Tinh Hoa

Phóng sự Hàn Quốc: Giết người để sống

Phóng sự ‘Kill to live’ đã hé lộ tội ác đằng sau phong trào du lịch ghép tạng đang nở rộ tại Hàn Quốc và cũng đặt ra cho khán giả Nam Hàn một câu hỏi lương tri: Giết người để sống, ai có thể biện minh cho hành động đó?

Tội ác đằng sau phong trào du lịch ghép tạng đang nở rộ tại Hàn Quốc. (Ảnh: Falunart.org)

“Giết người để sống” (Kill to live), đó là tên một phóng sự điều tra được chiếu trong chương trình “Seven deadly sins” (Bảy mối tội đầu) của kênh truyền hình TV Chosun, Hàn Quốc.

Trong số báo thứ 5 năm 2006 của tờ Phoenix Weekly (Phượng Hoàng Vệ Thị), Trung Quốc, có một bài viết mang tên: “Nghiên cứu về hàng chục ngàn người nước ngoài tới Trung Quốc ghép tạng – Trung Quốc đã trở thành trung tâm ghép tạng lớn nhất thế giới”. Bài viết này được đưa ra tại thời điểm hơn 1.000 cơ sở y tế lớn nhỏ tại nước này cùng tham gia vào việc ghép tạng (Theo giáo sư Di, Chủ tịch Điều hành của Liên minh Ghép tạng Trung Quốc, trả lời Nhân dân Nhật báo vào tháng 4/2015).

1 năm sau đó, do áp lực của cộng đồng quốc tế đối với những cáo buộc liên quan tới nạn mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm, cùng với việc Olympic Bắc Kinh 2008 đang đến gần, chính quyền Trung Quốc ban hành Quy định Ghép tạng, trong đó yêu cầu các trung tâm ghép tạng của nước này phải được cấp phép, và cấm việc người nước ngoài được phép tới quốc gia này để ghép tạng.

Phóng sự điều tra của TV Chosun Hàn Quốc với tựa đề: “Giết người để sống – Mặt đen tối của du lịch ghép tạng tại Trung Quốc”. (Ảnh qua TV Chosun)

Năm 2017, 10 năm sau Quy định Ghép tạng của Trung Quốc, chương trình “Bảy mối tội đầu” của TV Chosun Hàn Quốc phát đi một phóng sự điều tra, vạch trần việc hàng chục ngàn người Hàn Quốc đã và đang tiếp tục tới Trung Quốc để du lịch ghép tạng. Người ta không thể ngờ được rằng Quy định Ghép tạng mà chính quyền Trung Quốc đưa ra chỉ là một lớp vỏ bọc đẹp cho ngành công nghiệp giết người tại xứ sở này…

(Ảnh: t/h)

1. Những con số biết nói

“Tôi nghĩ rằng số lượng người Hàn Quốc sang Trung Quốc ghép tạng được báo cáo là quá nhỏ: chỉ 1 người vào năm 2016. Bí mật mà ai cũng biết, con số đó ít nhất phải là 1.000 người/năm. Chỉ có một cách để chứng thực con số này, đó là tự tôi phải đi thực tế. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định tới Trung Quốc để làm một bộ phim tài liệu trên danh nghĩa giúp đỡ một bệnh nhân cần ghép tạng”. Kim Hyeoncheol, phóng viên điều tra của TV Chosun chia sẻ. Vậy những con số mà Kim Hyeoncheol nói tới là gì?

Trích phóng sự “Giết người để sống”

– Ở Hàn Quốc cũng có thể ghép tạng mà?

– Chẳng đến lượt. Rất hiếm. Thông thường, bệnh nhân sẽ chết trong quá trình chờ đợi.

Trên đây là lời trần tình của một người đàn ông Hàn Quốc từng tới Trung Quốc theo hình thức du lịch ghép tạng năm 2004 tại “Bệnh viện T”. Ông kể rằng mình đã tới đó cùng 300 người có hoàn cảnh tương tự.

