Tinh Hoa

Phỏng vấn cựu quan chức cao cấp TQ: Con đường đến với hữu thần luận

Ông La Vũ, con trai của Đại tướng La Thụy Khanh (tướng tâm phúc của ông Mao Trạch Đông) từng làm quan ở Bộ Tổng Tham mưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì không chấp nhận tình trạng hủ bại trong quân đội ĐCSTQ, sau sự kiện Thiên An Môn ông đã bỏ ra nước ngoài sinh sống.

 

Tháng Mười năm nay, ông La Vũ, con cố Đại tướng Cộng sản Trung Quốc La Thụy Khanh đã xuất bản sách “Giã từ Bộ Tổng Tham mưu”, gần đây ông lại lên tiếng kêu gọi ông Tập Cận Bình hãy kết thúc chế độ chuyên chính một đảng. Trong buổi trả lời phỏng vấn của báo Đại Kỷ Nguyên, ông La Vũ đã chia sẻ, chính cái đêm kinh hoàng xảy ra sự kiện Thiên An Môn đã khiến ông chuyển từ con đường vô thần luận sang hữu thần luận.

Ông La Vũ cho rằng con người nên có niềm tin tín ngưỡng, ông ủng hộ những người theo Pháp Luân Công tu luyện “Chân – Thiện – Nhẫn” và ủng hộ phong trào kiện Giang hiện nay của Pháp Luân Công.

Là con của lãnh đạo cấp cao thế hệ đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông La Vũ từng làm quan và được phong đến hàm Đại tá tại Bộ Tổng Tham mưu. Vì bất đồng với chính sách tàn bạo của ĐCSTQ, sau sự kiện Thiên An Môn ông đã quyết định bỏ nước ra đi, sau bị khai trừ Đảng tịch và Quân tịch. Báo Đại Kỷ Nguyên và Đài Truyền hình Tân Đường Nhân đã cùng phỏng vấn ông La Vũ. Đây là bài thứ 5 và cũng là bài cuối cùng trong chuyên đề riêng dành cho ông.

Từ vô thần luận đến hữu thần luận

Phóng viên: Thưa La tiên sinh, qua cuốn sách của ông chúng tôi được biết, trước sự kiện Thiên An Môn ông là người theo vô thần luận, rồi sau khi sự kiện này xảy ra ông chỉ im lặng khi nhắc đến vấn đề tin vào Thần Phật hay không tin vào Thần Phật, sau này ông đã trở thành người tin vào Thần Phật, ông có thể chia sẻ về quá trình này của mình không?

La Vũ: Trong quá khứ, ban đầu tôi được giáo dục theo vô thần luận, hồi đó tôi cũng không nghĩ nhiều về vấn đề này. Thái độ nghi ngờ đầu tiên của tôi xuất phát từ sự kiện Thiên An Môn, vấn đề này trong sách tôi cũng nhắc tới.

Chính vào đêm ngày 3/6, rạng sáng ngày 4/6, sang ngày hôm sau tôi phải đi Paris, tối hôm đó tôi ngủ trên giường của cha tôi, sau đó có con rệp cắn tôi. Vì tôi từng ngồi tù và cũng từng sống ở nông thôn nên biết về loài côn trùng này. Tôi soi đèn tìm kiếm nhưng không tìm thấy gì, thế rồi cả đêm cứ nằm trằn trọc không ngủ được. Trong lúc đó, tôi bỗng nghe những tiếng lách tách ở bên ngoài và chợt nghĩ có lẽ ai chơi pháo.

Đến sáng khi có người đi làm việc ở ngoài trở về và nói ngoài đường có xe của quân đội bị cháy, lúc này tôi mới hiểu những tiếng mà tối qua tôi nghe được không phải tiếng pháo, mà là tiếng súng. Tôi vô cùng căng thẳng, sau đó tôi đi Paris. Tôi thầm nghĩ sao lại có chuyện lạ như thế? Trong gian phòng tôi ở xưa nay không bao giờ có một con côn trùng nhỏ nào.

