Virus corona thường lây nhiễm thông qua dịch cơ thể của người bệnh, chính vì vậy, nếu đeo khẩu trang có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm virus qua đường hô hấp, thì rửa tay sạch sẽ còn có tác dụng phòng bệnh hiệu quả hơn hẳn.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, virus corona có thể tồn tại xung quanh các bề mặt vật dụng thường ngày như tiền, tay nắm cửa, chỗ vịn trên xe, ly tách, chén bát, đũa muỗng, thìa chung ở các quán ăn, quán nước…
Mặc dù chúng không thật sự gây ảnh hưởng đến cơ thể khi tiếp xúc trên da, nhưng trong quá trình sinh hoạt thường ngày như ăn uống, dụi mặt có thể khiến virus xâm nhập vào cơ thể thông qua đường mắt, mũi, miệng.
Chính vì vậy hiện nay trên toàn quốc các loại nước rửa tay khô, dung dịch sát khuẩn hàng ngoại được quảng cáo chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ để rửa tay, xoa đều, để tầm 30 giây cho đến khi khô hẳn, là đủ để diệt khuẩn, diệt virus, diệt nấm… trong đó có cả diệt virus corona.
Tuy nhiên, hiệu quả của nước rửa tay khô như thế nào? So sánh với việc rửa với xà phòng thì ra sao? Chúng ta nên tìm hiểu kỹ và cân nhắc sử dụng cho phù hợp.
Những lưu ý khi dùng nước rửa tay khô
Theo bài đăng trên trang Vinmec, những thành phần chính của nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng thường bao gồm:
- Ethanol (Cồn);
- Deionized Water (Nước tinh khiết);
- Sodium Lactate (Chất hút ẩm);
- Fragrance (Hương liệu tạo mùi / Tinh dầu làm thơm);
- Benzalkonium Chloride (Chất diệt khuẩn).
Thực tế, muốn Ethanol (Cồn) có khả năng sát trùng phải đạt 60 – 70 độ trở lên, đảm bảo các chỉ tiêu do Bộ Y tế ban hành. Do đó với mục đích dùng nước rửa tay khô để tiêu diệt vi khuẩn, bạn cần phải xem xét lại các yếu tố có trong thành phần, từ loại chất đến nồng độ. Hơn nữa gel khô kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến tất cả vi sinh vật nằm dưới nhiều vết bẩn hữu cơ trên tay, vì thế không có tác dụng tẩy sạch toàn bộ bàn tay.
Các chuyên gia lưu ý người dùng không nên quá lạm dụng những loại dung dịch sát khuẩn tay nhanh, sử dụng nước rửa tay khô như một thói quen hằng ngày ngay cả khi đang ở trong nhà.
Các loại nước rửa tay khô cho bé và người lớn đều được khuyến cáo chỉ sử dụng như một biện pháp thay thế tạm thời. Nguyên nhân là vì:
- Nước rửa tay khô có tác dụng sát khuẩn cực nhanh nhờ cồn, song lại không hoàn toàn giết được hết vi khuẩn (có thể làm sạch các virus cảm lạnh, viêm họng và cúm; nhưng không có tác dụng với các loại norovirus).
- Nước rửa tay khô sẽ lấy đi toàn bộ lớp dầu trên tay, sử dụng quá mức có thể làm giảm khả năng phòng vệ của da và góp phần gây kháng kháng sinh.
- Nước rửa tay khô cho bé có nhiều mùi thơm và màu sắc bắt mắt, dễ cầm nắm, đóng/mở sẽ kích thích trẻ muốn nếm thử hoặc làm dính vào mắt, miệng rất nguy hiểm.
- Dung dịch sát khuẩn tay nhanh có nguy cơ gây dị ứng với một số người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của chúng, hoặc gây ngộ độc cồn có nguy cơ dẫn đến tử vong.
- Có rất nhiều loại sản phẩm rửa tay diệt khuẩn được quảng cáo và bày bán trên thị trường nên khó biết được chất lượng, nguồn gốc cũng như khả năng tiêu diệt vi khuẩn thực của chúng.
Xà phòng có khả năng đánh bay virus hiệu quả
Đầu tiên, để không cho virus bám lên tay đủ lâu, thì việc chúng ta thường xuyên làm trước khi ăn uống hay chạm lên mặt là rửa tay sạch sẽ. Trong đó xà phòng có tác dụng rất tốt trong việc loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh.
Bởi các phân tử trong xà phòng thường có hai đầu, một đầu ưa nước và một đầu ưa chất béo. Đầu ưa nước sẽ bám chặt vào các phân tử nước, trong khi đầu ưa chất béo trong phân tử muối natri của axit béo sẽ thâm nhập vào vết dầu bẩn, còn đầu ưa nước lại có xu hướng kéo ra phía các phân tử nước.