“Bệnh viện T” chính là Bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân, nơi có Trung tâm Ghép tạng Đông phương – Trung tâm được bài báo “Nghiên cứu về hàng chục ngàn người nước ngoài tới Trung Quốc ghép tạng” trên tờ Phoenix Weekly gọi là trung tâm ghép tạng lớn nhất thế giới.

Quy mô Bệnh viện Trung tâm Số 1 Thiên Tân. (Ảnh qua The Epoch Times)

Hoạt động của trung tâm ghép tạng này được thể hiện qua tần suất sử dụng tạng được đưa ra trong bài viết:

“Bệnh viện bắt đầu nhận và điều trị các bệnh nhân Nam Hàn vào năm 2002. Một lượng lớn bệnh nhân Nam Hàn đã đổ tới, khiến cho cơ sở vật chất hiện có không đáp ứng được. Hiện, bệnh viện đã phải chuyển đổi khu vực từ tầng 4 tới tầng 7 trong 12 tầng của tòa nhà thành khu vực cấy ghép. Đồng thời bệnh viện cũng mượn tầng 8 của Bệnh viện Quốc tế Tim mạch Khu vực Phát triển Kinh tế Thiên Tân thành nơi phục vụ các bệnh nhân Hàn Quốc. Bệnh viện cũng chuyển tầng 24 và 25 của một khách sạn bên cạnh thành khu vực dành cho các bệnh nhân chờ đợi ghép tạng. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang thiếu giường”.

Cũng trong bài báo này, 85% bệnh nhân tới từ hơn 20 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Nam Hàn, Nhật Bản, Malaysia, Ai Cập, châu Âu, Israel, Pakistan, Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan.

Bài báo cũng cho biết, sử dụng các dữ liệu chưa hoàn thiện, trong 3 năm từ 2014 tới 2016, hơn 3.000 bệnh nhân Hàn Quốc đã tới ghép tạng tại Trung Quốc ở Trung tâm Ghép tạng Đông Phương. Như vậy là trung bình hàng năm có khoảng 1.000 người Hàn Quốc tới đây ghép tạng.

Tại thời điểm năm 2007 khi Trung Quốc ban hành Quy định Ghép tạng thì quan chức nước này cũng đồng thời thú nhận rằng họ có lấy tạng từ tử tù. TV Chosun chỉ ra rằng, bởi vì số lượng tử tù bị hành quyết ở Trung Quốc hàng năm trung bình là 5.000 người, với tỷ lệ phù hợp để ghép tạng (phù hợp sau khi xét nghiệm máu và mô) thông thường là 6%, thì chỉ có 300 người trong số đó có thể được sử dụng để ghép tạng. Trong khi đó, năm 2011, hội Chữ thập đỏ Bắc Kinh tuyên bố rằng trong vòng 20 năm, Trung Quốc chỉ có 37 người hiến tạng. Tổng cộng mới chỉ có lượng nội tạng từ 337 người.

Như vậy dù sử dụng tất cả các nguồn tạng mà chính quyền công bố, vẫn không thể giải thích nguồn gốc của nội tạng dành cho hàng ngàn ca cấy ghép hàng năm. Đó là chưa kể tới số tạng được sử dụng tại các trung tâm ghép tạng dành cho người nước ngoài khác tại Trung Quốc.

Điều kỳ lạ là ở chỗ, số liệu trung bình 1.000 người Hàn Quốc ghép tạng một năm có được vào khoảng thời gian từ 2014 tới 2016. Trong khi đó, Quy định Ghép tạng năm 2007 của Trung Quốc đã cấm việc người nước ngoài được phép tới quốc gia này để ghép tạng. Điều này đã trực tiếp cho thấy sự dối trá của chính quyền Trung Quốc trong vấn đề ghép tạng…

Quy định Ghép tạng năm 2007 của Trung Quốc. (Ảnh qua Trithucvn)

2. Bên trong Bệnh viện T

Sử dụng hồ sơ của một người bệnh cần ghép thận, phóng viên của TV Chosun tiếp cận Trung tâm Ghép tạng Đông phương tại “Bệnh viện T”, nơi được những người Hàn Quốc lựa chọn nhiều nhất khi du lịch ghép tạng. Tại đây, họ được giới thiệu với một cụ bà vừa ghép tạng. Con trai bà giải thích nguyên nhân đưa mẹ tới Trung Quốc:

“Tại Hàn Quốc, anh chỉ có thể chờ đợi nội tạng cần thiết một cách mòn mỏi. Nhưng tại Trung Quốc, anh có được nội tạng dễ dàng. Tôi không biết chúng tới từ đâu, nhưng chỉ mất 2 giờ là họ đã mang nội tạng tươi tới”.