Sau đó còn nhiều việc trùng hợp kỳ lạ nữa làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi. Sau khi tôi ra nước ngoài đã xảy ra một số việc. Như chuyện bọn cướp đến ăn cướp và bị cảnh sát bắn chết, vợ tôi rất an toàn. Đây là việc chưa từng xảy ra ở Hồng Kông, đến cảnh sát cũng nói chúng tôi nên cảm ơn Thần Phật, họ nói đã bắn 5 phát súng nhưng lại chỉ tìm được 4 đầu đạn. Vậy một đầu đạn đi đâu? Họ nói là Thần Phật lấy đi. Nhiều việc tương tự cũng đã xảy ra. Sau này mỗi khi có người nói với tôi chuyện Thần Phật thì tôi chỉ im lặng.

Phóng viên: Tạo sao lại như vậy, thưa ông?

La Vũ: Vì tôi đang trong quá trình suy nghĩ về vấn đề này, suy nghĩ liệu có tồn tại Thần Phật hay không? Sau này tôi đi đến kết luận: Thần Phật là có thật, vì ngoài con người còn có những trí tuệ bậc cao hơn, chúng ta có thể gọi đó là Thần, dĩ nhiên bạn cũng có thể gọi nó bằng cái tên khác.

Phóng viên: Ông có nghĩ họ điều khiển mọi việc của con người không?

La Vũ: Tôi cảm thấy Thần cũng bảo vệ cho tôi.

Trở thành người có tín ngưỡng

Phóng viên: Tại sao ông nghĩ Thần Phật che chở cho mình?

La Vũ: Vì tôi là người lương thiện, tôi nghĩ thế không phải xuất phát từ lợi ích cá nhân. Sự kiện Thiên An Môn giết học sinh sinh viên tôi không liên quan đến, nhưng tôi nghĩ ông Đặng Tiểu Bình lên được quảng trường Thiên An Môn thì học sinh sinh viên cũng được quyền lên, tại sao ông ta lại cho xe tăng lao vào họ?

Phóng viên: Là con của lãnh đạo cao cấp thế hệ đầu của ĐCSTQ, việc ông dám từ bỏ bóng mát mà lớp cha chú trao lại cho mình như thế là không đơn giản…

La Vũ: Thực ra theo cách anh nói cho rằng tôi vứt bỏ bóng mát cha chú trao cho mình như thế là không hoàn toàn đúng. Họ muốn trao gì cho tôi? Đó là niềm hy vọng thế hệ sau của họ là người có đạo đức cao thượng và niềm tin tín ngưỡng chứ không phải là người chỉ chúi mũi vào tiền mà không biết đến thứ gì khác. Điều này áp dụng cho ông Đặng Tiểu Bình thì đúng. Nhưng với cha mẹ tôi, tôi nghĩ mong muốn cao nhất của họ với tôi là tôi trở thành người có đạo đức và tín ngưỡng.

Quan chức Ủng hộ Pháp Luân Công

Phóng viên: Theo tôi biết thì trong sách ông có nhắc đến ông Ngũ Thiệu Tổ (Wu Shaozu), người từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Thể thao quốc gia, chúng tôi được biết ông ấy là người rất ủng hộ Pháp Luân Công, ông La có biết người này không?

La Vũ: Tôi có tìm hiểu qua về người này, ông ấy là bạn học của chị tôi, sau làm Thư ký cho ông Vương Chấn. Khi tôi còn ở trong nước, chúng tôi có quen nhau. Sau này tôi được biết ông ấy là người ủng hộ Pháp Luân Công, vì ông ấy thấy Pháp Luân Công tốt cho sức khỏe quốc dân, điều này thì tôi cũng biết. Sau này ông ấy bị thanh trừng vì không theo ông Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công, sau đó vài năm ông ấy uất ức mà chết.

Tôi cũng biết chuyện ông ấy bị thanh trừng vì là người ủng hộ Pháp Luân Công, kỳ thực người ủng hộ Pháp Luân Công không chỉ có mình ông ấy.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ thêm được không?

La Vũ: Ví dụ như ông Lý Thụy Hoàn, Chu Dung Cơ. Trước khi ông Giang Trạch Dân trấn áp Pháp Luân Công họ đã cùng một số người thực hiện đợt điều tra nghiên cứu về Pháp Luân Công. Họ nhận thấy lợi ích cho sức khỏe mà Pháp Luân Công mang lại cho người dân, hàng năm tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho tiền thuốc men. Bản thân ông Lý Thụy Hoàn và Chu Dung Cơ cũng luyện công… Còn nói Pháp Luân Công “vây đánh Trung Nam Hải” là không đúng, vì người ta thỉnh nguyện ôn hòa, khi đó chính ông Chu Dung Cơ đã trực tiếp gặp gỡ những người thỉnh nguyện. Đa số những cán bộ cấp cao Trung ương đều không ai tán thành việc ông Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công.