Kết quả là vết dầu bị phân chia thành những hạt rất nhỏ được giữ chặt bởi các phân tử muối natri, không bám vào vật rắn nữa mà phân tán vào nước rồi bị rửa trôi đi, mang theo cả virus gây bệnh.
Lưu ý là xà phòng ở đây còn được biết đến bao gồm tất cả các loại chất có tính rửa (không có tính tẩy) nhẹ nhàng như xà phòng dạng bánh, xà phòng rửa tay, nước rửa chén thông thường không chứa chất diệt khuẩn. Nguyên nhân bởi chất diệt khuẩn (thường là triclosan) chỉ có thể diệt khuẩn nhưng lại vô dụng trong việc chống virus.
Hơn nữa, các nghiên cứu đến nay cũng đều chỉ ra rằng xà phòng chứa chất diệt khuẩn không mang lại hiệu quả gì hơn so với xà phòng thông thường ngay cả trong việc làm sạch vi khuẩn trên tay, trong khi chất diệt khuẩn còn làm tăng nguy cơ sản sinh ra dòng vi khuẩn mới kháng thuốc.
Cồn 70% – 90% có thể tiêu diệt hầu hết các virus
Khi chọn dung dịch rửa tay để phòng ngừa virus cúm mùa hay virus corona, nên lựa chọn loại chứa cồn trên 75% (chỉ phần trăm cồn nguyên chất) là được. Nguyên nhân là những dung dịch có chứa nồng độ cồn ở mức này có thể tiêu diệt được hầu hết các loại virus, không loại trừ virus corona. Phòng thí nghiệm của Trung Quốc cũng từng chia sẻ rằng dung dịch chứa cồn 75% giúp tiêu diệt virus corona vô cùng hiệu quả.
Kết luận: Mặc dù là xà phòng hay các loại cồn trên 70% đều có tác dụng diệt khuẩn, nhưng điểm khác biệt là thời gian phát huy tác dụng. Theo một nghiên cứu, dung dịch diệt khuẩn phải mất khoảng 3-4 phút mới xuyên qua lớp chất nhầy của đường hô hấp và vô hiệu hóa virus cúm mùa, trong khi nước rửa tay có thể loại bỏ virus ngay lập tức.
Vì vậy, thực tế trong giai đoạn mà các sản phẩm cồn trong các nhà thuốc đã cháy hàng hay tăng giá. Chúng ta cũng không cần thiết phải đi tìm mua bằng được để vệ sinh tay mà chỉ cần rửa tay thật kỹ với xà phòng là đủ.
Ngoài ra không chỉ rửa tay sạch sẽ, chúng ta cũng cần phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, có thể xông tinh dầu cho nhà, tránh môi trường ẩm thấp là điều kiện cho virus sinh sôi nảy nở.
Nên sử dụng khẩu trang khi ra khỏi nhà và vứt ngay vào sọt rác sau khi đã dùng xong sau đó rửa tay sạch sẽ.
Tránh tiếp xúc đến những nơi đông người, và người đang mắc bệnh, ngoài ra cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn chín uống sôi, tránh ăn những động vật rừng.
Đặc biệt một sức đề kháng tốt cũng là nhân tố vô cùng quan trọng trong việc phòng chống bệnh. Bởi khi virus hoàn toàn xâm nhập vào tế bào chủ của cơ thể người thì không một loại thuốc kháng sinh nào có thể tự chữa được và khi này hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ là thứ duy nhất phát huy tác dụng tự chữa lành.
Trong giai đoạn này cơ thể sẽ có phản ứng như nóng sốt, vì cơ thể nóng lên để làm giảm sức tấn công của virus, cho đến khi hệ miễn dịch xử lý xong virus gây bệnh thì sốt cũng sẽ tự hết. Tuy nhiên nếu sốt quá cao thì người bệnh có nguy cơ bị tử vong, do đó trong giai đoạn này việc hạ sốt cho người bệnh là vô cùng quan trọng.
Trong trường hợp này, có thể cho người bệnh dùng thêm thuốc hạ sốt để giảm bớt sự khó chịu (nên tham khảo ý kiến bác sĩ). Ngoài ra, việc uống nhiều nước cũng là một cách hiệu quả để thanh tẩy các chất độc tố ra khỏi cơ thể và làm giảm đau.
Đồng thời đối với người mắc bệnh trong thời gian này cần chăm sóc sức khỏe cho thật tốt, nghỉ ngơi và ngủ thật nhiều để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Chúc Di (t/h)