Hầu hết các bệnh nhân Hàn Quốc đều được một nữ y tá lai Trung – Hàn tiếp đón. Cô ta thẳng thắn nói:

“Người nước ngoài không được nhận vào các bệnh viện khác. Chính quyền đã cấm kể từ Olympics 2008. Các bệnh viện thông thường không thể làm việc này, nhưng chúng tôi thì khác. Đây là trung tâm ghép tạng, không phải chỉ phẫu thuật một hai ca. Chính quyền vờ như không biết việc này. Chúng tôi có nhiều bệnh nhân ngoại quốc nên chúng tôi cứ làm thôi”.

Khi được hỏi về số lượng ca ghép tạng trong 1 ngày, nữ y tá này cho biết:

“Hôm qua có 1 ca ghép lá lách, 3 ca ghép thận, và 4 ca ghép phổi”.

Theo cô, thời gian chờ đợi nội tạng từ 2 ngày, 1 tuần đến hơn 1 tháng, tùy theo sự phức tạp của ca bệnh. Nếu bệnh nhân cần nhiều nội tạng thì thời gian chờ sẽ kéo dài hơn.

Trung tâm Ghép tạng Đông phương hoạt động ngày đêm, 24/7. Ban đêm các ca phẫu thuật vẫn diễn ra. Đèn phòng phẫu thuật vẫn sáng. Khi zoom ống kính, phóng viên điều tra thấy các bác sĩ vẫn đang phẫu thuật. (Ảnh: TV Chosun)

Đặc biệt, nữ y tá cũng cho biết thêm, “cách duy nhất” để thời gian chờ được rút ngắn là bệnh nhân quyên góp số tiền ước tính khoảng 100.000 Nhân dân tệ (tương đương 15.000 USD) cho trung tâm cấy ghép, bên cạnh khoản tiền cấy ghép thận là 130.000 USD.

Đáng chú ý, theo một phỏng vấn đặc biệt vào năm 2006 đăng trên Tạp chí Kết hợp Y học Đông Tây trong Điều trị Tăng cường và Điều Trị Nguy Kịch (Chinese Journal of Integrated Traditional and Western Medicine in Intensive and Critical Care), khi Trung tâm Ghép tạng Đông Phương được mở rộng và mở cửa trở lại vào năm 2006 do quá tải các ca cấy ghép, nó đã có 700 giường bệnh phục vụ cho việc ghép tạng. Đến tháng 10/2009, tỷ lệ sử dụng giường bệnh của trung tâm này lên tới 90% (Viện nghiên cứu khoa học kiến trúc Trung Quốc), và đến năm 2013, sau khi đã tăng thêm giường bệnh, thì tỷ lệ sử dụng vẫn vượt mức ở 131% (Tờ Enorth Netnews của Thiên Tân năm 2014), nghĩa là bệnh viện vẫn phải điều thêm giường để đáp ứng.

Như vậy, thông tin từ Bệnh viện T cho thấy sự chủ động tới mức đáng kinh ngạc và sự dồi dào về nguồn nội tạng:

Điều này hoàn toàn trái ngược với quy luật ghép tạng thông thường trên thế giới. Ví dụ như tại Mỹ, nơi có hệ thống thông tin hiến tạng hiện đại trên thế giới thì thời gian chờ cho 1 quả thận là khoảng 3,5 năm. Hơn thế nữa, chỉ khi người hiến tặng là người sống thì các bác sĩ mới có thể chủ động về thời gian. Tỷ lệ người sống hiến tạng ở Mỹ là rất cao, ví dụ việc hiến thận: 5.537 người sống trong 17.107 người hiến vào năm 2014. So với con số 37 người hiến tạng trong vòng 20 năm của Trung Quốc là cả một sự khác biệt lớn.