Lập hồ sơ vụ án kiện Giang

Phóng viên: Sau khi ông Giang Trạch Dân phát động trấn áp Pháp Luân Công đã làm hại vô số học viên Pháp Luân Công. Vào ngày 1/5 năm nay, Tòa án Tối cao ĐCSTQ đã ra chỉ thị “có án phải lập, có tố phải nhận”, sau chính sách này đã có hơn 200 nghìn học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục kiện ông Giang Trạch Dân, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

La Vũ: Tôi hoàn toàn ủng hộ! Tôi nghĩ con số thực về người muốn kiện nhiều hơn nhiều.

Phóng viên: Còn hơn một triệu người ký tên thỉnh nguyện chung kiện ông Giang Trạch Dân.

La Vũ: Ở Đài Loan người ta nói ông Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian – 陈水扁) tham ô, sau khi bị kiện thì ông này cũng bị lập án điều tra và phải ngồi tù. Vì thế hành động kiện ông Giang Trạch Dân của học viên Pháp Luân Công là hoàn toàn hợp lý. Muốn biết sự thực hãy điều tra sẽ rõ. Ví như tuyên bố “có án phải lập”, thế nhưng hiện đã có 200 ngàn người kiện, họ có lập án không? Tôi thấy dường như họ chưa lập án gì.

Phóng viên: Theo ông La thì hiện nay chưa lập án, vậy sau này thì thế nào?

La Vũ: Điều này còn phụ thuộc vào hướng đi của Trung Quốc. Nếu đi theo hướng dân chủ thì chắc chắn án sẽ được lập, nhưng nếu theo hướng chuyên chế thì tôi không rõ.

Sớm đã chia ranh giới rõ ràng với ĐCSTQ

Phóng viên: Ông La còn muốn chia sẻ gì thêm nữa không?

La Vũ: Tôi là người cởi mở và sôi nổi. Tôi cũng là người rất ủng hộ “Chân – Thiện – Nhẫn”. Nhưng cũng có nhiều việc tôi cũng chưa rõ lắm, vì thế những lời tôi nói chỉ là góc nhìn chủ quan của cá nhân tôi, nếu có ích cho mọi người thì tôi rất lấy làm vinh dự, còn nếu có điểm nào không đúng thì tôi cũng sẵn lòng lắng nghe lời góp ý.

Phóng viên: Ông La vừa nói rằng mình rất ủng hộ “Chân – Thiện – Nhẫn”, trước đây ông La cũng từng nhắc mình ủng hộ phong trào thoái Đảng, Đoàn, Đội do Đại Kỷ Nguyên phát động, có phải ông có ý muốn công khai chuyện thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc?

La Vũ: Tôi đã bị họ khai trừ từ lâu rồi! Sau sự kiện Thiên An Môn tôi cũng đã từ chức và được trên phê chuẩn. Còn nếu theo “Điều lệ Đảng”, 6 tháng không đóng Đảng phí thì cũng xem như đã ra khỏi Đảng. Sau khi tôi rời khỏi tổ chức khoảng 2 năm thì ông Giang Trạch Dân đã phát lệnh khai trừ Đảng tịch và Quân tịch của tôi. Vì thế tôi đã thoái từ cách đây 26 năm rồi.

Phóng viên: Có nghĩa là ông đã vạch rõ ranh giới giữa mình và ĐCSTQ?

La Vũ: Tôi đã vạch rõ ranh giới từ lâu rồi. Khi tôi thoái Đảng là đã vạch rõ ranh giới với nó, còn nó khai trừ tôi là nó vạch rõ ranh giới với tôi. Tôi cảm thấy nó làm như thế rất tốt cho tôi, vì về cơ bản là tôi không có chung hệ giá trị sống với nó, cho nên tôi phải thoái nó.

(*) Bạn đang xem P4 của loạt bài Phỏng vấn ông La Vũ, xem thêm Phần 1, Phần 2 Phần 3  Phần 4

Theo Daikynguyenvn