Mặc kệ những cảnh báo của chính quyền hay những hậu quả đã xảy ra, nhiều người dân vẫn vô tư đem rơm rạ ra các tuyến đường phơi hàng loạt với lý do là cho mau khô, lại thoáng đãng.
Cách đây 3 ngày tại thị trấn Thanh Chương, Nghệ An, trong vòng hơn 15 phút, một chiếc ô tô tiền tỷ đã bị ngọn lửa thiêu rụi. “Sự việc bắt nguồn từ việc người dân phơi rơm rạ tại các tuyến đường. Khi đang lưu thông trên đường, rơm rạ đã bị cuốn vào gầm xe ô tô này. Do có sự cọ xát, ngọn lửa đã bùng lên và gây cháy” – ông Nguyễn Đăng Tuấn, Trưởng Công an thị trấn Thanh Chương, Nghệ An, cho biết.
Cũng một vụ cháy xe ô tô tương tự vào tháng 6/2018.
Thời gian qua, cứ vào vụ gặt, nhiều tuyến đường giao thông đã bị lấn chiếm. Đường làng, đường xã, thậm chí quốc lộ trở thành sân phơi rơm rạ và nông sản, con đường để xe qua lại trở thành sân phơi lúa.
Có nhiều đoạn đường còn bị chiếm dụng hơn 2/3 phần đường làm sân phơi. Một số tuyến đường liên huyện, liên xã…, người dân còn phơi rơm trùm kín mặt đường nên người điều khiển phương tiện không biết đi đường nào đành phải đi đạp lên vô cùng nguy hiểm. Nhiều phương tiện tham gia giao thông còn bị rơm quấn vào bánh xe làm lái xe mất cân bằng rồi tự ngã. Nguy hiểm hơn là rơm rạ dễ mắc vào các gầm xe ô tô đi qua gây cháy nổ.
Đã có nhiều vụ va quệt, xích mích xảy ra giữa người dân và chủ phương tiện vì xe chạy trên đường sẽ chèn lên lúa của dân. Cá biệt nhiều người dân còn dựng hàng rào sắt, để “vây” đường…chặn xe lại làm sân phơi lúa của riêng mình, biến đoạn đường này thành một “yết hầu” khiến nhiều phương tiện qua đây phải đột ngột phanh gấp, giảm vận tốc và ì ạch di chuyển để “thoát” khỏi những chướng ngại vật trên đường.
Đáng nói là khi đi qua những vùng có phơi thóc, lúa, rơm rạ trên đường, người điều khiển phương tiện cũng không thể quan sát được mặt đường, thường đâm vào ổ trâu, ổ gà hoặc gạch, đá do người dân xếp trên đường gây tai nạn.
Đặc biệt, vào lúc trời chập choạng tối, khi người dân mang xe trâu, xe bò ra để ở giữa đường thu dọn rơm, các phương tiện giao thông đi qua thiếu chú ý quan sát cũng rất dễ gây tai nạn.
Bên cạnh đó, nhiều người dân thu gom rơm lại rồi tiện đốt luôn bên lề đường, khói bay mù mịt, làm khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.
Khi trao đổi về vụ việc trên, nhiều người dân cho hay lý do phải mang rơm rạ ra đường phơi là vì nhà không có sân phơi, và ngày mùa như thế này cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nên mới đem ra phơi như thế này, vừa rộng rãi lại mau khô. Ngoài ra, nhiều người ngại phơi trong nhà vì yếu tố vệ sinh, mắc công bụi bẩn ra nhà.
Theo Nghị định 46 năm 2016 của Chính phủ, hành vi phơi lúa, rơm rạ và các vật khác trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 – 400.000 đồng đối với tổ chức. Trong các trường hợp dẫn đến tai nạn, gây thiệt hại về tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, hiện nay mặc dù quy định rất rõ ràng nhưng người dân vẫn thờ ơ không chịu thực hiện, trong khi đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng không quyết liệt nhắc nhở, xử phạt. Sự phớt lờ của chính quyền địa phương cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng này vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác.
Anh Thư (t/h)
Xem thêm:
- Vì sao New York tràn ngập sắc vàng mỗi dịp 13/5? Câu chuyện đằng sau chiếc áo phông vàng
- Tâm sự của cô gái bị bại liệt: Ở đời, hãy học cách thấu hiểu người khác
- Người Việt chúng ta là những người hung dữ