Dữ liệu về ghép tạng tại Mỹ. Đây là quốc gia có hệ thống hiến tạng và ghép tạng minh bạch, hiện đại trên thế giới. (Ảnh qua Trithucvn)

Hơn 700 giường bệnh hoạt động hết công suất, 24/7, 1 ngày có thể có tới 8 ca ghép tạng, trong suốt 365 ngày, vậy thì con số ghép tạng là bao nhiêu? TV Chosun đã chỉ ra rằng nguồn nội tạng quá lớn này phải đến bằng cách giết người.

3. Nạn nhân bị giết là ai?

TV Chosun dẫn lời chứng của bác sĩ Enver Tohti – một bác sĩ trốn chạy khỏi Trung Quốc – tại Nghị viện Scotland về việc ông đã thực hiện mổ nội tạng từ người bị hành quyết. Ông cho biết khi thực hiện ca phẫu thuật lấy tạng, ông mới phát hiện ra rằng người đó bị bắn vào bên phải, tránh trái tim, để họ vẫn còn sống khi bị mổ lấy tạng. Tuy nhiên bác sĩ Tohti chỉ thực hiện việc này tại địa điểm hành quyết, trên một chiếc xe lưu động. Những gì được hé lộ tiếp theo còn khủng khiếp hơn.

Phóng sự dẫn lời chứng của một nữ y tá bí danh Annie từng làm việc tại Trung tâm điều trị tắc nghẽn mạch máu thuộc Bệnh viện Điều trị Tắc nghẽn Mạch máu tỉnh Liêu Ninh. Theo đó, cô là vợ cũ của một bác sỹ phẫu thuật Trung Quốc làm việc tại bệnh viện này từ 1999 tới 2004. Chồng cũ của cô là một bác sĩ giải phẫu thần kinh, từng mổ lấy giác mạc từ người sống. Đó là những người tập Pháp Luân Công – một môn khí công bị đàn áp tại Trung Quốc. Cô cũng cho biết bệnh viện tại Liêu Ninh đã thực hiện việc mổ lấy nội tạng của người tập Pháp Luân Công bị giam giữ trong cuộc đàn áp. Sau khi bị lấy tạng xong, dù còn sống hay đã chết, họ đều bị vứt vào lò hỏa thiêu.

 

“Họ dám lấy phổi, giác mạc từ tù nhân Pháp Luân Công […] rồi vứt xác họ vào lò thiêu như vứt rác để tiêu hủy chứng cứ.” – Annie tiết lộ. (Ảnh: TV Chosun)
Khi các phóng viên tìm đến nơi bị nghi là lò hỏa thiêu mà Annie nói tới, họ phát hiện lò hỏa thiêu đó đã bị tiêu hủy không còn dấu vết nào. (Ảnh: TV Chosun)

Bên cạnh đó, TV Chosun còn dẫn lời chứng của một lính canh từng chứng kiến việc một bác sĩ quân y và một cử nhân y khoa mổ cướp nội tạng sống từ một người phụ nữ tập Pháp Luân Công, bao gồm trái tim và thận, sau một tuần cô bị tra tấn.

Thực chất, đây chỉ là những dẫn chứng điển hình nhất và cụ thể nhất từ báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017) của về tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Trung Quốc. Báo cáo được đưa ra bởi ba nhà điều tra độc lập bao gồm: nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann; cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour; luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa Bình David Matas.

Theo thứ tự: David Kilgour, David Matas,Ethan Gutmann. (Ảnh: The Epoch Times)

Ba nhà điều tra độc lập đã công bố báo cáo với các bằng chứng ngày càng cụ thể, vào năm 2007 (bản cập nhật báo cáo Kilgour – Matas), 2009 (sách “Thu hoạch đẫm máu”), 2012 (sách “Tạng nhà nước”), 2014 (sách “Đại thảm sát”), và mới đây nhất là bản báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật”(2017).

