay cho ĐCSTQ bức hại dân chúng.
Từ Cách mạng Văn hóa cho đến cuộc tàn sát ngày 4/6/1989 tại Thiên An Môn, rồi đến vu khống bôi nhọ Pháp Luân Công năm 1999, CCTV đều đóng vai hề gác cửa và tay sai cho chính quyền để tẩy não người dân.
Những năm gần đây, cùng với tiến trình chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, CCTV lại bùng nổ “trào lưu bỏ chạy”, những người tổ chức và dẫn chương trình của CCTV liên tục xin từ chức, nhiều tin xấu bê bối liên quan đến CCTV bị phanh phui, có thể thấy hệ thống tuyên truyền CCTV đang mục rữa đến đỉnh điểm.
Minh Huy (Theo BlDaily)