Theo báo cáo này, hầu hết nội tạng mà chính quyền ĐCSTQ đang sử dụng cho ngành công nghiệp ghép tạng tới từ các tù nhân lương tâm, bao gồm nhóm người tập khí công Pháp Luân Công, nhóm người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nhóm người Phật giáo Tây Tạng, và nhóm Thiên chúa giáo. Trong đó nguồn tạng chủ yếu tới từ nhóm Pháp Luân Công vì sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra tại Trung Quốc vào năm 1999, tại bất cứ thời điểm nào, có từ 450.000 tới 1 triệu người tập Pháp Luân Công bị giam giữ trong các trại lao động cải tạo (nhà báo Ethan Gutmann ước tính dựa trên nghiên cứu của ông về hệ thống trại lao động cải tạo). Nhóm Duy Ngô Nhĩ là nhóm có nguy cơ cao trở thành nguồn nội tạng lớn thứ hai sau khi nửa triệu tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là đàn ông, đã bị gửi tới các trại lao động cải tạo vào năm 2017.

Nhà báo Ethan Gutmann trong buổi tường trình trước các thượng nghị sĩ nước cộng hòa Czech vào tháng 7-2018 cho biết:

“ĐCSTQ đang xây dựng 9 lò hỏa thiêu tại Tân Cương. Cái thứ nhất, nằm gần Urumqi, vừa mới đi vào hoạt động. Và chính quyền Trung Quốc không thuê 2 hay 3 nhân viên bảo vệ tại một lò hỏa thiêu, như hầu hết các lò hỏa thiêu thông thường khác. Họ đang thuê tới 50 người”.

Khó có thể tưởng tượng chính xác  rằng chính quyền Trung Quốc đã và đang giết người để bán nội tạng với quy mô lớn đến thế nào.

Human Right Watch đưa tin về việc ĐCSTQ thu thập dữ liệu DNA, máu của dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ. Cũng trong khoảng thời gian đó, nửa triệu tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là đàn ông, đã bị gửi tới các trại lao động cải tạo. Các nhà điều tra lo ngại dữ liệu máu này rất có thể được sử dụng để xét nghiệm tạng phù hợp, nhằm mục đích mổ lấy tạng sống. (Ảnh qua trithucvn)

Vì sao phải mổ lấy nội tạng từ người còn sống? Thông thường ở các nước khác, bác sĩ mổ lấy nội tạng từ người hiến đã chết do tai nạn, hoặc từ người hiến còn sống. Đối với người hiến còn sống thì không thể mổ lấy tim, cũng không thể mổ lấy cả hai quả thận hay hai lá phổi được. Đối với người hiến chết do tai nạn thì chất lượng nội tạng sẽ bị giảm sút do sau khi người chết, các cơ quan cũng dừng hoạt động. Việc này dẫn tới tỉ lệ đào thải nội tạng (cơ thể không chấp nhận nội tạng mới) sau khi cấy ghép cao hơn. Đây là nguyên nhân thúc đẩy tội ác giết người mổ lấy nội tạng sống.

Trong phóng sự của TV Chosun, có một chi tiết đặc biệt trong lời chứng của người lính canh chứng kiến cảnh mổ lấy nội tạng sống. Đó là việc người phụ nữ bị mổ lấy tạng vẫn tỉnh táo và có thể cảm nhận được mình bị mổ lấy tạng. Phản ứng đau đớn của cô ta đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người lính này. Việc mổ lấy nội tạng sống trong khi nạn nhân vẫn còn nhận thức được sẽ khiến các bác sĩ phẫu thuật – kẻ giết người – gặp khó khăn. Đó là nguyên nhân dẫn tới sự tồn tại của một loại dụng cụ ghê rợn…

4. Máy làm chết não để làm gì?

Tiếp tục điều tra, các phóng viên của TV Chosun còn phát hiện sự tồn tại của một loại dụng cụ: “Máy kích thích não tổn thương nguyên phát” hay còn gọi đơn giản là “Máy làm chết não”. Đây là một sáng chế của Vương Lập Quân, cựu Giám đốc Công An thành phố Trùng Khánh; giám đốc, giáo sư và cố vấn y khoa về Nghiên cứu Tâm lý hiện trường; người từng nổi tiếng vì chạy trốn tới lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc vào năm 2012, hiện đã bị kết tội đào tẩu, nhận hối lộ và lạm quyền.

Theo TV Chosun, loại thiết bị làm chết não tương tự từng được nghiên cứu tại Campuchia vào những năm 1970 và đã dẫn đến cái chết của rất nhiều người.

Máy làm chết não được nghiên cứu tại Campuchia những năm 1970. (Ảnh qua TV Chosun)

Trong hệ thống Tìm kiếm bằng sáng chế của Trung Quốc, có thể tìm thấy “Máy kích thích não tổn thương nguyên phát” có số đăng ký là 201120542042X, số công bố là CN202376254U; người sáng chế là Vương Lập Quân, cùng các đồng tác giả của nghiên cứu trên, những người đã tiến hành thí nghiệm gây chấn thương lên đầu của 12 thi thể.

“Máy kích thích não tổn thương nguyên phát” có số đăng ký là 201120542042X, số công bố là CN202376254U. (Ảnh qua Trithucvn)

Thông qua điều tra về loại thiết bị này, các phóng viên của TV Chosun đã tìm tới Bệnh viện Quân đội Trùng Khánh, nơi được cấp phép chính thức để sử dụng loại máy này. Phỏng vấn người cùng nghiên cứu loại máy này với Vương Lập Quân, các phóng viên phát hiện rằng tại một tòa nhà nghiên cứu riêng biệt, loại máy này đã được cải tiến thành phiên bản mới, hiện đại và dễ dàng sử dụng hơn.

Vị bác sĩ Trung Quốc thẳng thắn thừa nhận về công dụng của loại thiết bị này:

Trích phóng sự “Giết người để sống”

– Nó được dùng để làm gì?

– Nó có thể làm cho não chết, nhưng các nội tạng khác không bị tổn thương.

Bác sĩ phẫu thuật Lee Seungwon, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về Đạo đức Ghép Tạng (IAEOT), cũng khẳng định: “Nó được dùng để lấy nội tạng nguyên vẹn. Tôi rất chắc chắn. Nếu không thì gây chết não để làm gì?”

“Nó được dùng để lấy nội tạng nguyên vẹn. Tôi rất chắc chắn”. (Ảnh: TV Chosun)

Lượng nội tạng khổng lồ mờ ám, chủ động về thời gian ghép tạng, bắt giữ người thiểu số và người có tín ngưỡng quy mô lớn, xét nghiệm máu, máy làm chết não để lấy nội tạng, xây dựng các lò hỏa thiêu – Đó là toàn cảnh về thực trạng giết người thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, do chính quyền ĐCSTQ hậu thuẫn…

***

Cuối phóng sự điều tra, người dẫn chương trình Yun Jeongseop cho biết, để ứng phó với nạn du lịch ghép tạng tại Trung Quốc, nhiều biện pháp đã được đưa ra, trong đó đáng chú ý là hệ thống hiến tạng mới tại Tây Ban Nha. Theo đó, nội tạng của các công dân nước này khi qua đời sẽ được tự động đưa vào hệ thống hiến tạng, trừ khi họ có tuyên bố khác. Điều này khiến lượng nội tạng hiến tặng tăng lên, và giảm thiểu tối đa việc du lịch ghép tạng giết người giống như tại Trung Quốc.

Nói về việc du lịch ghép tạng của người Hàn Quốc, Yun Jeongseop nhắc lại câu nói của Kim Gwangha, một nhân chứng trong phóng sự hiện đang sống ở Hàn Quốc, từng chứng kiến cảnh người tập Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết rồi bị lấy nội tạng tại trại giam Trung Quốc. Ông Kim tâm sự:

Dù có tin rằng Thần tồn tại hay không,
xin đừng giao dịch với ma quỷ!

Theo ĐKN